Nguồn gốc của bánh chưng
Theo truyền thuyết, sau khi thắng giặc Ân, vua Hùng thứ 6 muốn tìm người kế vị xứng đáng nên yêu cầu các con trai tìm dâng một lễ vật đặc biệt để dâng cúng trời đất, tổ tiên trong dịp năm mới. Lễ vật của ai khiến vua hài lòng nhất thì ngài sẽ truyền ngôi lại cho người đó. Các hoàng tử liền cho người đi khắp núi rừng sông biển, tìm của ngon vật lạ dâng lên vua cha.
Lang Liêu - người con thứ 18 - có tính thuần hậu, chí hiếu nhưng do mẹ mất sớm nên không giàu có như các anh em khác. Chàng rất lo lắng, buồn bã vì thấy mình chẳng có gì quý giá xứng đáng để dâng lên. Một hôm trong lúc mê ngủ, hoàng tử thấy một vị thần hiện lên mách bảo: "Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo. Đó là thức ăn nuôi sống người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng trời đất, lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.
Tỉnh dậy, Lang Liêu hết sức mừng rỡ, liền làm theo lời chỉ bảo của vị thần trong mơ. Đến ngày hẹn, trong khi những người con khác của vua Hùng dâng lên bao nhiêu món cao lương mỹ vị thì hoàng tử thứ 18 chỉ dâng hai món bánh lạ làm từ những vật liệu quê mùa. Đó là loại bánh hình vuông tượng trưng cho đất, bên ngoài là gạo nếp, bên trong là đậu xanh và thịt; bánh được gói cẩn thận trong lá dong rồi luộc chín. Còn loại bánh hình tròn trắng muốt được làm từ gạo nếp đồ lên giã nhỏ tượng trưng cho trời. Bánh vuông được gọi là bánh chưng, bánh tròn được gọi là bánh dầy.
Nhờ hai loại bánh này, Lang Liêu được chọn làm người kế vị ngôi vua. Từ đó về sau, mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên, thần linh của người Việt luôn có bánh chưng.
Ý nghĩa bánh chưng ngày Tết
Nguyên liệu làm bánh chưng, bánh dầy đều là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, rất gần gũi với cuộc sống người dân Việt Nam với xuất phát là một nước nông nghiệp, lấy nghề nông làm căn bản. Việc làm, dâng cúng và thưởng thức bánh chưng trong ngày Tết thể hiện sự biết ơn đối với đất trời năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bánh chưng với nhiều lớp lá bọc ngoài, nhân nhiều lớp tượng trưng cho sự chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái. Vì thế, nó cũng gửi gắm ý nghĩa tôn trọng đạo hiếu, thể hiện lòng hiếu thuận, biết ơn của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên.
Bánh chưng là món ăn truyền thống của Tết Nguyên đán được truyền từ ngàn xưa, sự có mặt của món ăn này trong mâm cỗ Tết ngày nay cũng thể hiện lòng tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền, tôn trọng di sản cha ông, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.