| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản Bình Định tăng trưởng ngoạn mục từ thị trường mới

Thứ Sáu 15/11/2019 , 13:52 (GMT+7)

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Bình Định tìm kiếm được nhiều thị trường mới bù đắp “lỗ hổng” thị trường EU, mang lại kết quả mỹ mãn.

Khó khăn từ thị trường EU 

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản ở Bình Định đã giảm XK sang thị trường châu Âu (EU), tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới để bù đắp vào “lỗ hổng” doanh thu và đã mang lại kết quả mỹ mãn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2018, XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu chỉ đạt gần 390 triệu USD, giảm 6,5% so với 2017. Thị trường châu Âu từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường cũng giảm từ 18% xuống 13%.

Sản phẩm cá ngừ đại dương XK được chế biến tại BIDIFISCO. Ảnh: Đình Thung.

Là ông lớn trong lĩnh vực XK thủy sản ở Bình Định nhưng Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) vẫn không tránh khỏi khó khăn chung. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, bộc bạch: “Năm 2018, kim ngạch XK của BIDIFISCO đạt khoảng 60 triệu USD; trong đó, cá ngừ đại dương chiếm 50 triệu USD. Trước đây, thị trường EU chiếm tới 70% tỷ trọng XK của DN, thị trường Mỹ chiếm 20% và các thị trường khác 10%. Từ khi thủy sản Việt Nam bị dính “thẻ vàng”, chúng tôi giảm XK sang thị trường EU chỉ còn khoảng 40%, bởi nếu tiếp tục xuất sang thị trường này sẽ gặp rất nhiều rủi ro, tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh”.

Thực tế trên đã khiến DN XK thủy sản của cả nước gặp khó khăn khi XK sang thị trường EU. Riêng tại Bình Định, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK thủy sản của tỉnh này sang thị trường EU ước đạt 27,2 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018, thủ tục thông quan khó khăn, chi phí đội lên cao là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho XK thủy sản của Việt Nam sang EU giảm sút.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, trước đây, 60 - 70% hàng thủy sản của BIDIFISCO được XK sang thị trường EU. Từ khi Việt Nam bị dính “thẻ vàng” thủy sản, các lô hàng thủy sản của BIDIFISCO XK sang EU bị kiểm tra với tần suất tới 70 - 80%, khiến cho thời gian thông quan 1 lô hàng kéo dài tới 10 - 15, thậm chí đến 20 ngày, chi phí đội lên đến 15 – 20%.

Tôm được chế biến để XK của BIDIFISCO. Ảnh: Đình Thung.

“Thẻ vàng” EU không chỉ gây khó cho các DN XK thủy sản sang thị trường EU, mà khi XK sang thị trường khác, các DN cũng gặp nhiều trở ngại. Ông Tạ Văn Nga, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến thủy sản Tam Quan, thuộc Cty CP Thủy sản Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chia sẻ: “Đơn vị chủ yếu XK thủy sản sang thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc; nhưng trong năm 2019 này sản lượng XK thủy sản của đơn vị sang các thị trường nói trên đã bị chững lại, kim ngạch XK giảm khoảng 30% do vướng các rào cản kỹ thuật”. 

Tăng trưởng ngoạn mục nhờ thị trường mới

Sau khi XK sang thị trường EU giảm chỉ còn 40%, BIDIFISCO đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để duy trì hoạt động của 2 nhà máy với hơn 1.000 lao động.

Chiếm đa số lượng hàng của BIDIFISCO sản xuất ra đang được xuất sang thị trường các nước Nam Mỹ, Trung Đông, Ả Rập Saudi, Israel. Nhờ những thị trường mới này mà BIDIFISCO đã vượt qua khó khăn, doanh thu tăng trưởng.

“Chúng tôi đang cầm trong tay nhiều đơn hàng, phải làm đến cuối năm 2019 mới hết. Hiện chúng tôi tập trung tổ chức sản xuất để trả nợ các đơn hàng, chậm lắm đến Tết Dương lịch 2020 phải hoàn thành. Nhờ có nhiều thị trường mới với sức tiêu thụ khá nên năm nay chúng tôi hoàn thành kế hoạch, doanh thu ước đạt 68 triệu USD, tăng hơn năm 2018 là 5 triệu USD”, bà Cao Thị Kim Lan cho hay.

BIDIFISCO thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, “thẻ vàng” EU đã tác động đến XK các mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, XK cá biển và các loại thủy sản có thể tăng trong một vài tháng tới, sau khi có kết luận đánh giá của EC tại đợt kiểm tra về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam vào tháng 11/2019.

“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào cuối tháng 6/2019 mở ra nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế, trong đó XK thủy sản sẽ hưởng lợi không ít các ưu đãi của EVFTA. Nhưng để tận dụng cơ hội từ EVFTA, DN cũng phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng sức cạnh tranh với các nước đang chia sẻ thị trường này mới có cơ hội hội nhập”, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.