| Hotline: 0983.970.780

Xuất ngoại làm giàu - Cơ hội của nông dân thời hội nhập

Thứ Tư 17/11/2021 , 14:00 (GMT+7)

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng hoạt động ra các nước trong khu vực, từ đó tạo việc làm xuyên biên giới cho nhiều lao động...

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh mở rộng hoạt động ra các nước trong khu vực, từ đó tạo ra việc làm xuyên biên giới cho nhiều lao động. Và đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội để lần đầu tiên người nông dân “xuất ngoại” làm giàu.

Khó khăn khi hội nhập

Những năm qua, “hội nhập” đã không còn xa lạ đối với kinh tế Việt Nam nói chung hay ngành nông nghiệp nói riêng. Mặc dù mang khái niệm là hoạt động giao thương 2 chiều gồm cả cơ hội lẫn thách thức, nhưng từ trước tới nay, hội nhập thường được xem xét dưới góc độ là một thử thách đối với người nông dân trong nước. Theo đó, ở chiều xuất khẩu, rào cản về tiêu chuẩn khiến cho nông sản Việt rất khó tiếp cận được thị trường quốc tế rộng lớn. Ngược lại, ngay trên sân nhà, do yêu cầu bắt buộc từ các hiệp định thương mại đã ký, hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ lại khiến nông dân càng chật vật cạnh tranh với nguồn hàng từ các nước đổ về.

Bên cạnh áp lực từ sự cạnh tranh, vấn đề thiếu nguồn lực phục vụ cho canh tác, đặc biệt là quỹ đất lại càng khiến người nông dân gặp khó trong thời hội nhập. Hệ quả từ quá trình đô thị hóa, nhiều khu vực thuần nông tại các vùng quê Việt Nam đã dần chuyển đổi thành khu công nghiệp, kéo theo sự phát triển dân cư khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp. Tại một số khu vực, tình trạng sốt đất “ảo” lại càng đẩy giá đất tăng cao. Đất canh tác – từ một tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong nông nghiệp – đã trở thành loại hàng hóa để đầu cơ. Thực trạng này đã được nhiều chuyên gia xem là “vui ít lo nhiều” với người nông dân.

Không những vậy, việc suy giảm diện tích trên càng làm sâu sắc thêm sự manh mún trong sở hữu đất nông nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục điều tra nông nghiệp, tại Việt Nam 90% đất canh tác thuộc quy mô hộ gia đình, và trong đó tỷ lệ hộ nông dân sở hữu dưới 0,5 ha chiếm tới gần 70%. Nhóm có diện tích từ 0,5-2 ha là 25%, còn số lượng các hộ có diện tích lớn chỉ chiếm rất ít. Tính bình quân, diện tích canh tác của mỗi lao động nông nghiệp Việt Nam chỉ có 0,34 ha, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Đối với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, để gia tăng thu nhập cho người nông dân thì việc tận dụng lợi thế chi phí nhờ quy mô chính là chìa khóa. Mở rộng quy mô đồng ruộng không chỉ giúp tăng thêm doanh thu mà còn tạo điều kiện để cơ giới hóa, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại, từ đó tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, vấn đề đất sản xuất nông nghiệp được xem là nút thắt quan trọng cần được gỡ bỏ để nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

Doanh nghiệp “dọn ổ” đón đại bàng

Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn trong nước đã mạnh dạn mở rộng vùng nguyên liệu của mình sang các nước lân cận trong khu vực. Đây là động thái dễ hiểu khi tình hình quỹ đất nông nghiệp trong nước đã gần như khai thác tối đa, trong khi đó hội nhập lại tạo ra cơ chế thuận lợi cho việc đầu tư xuyên biên giới. Với tiềm lực về vốn và trình độ quản lý, một số doanh nghiệp Việt đã lựa chọn Lào và Campuchia để bước những bước đầu tiên trên hành trình “xuất ngoại”.

Và cách làm trên cũng chính là phép giải cho bài toán nguồn lực nông nghiệp. Với diện tích đất hoang, đất canh tác thiếu hiệu quả còn lớn, cộng thêm lực lượng lao động người địa phương, tình hình chính trị ổn định, nước Lào được xem là “miền đất hứa” đối với các loại cây công nghiệp, trong đó có mía đường. 

Tận dụng tiềm năng to lớn này, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam, đã đưa ra hướng đi đột phá khi xây dựng chương trình hỗ trợ người nông dân trong nước “xuất ngoại” sang Lào để quản lý, làm chủ các nông trường mía có diện tích lên đến 100 ha. Đây là một chương trình hoàn toàn mới, khác biệt về mặt căn bản so với các hoạt động tuyển dụng, xuất khẩu lao động từ trước đến nay.

Theo đó, với các nông trường mía tại tỉnh Attapeu, miền nam nước Lào, SBT sẽ tổ chức chuyển giao cho nông dân có mong muốn và khả năng quản lý, canh tác. Khi nhận chuyển giao, người nông dân cũng sẽ được nhận gói đầu tư toàn diện về mía giống, vật tư nông nghiệp, chi phí cơ giới, chi phí quản lý để có thể chăm sóc mía tốt nhất. Sau mỗi vụ mùa, Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ lượng mía sản xuất được. Việc phân chia doanh thu sẽ được thống nhất ngay từ đầu theo hướng đôi bên cùng có lợi, đảm bảo người nông dân được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình.

Cơ giới hóa là một hạng mục quan trọng trong gói đầu tư của Công ty dành cho nông dân.

Cơ giới hóa là một hạng mục quan trọng trong gói đầu tư của Công ty dành cho nông dân.

Sau một thời gian triển khai, nhiều nông dân tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã sang Lào tham gia chương trình với tổng diện tích lên đến 3.000 ha. Các “doanh nông” mới này đã đưa ra phản hồi rất tích cực, dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm đất để mở rộng quy mô canh tác. Với những chính sách ưu đãi hấp dẫn, mô hình trên có thể được xem là cơ hội để nhiều nông dân đổi đời, tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp cũng như phát huy kinh nghiệm, kiến thức canh tác của bản thân tích lũy được qua nhiều năm, nhiều thế hệ để làm chủ nông trường lớn, làm giàu trên vùng đất Lào màu mỡ.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.