| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh việc sửa truyện "Tấm Cám"

Thứ Ba 08/11/2011 , 09:52 (GMT+7)

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 đang được giảng dạy, cái kết của truyện cổ tích “Tấm Cám” đã được thay đổi.

Ảnh trong truyện Tấm Cám
Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 đang được giảng dạy, cái kết của truyện cổ tích “Tấm Cám” đã được thay đổi.

Chi tiết ở phần kết thúc truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm đáp lời: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.

Trong khi đó, các bản “Tấm Cám” đang được lưu hành trong các cuốn sách cổ tích được bày bán ở hiệu sách, có phần kết với nội dung: khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.

TRANH CÃI

Dĩ nhiên, việc thay đổi cái kết này là hệ quả của việc tranh cãi: Cám ác, Tấm còn ác hơn khi có hành động giết người dã man ở cuối truyện. Không bàn luận sâu về vấn đề thay đổi, giảng viên Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Sự thay đổi này là thay đổi cả yếu tố lịch sử. Tôi sẽ nghiên cứu kĩ và đưa ra ý kiến cụ thể khi nhận định chính xác”.

Giáo viên Nguyễn Thị Thúy Ngà (THPT Nguyễn Du, Hà Nội) cho rằng: “Truyện cổ tích tồn tại qua nhiều thế hệ, nhiều khi tình tiết chỉ phục vụ cho ý nghĩa cao đẹp của truyện. Ví như trong “Tấm Cám”, ý nghĩa sau cùng vẫn là cái thiện thắng cái ác. Việc thay đổi này gần như là sự phủ nhận lịch sử, nhưng cũng không thể tránh khỏi, bởi thời đại nào thì phù hợp với thời đại đó. Theo tôi, thay đổi hay không, không quan trọng bằng việc chấp nhận nó và đưa ra phương án bài tập phù hợp cho học sinh”.

Từng thủ vai Cám trong vở “Tấm Cám” trên sân khấu chèo, NSƯT Thu Huyền cho rằng: “Tấm cũng ác, nhưng tần suất ác của Cám nhiều hơn. Con tôi cũng nhận định: Cám ác nhiều hơn Tấm. Vô hình chung, thế hệ mới đã thay đổi cách nghĩ, không đơn thuần là Tấm luôn thiện, còn Cám thì ác nữa”.

Phía phụ huynh học sinh, chị Phan Mai Lan (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: "Chắc tôi cũng không khác quan điểm của phần đông: cô Tấm không hề "hiền như cô Tấm" nếu như cho Cám chết bằng nước sôi rồi cho vào lọ mắm để gửi mẹ Cám ăn. Mẹ Cám cũng chết ngay khi thấy lọ mắm...

Một đứa trẻ đang ở tuổi hình thành ý thức mà bị những hình ảnh chết chóc như thế, liệu có tốt không? Liệu có khơi gợi được tính nhân văn của chúng không khi vài năm nữa thôi, chính chúng sẽ là người phải xử lý các tình huống  "thiện - ác" do xã hội đem lại. Cá nhân tôi cho rằng, nếu truyện dân gian để làm nghiên cứu (trong thư viện, tủ sách quốc gia) thì nên giữ nguyên tác phẩm gốc. Còn nếu được lựa chọn, đưa vào giáo dục cho học sinh thì nên thay đổi cho hợp tính nhân văn của con người".

PHẢI THAY ĐỔI VIỆC HỌC THEO VĂN MẪU

Hiện trạng, học sinh học theo văn mẫu đã gây nhiều tranh cãi suốt một thời gian dài. Dĩ nhiên, học sinh đến trường luôn được nhồi nhét nhận định: “Tấm thì hiền, còn Cám luôn ác”. Quan điểm “Tấm hiền, Cám ác” được chắp cánh đến với học sinh trong nhiều bài thơ, bài hát và tất nhiên, nếu học sinh đi ngược lại: “Tấm cũng ác” là câu chuyện… đi ngược đám đông trong môi trường giáo dục trước đây.

PGS Phạm Thu Yến, Khoa Văn- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

Theo tôi, việc thay đổi kết cục cũng để hợp tính thẩm mỹ của thời đại, khi tính nhân văn con người luôn được coi trọng. Trong khi kết cục của truyện "Tấm Cám" được xây dựng như thế mới thỏa ước nguyện của dân gian. Đó là cách để dân gian tự giải thoát tinh thần qua câu chuyện. Tôi cũng minh chứng thêm việc hiện nay, quan niệm dì ghẻ con chồng đã khác đi rất nhiều bởi vẫn có nhiều câu chuyện xúc động về đức hy sinh, nhẫn nhịn của mẹ kế đã làm thay đổi quan niệm cổ hủ trước đây.
Nói về việc học theo văn mẫu, nghệ sĩ piano Phó An My chia sẻ: “Con gái tôi, một hôm đi học về bảo với mẹ rằng, cô giáo bắt tả con mèo cho môn tập làm văn. Dĩ nhiên, tôi biết con tôi không thích mèo, việc nó không thích mèo mà bắt con tôi phải tả con mèo lông mượt như tơ, ôm ấp mỗi ngày, thì quá giả tạo. Nhưng tôi chắc rằng, các em sẽ phải tả con mèo theo đúng những gì cô giáo dạy”.

Về việc thay đổi đoạn kết của “Tám Cám”, phụ huynh Nguyễn Thị Diệu Thu (Hà Nội) cho rằng: “Tôi nghĩ, việc của những người làm sách giáo khoa phải đưa ra bài tập phù hợp. Nếu được, hãy cho học sinh nêu quan điểm về hành động của Tấm. Tại sao lại không chứ? Còn nếu chỉ thay đổi cho phù hợp với văn mẫu thì nên bỏ truyện cổ tích này ra khỏi sách giáo khoa thì hơn”.

 Đồng tình với ý kiến của phụ huynh Diệu Thu, phụ huynh Nguyễn Huyền Thy (Hà Nội) cho rằng: “Nên bỏ truyện “Tấm Cám” ra khỏi sách giáo khoa, bởi tôi nghĩ, nếu nó đã tồn tại đã lâu như vậy, khó có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người về nhận định cái thiện, ác. Hơn nữa, đó là truyện cổ tích, mọi cái đúng, sai đều không có ranh giới rõ”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm