| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trước bối cảnh lạm phát leo thang

Thứ Năm 15/09/2022 , 15:30 (GMT+7)

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lạm phát leo thang và các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến giá gạo xuất khẩu của nhiều nước tăng cao...

TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chia sẻ tại Hội thảo “Phân tích tình hình kinh tế  Việt Nam 2022- 2023 và tác động đến doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức ngày 15/9, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) “thoi thóp”, đối mặt với nhiều khó khăn tài chính, nợ lòng vòng trong khi lãi suất cho vay tăng cao (15-16%/năm). Mặt khác, thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo, chi phí về thời gian và tiền bạc khiến cho DN giảm năng lực cạnh tranh; giải ngân gói cứu trợ chậm đến công nhân nhiều tỉnh…

Trong khi đó, lạm phát leo thang tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, từ lúa mì và ngũ cốc, thịt, dầu ăn… đều tăng mạnh. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc giá phân bón, xăng dầu tăng mạnh trong vòng 1 năm qua và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine làm giảm mạnh nguồn cung lúa mì từ hai nước này. Hiện một số nước cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch, đường, dầu cọ... khiến gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước, dẫn đến đà tăng giá càng được đẩy mạnh hơn.

Theo TS Doanh, lạm phát các nước lên cao, tỷ lệ khô hạn, nông nghiệp các nước mất mùa, nhiều người không có thu nhập, sức mua của các thị trường truyền thống của Việt Nam bị giảm sút.

Trong bối cảnh khó khăn 2 năm đại dịch Covid-19 thì nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam, nông nghiệp phải chống đỡ trước sức ép tăng giá đầu vào, do đó TS Doanh cho rằng, nông nghiệp Việt Nam rất cần được đầu tư, tái cơ cấu, hiện đại hóa.

Điều quan trọng nhất là phải sửa luật đất đai, tạo điều kiện để nông nghiệp chuyển sang nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hoá và sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, bón phân, cũng như sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiện đại… “Đó là những công nghệ giúp nâng cao hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam. Lưu ý các DN nên làm nhà lưới nhà kính để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như hoa tươi, trái cây cao cấp… để xuất khẩu”, TS Doanh lưu ý.

Đánh giá về tình hình thế giới 4 tháng cuối năm 2022, TS Doanh cho rằng, sẽ tiếp tục biến động chưa ổn định, các DN cần theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu dự báo trước. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine, hay những diễn biến xuất khẩu gạo Ấn Độ… cũng tạo ra cơ hội, mở ra khả năng Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu. “Gạo có thể là loại lương thực sắp bị cuốn vào cơn sốt này. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã cho thấy, giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng – theo dữ liệu tháng 5 công bố vào tuần trước. Giá gạo tăng lên, Việt Nam có thể thu được lợi về xuất khẩu gạo”, TS Doanh nói.

Gạo Lộc Trời với thương hiệu 'Cơm Việt Nam Rice' chính thức lên kệ hệ thống siêu thị hiện đại lớn nhất Châu Âu ngày 6/9. 

Gạo Lộc Trời với thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" chính thức lên kệ hệ thống siêu thị hiện đại lớn nhất Châu Âu ngày 6/9. 

Cũng theo TS Doanh, kinh tế thế giới biến động, tăng trưởng thấp, quỹ tiền tệ quốc tế đã 5 lần điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, gần đây điều chỉnh xuống mức thấp nhất là 2,6%. Trong đó, ngân hàng Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của nước Mỹ, tác động đến toàn cầu. “Việt Nam cần xem xét thận trọng và có sự điều chỉnh thích ứng bởi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đều được ký kết bán bằng đồng đô la Mỹ” .

Trong khi đó, hiện Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc lên đến 270%, hàng hoá Trung Quốc không thể vào được thị trường Mỹ. Đây là cơ hội cho DN Việt, nhưng không vì thế mà đổ xô vào thị trường này mà không có kiểm soát chặt về chất lượng, tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm…

Việt Nam thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào một đối tác, tham gia CPTPP và RCEP, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 59 nền kinh tế, EU (EVFTA), Anh và các nước khác, mở rộng quan hệ kinh tế và thị trường xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, TS Doanh cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng hết các cơ hội mở ra.

Bên cạnh đó, hiện nay, kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng 32%, Việt Nam có 5 triệu hộ gia đình thành phố và 5 triệu hộ gia đình ở nông thôn.

Cũng theo TS Doanh, Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam năm 2035 mới trở thành nước công nghiệp hóa, GDP nông nghiệp <10%. “Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ổn định 1,75%/năm là bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế Việt Nam”, TS Doanh nói.

Để làm điều đó, theo TS Doanh cần nỗ lực hơn nữa phát triển “doanh nghiệp dân tộc” thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số nơi. Sớm liên kết các hộ gia đình đó thành những doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia vào thị trường xuất khẩu. Muốn như vậy, các cơ quan địa phương, hiệp hội cần hợp tác với nhau để giúp các DN này phát triển và các DN cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường sức mua, nhu cầu, mặt hàng nào là cần thiết để đáp ứng phù hợp.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Sơn La thành lập thị xã Mộc Châu từ toàn bộ 1.072,09 km² diện tích và 148.259 dân của huyện Mộc Châu.