| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu rau quả tháng 1 nhiều điểm sáng

Thứ Hai 22/01/2024 , 10:22 (GMT+7)

Kim ngạch rau quả tháng đầu tiên năm 2024 ước đạt gần nửa tỷ USD, tăng hơn 89% so với cùng kỳ 2023, mở đầu cho một năm nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Hiện Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, điều này đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả nói riêng và nông sản nói chung.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt giá trị 5,6 tỷ USD (tăng 167% so với năm 2022). Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu quan trong của rau quả Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá, trừ thị trường Thái Lan, Đài Loan, Nga giảm nhẹ. Thị trường Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD, tăng 238% so với năm 2022); Mỹ đạt 257,8 triệu USD, tăng 4% so với năm 2022; Hàn Quốc đạt 225,8 triệu USD, tăng 24,9%; Nhật Bản đạt 176,2 triệu USD, tăng 6,7%.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại nhiều thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, hiện nay, đơn hàng xuất khẩu trái cây tăng liên tục theo từng tháng, từng năm.

“Bằng giờ năm ngoái là nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng năm nay là năm nhuận nên hiện doanh nghiệp đang tập trung để xuất khẩu phục vụ Tết cho người châu Á ở các nước, sản lượng tăng. Nhu cầu nông sản của các nước rất lớn.

Cuối năm 2022 chúng ta đã xuất khẩu chính ngạch sầu riêng và cuối năm 2023 đã ghi nhận con số ấn tượng. Nếu 2024, Việt Nam đàm phán thành công xuất khẩu trái dừa tươi sang Trung Quốc, hay chanh dây vào Mỹ..., cộng với việc doanh nghiệp đảm bảo được chất lượng, thương hiệu thì kim ngạch xuất khẩu tăng lên rất nhiều”, ông Tùng nói và cho biết thêm, hiện doanh nghiệp ông đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng trồng và đặc biệt tập trung vào những khách hàng hiện có.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty dừa Bến Tre (Beinco), nhìn nhận, hiện nhu cầu về dừa tươi trong nước cũng như thị trường Mỹ cơ bản tăng. Không chỉ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ thì phía Trung Quốc cũng đang xem xét để ký hiệp định xuất khẩu chính ngạch cho dừa tươi Việt Nam. “Đây là tin tốt lành cho bà con nông dân trồng dừa Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung để tăng cường sản lượng xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi cũng như xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ dừa”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hiệp Hội thanh long Long An cho biết, đối với mặt hàng thanh long, đang vào mùa Tết nên nhu cầu nhập hàng xuất đi Trung Quốc của các thương lái tăng hơn so với đầu tháng. Dự báo trong quý 1/2024 sẽ tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê đến ngày 18/1 của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 459 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng liền kề trước đó (tháng 12/2023) và tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tháng 1/2023 chỉ đạt 242 triệu USD).

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu rau quả đã có những khởi đầu thuận lợi. “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, năm 2024 kim ngạch rau quả sẽ tăng và chắc chắn sẽ tăng ấn tượng. Hiện Bộ NN-PTNT đang đàm phán mở cửa mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, hai mặt hàng này có thể mang về thêm 1 tỷ USD. Với những sự lạc quan đó, khả năng cả năm kim ngạch rau quả có thể đạt tới 6,5 tỷ USD”, ông Nguyên nhận định và cho biết thêm, sản lượng sầu riêng năm nay sẽ tăng do trồng gối vụ, những vườn năm ngoái chưa ra trái thì năm nay sẽ cho ra trái ít nhất 10-15%.

Theo ông Nguyên, hiện tại nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế do ảnh hưởng của thời tiết lạnh. Vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam xuất khẩu chuối sang thị trường 1,4 tỷ dân đầy tiềm năng này. Ngoài ra, thanh long cũng là một trong những mặt hàng đang được ưa thích của người Trung Quốc để phục vụ Tết Nguyên đán.

Liên quan đến căng thẳng tại biển Đỏ cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong tháng đầu năm 2024, tuy nhiên ông Nguyên cho rằng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tăng thị phần tại các thị trường khác như Trung Quốc “nhất cự ly, nhì tốc độ” để bù đắp sự thiếu hụt của các thị trường Âu, Mỹ.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Tổng Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng cho rằng, năm 2024 sẽ mở ra cơ hội triển vọng cho nông sản Việt Nam nói chung và trái dừa nói riêng.

“Ngay từ nửa quý 4/2023 đến nay đã xuất hiện một “hiện tượng”. Các doanh nghiệp chế biến sâu ngành dừa thay đổi cách bán hàng, không “co mình trong kén” như trước đây. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp top đầu chế biến sâu về ngành dừa Việt Nam đã chuyển sang hình thức kinh doanh theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là tìm kiếm, ký kết các đơn hàng trọn năm với những tập đoàn lớn của Nhật, Trung Quốc, cũng như các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ đó, lên kế hoạch sản xuất cho năm 2024 và yên tâm sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, giữ giá trọn năm”, ông Khoa nói và cho biết thêm, tin vui là nửa đầu tháng 1 một số doanh nghiệp đã đàm phán xong nhiều đơn hàng “khủng” cho năm 2024.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu rau quả như kỳ vọng, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng, giữ vững hoặc tăngsản lượng những mặt hàng thế mạnh đang xuất khẩu tốt. Đồng thời, tìm cách tăng sản lượng xuất khẩu bằng cách tăng mã số vùng trồng, tăng mã số cơ sở đóng gói, đa dạng mặt hàng xuất khẩu…

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm