Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng quy mô xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu của nước ta không chỉ tăng trưởng về chiều rộng mà được đầu tư về chiều sâu. Với chất lượng và quy trình sản xuất đạt chuẩn, hàng hóa Việt Nam đã tiếp cận các thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới.
Theo công bố của Bộ Công thương trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 372 tỷ USD, tăng 10,6%; tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3,3 lần năm 2021.
Trong đó, giá trị xuất siêu của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước.
Giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xuất siêu tới 8,5 tỷ USD, đặc biệt 11 nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hầu hết giá trị xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng xuất khẩu nông sản, hàng hoá của Việt Nam còn rất rộng mở, đặc biệt với các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản Việt - nhìn từ Hội chợ Foodex Nhật Bản 2023
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động trong xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới.
Thực tế cho thấy, những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản, thực phẩm nói riêng đến từ sự tích cực, nhanh nhạy của các doanh nghiệp Việt trong việc quảng bá thương hiệu ở những sân chơi quốc tế.
Lấy ví dụ, tại Hội chợ Foodex Japan 2023 được tổ chức tại Nhật Bản trong tháng 3/2023 này, có tới 39 doanh nghiệp Việt Nam tham gia đã đem đến những sản phẩm chất lượng cao với thương hiệu riêng.
Xóa bỏ “định kiến” về những sản phẩm đóng gói thô sơ trong quá khứ, sản phẩm tại các gian hàng Việt Nam năm nay được đầu tư mạnh về mẫu mã, bao bì. Nhờ thế, không chỉ có bao bì hấp dẫn, hợp thị hiếu hơn mà còn tiện dụng cho người tiêu dùng.
Các gian hàng cũng được đầu tư tốt ở quy mô trưng bày và khâu thiết kế, chứng tỏ doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc tăng cường nhận diện thương hiệu, từ đó thu hút khách tham quan.
Ở mảng nông nghiệp, thực phẩm, dễ dàng nhận thấy những gian hàng Việt Nam nổi bật như The PAN Group với thiết kế bắt mắt không thua kém các gian hàng lớn của doanh nghiệp nước ngoài.
Với việc đầu tư vào những công ty đầu ngành nông nghiệp (top 3 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất, số 1 về thị phần giống cây trồng), các sản phẩm tôm, nông sản đông lạnh, hạt điều, snack… của doanh nghiệp này đã được đón nhận ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, Canada, Hàn Quốc.
Riêng với thị trường Nhật, tổng doanh thu xuất khẩu năm 2022 của PAN đạt 200 triệu USD, chiếm hơn 40% doanh thu xuất khẩu, đồng thời Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của PAN với các sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu Tập đoàn.
PAN cho biết sẽ theo đuổi chiến lược phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nghiêm túc, bài bản vào mảng nông nghiệp thực phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến với chiến lược phát triển bền vững.
“Các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU từ lâu đã là những thị trường truyền thống của PAN. Mặc dù vậy, chúng tôi coi việc tham gia những hội chợ lớn như Foodex Nhật Bản không chỉ là dịp mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội tốt để tái định vị nông sản, thực phẩm Việt Nam ở thị trường quốc tế.
Trước đây, thế giới nhìn chúng ta là quốc gia có sản lượng nông sản lớn nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam có thể tự tin về chất lượng sánh vai với sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thị trường thế giới”, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Tập đòan PAN chia sẻ.
Lafooco – một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của PAN là minh chứng tiêu biểu cho việc chuyển hướng từ nông sản thô sang hàng giá trị gia tăng và tìm được chỗ đứng cho mình tại các thị trường lớn từ cách đây 6-7 năm.
“Từ chỗ 80% doanh số đóng góp bởi điều thô, 20% bởi điều giá trị gia tăng đến nay con số đã đảo ngược: xấp xỉ 90% từ hàng giá trị gia tăng”, đại diện Công ty Lafooco cho biết.
Công ty không chỉ duy trì được lợi nhuận kinh doanh bền vững hơn mà còn tránh được rủi ro về biến động giá nguyên liệu mà còn nâng cao vị thế, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và vững chắc trong kinh doanh và sản xuất xuất khẩu điều.
Tóm lại, thị trường vẫn rất rộng lớn và có nhiều dưa địa xuất khẩu, việc có nắm bắt được những cơ hội này để “đem chuông đi đánh xứ người” thành công hay không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp Việt có bắt kịp xu hướng quốc tế đối với hàng hóa về chất lượng, bao bì mẫu mã, các tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển bền vững, … đồng thời cần chủ động, tích cực trong các hoạt động xúc tiến thương mại.