Cả nước có gần 8.500 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Đề xuất đưa IPHM vào chương trình đào tạo chuyên ngành cây trồng, bảo vệ thực vật. Xuất khẩu gạo ST sang Trung Quốc tăng mạnh. Người trồng cà phê tại Quảng Trị lạc quan về mùa vụ mới.
CẢ NƯỚC CÓ GẦN 8.500 SẢN PHẨM OCOP 3 SAO TRỞ LÊN
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 diễn ra sáng nay 9/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Chương trình OCOP, chương trình phát triển du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới có sự tách biệt nhưng lại được hòa quyện trong giai đoạn mới. Qua đó, phát triển kinh tế nông thôn bao gồm không gian phát triển kinh tế hợp tác, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa những giá trị mới vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, qua hơn 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã có sự lan tỏa mạnh mẽ và trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
ĐỀ XUẤT ĐƯA IPHM VÀO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH CÂY TRỒNG, BẢO VỆ THỰC VẬT
Sáng 9/9, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp – IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022 – 2030. Dự thảo lần này đặt mục tiêu trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM trong sản xuất. Và để đạt được mục tiêu này, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đưa IPHM, bảo vệ thực vật hữu cơ vào chương trình đào tạo chuyên ngành cây trồng, bảo vệ thực vật tại các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, trung cấp nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định xây dựng các chương trình quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất và bảo vệ sức khoẻ con người.
XUẤT KHẨU GẠO ST SANG TRUNG QUỐC TĂNG MẠNH
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 466.000 tấn với trị giá khoảng 243 triệu USD; giảm 27,5% về lượng và giảm 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dù thị trường này hạn chế nhập khẩu gạo Việt Nam nói chung nhưng đối với các loại gạo thơm chất lượng cao và gạo ST lại tăng mạnh, đạt trên 188.000 tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các loại gạo Japonica, gạo trắng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay.
NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ TẠI QUẢNG TRỊ LẠC QUAN VỀ MÙA VỤ MỚI
Khoảng một tháng nữa, người trồng cà phê tại Quảng Trị sẽ bước vào niên vụ thu hoạch 2021 - 2022. Hiện tại, giá cà phê trên thị trường đang ở ngưỡng khá cao nên hầu hết nông dân đều khấp khởi hy vọng một mùa cà phê thắng lợi. Nhiều người dân cho biết, giá cà phê tươi đang được tiểu thương thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Mức này cao này cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2021. Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 4.500 ha cà phê, được trồng tập trung tại huyện miền núi Hướng Hoá. Cà phê được đưa vào trồng chủ yếu là giống Arabica và một số ít diện tích là cà phê mít. Người tiêu dùng trong và ngoài nước thường biết đến loại cây đặc sản này của Quảng Trị qua thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh. Hiện, Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn tham gia Đề án là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.