Anh muốn biến mọi chất thải của động vật thành nguồn năng lượng và dưỡng chất cho cây trồng, qua đó “tận diệt” khí các bon gây hiệu ứng nhà kính.
“Liên hoàn kế” diệt khí các bon
Bùi Đức Tuyển là nhân vật điển hình cho phong trào khởi nghiệp nông nghiệp của giới trẻ tỉnh Phú Thọ với nhiều ý tưởng táo bạo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính, anh hùn vốn tích tụ được 7ha đất đồi tại xã Xuân Áng xây dựng trang trại nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Làm trang trại được hơn 2 năm thấy có hiệu quả, anh tự thành lập HTX để có tư cách pháp nhân thuận tiện cho việc giao dịch và tiêu thụ sản phẩm.
Bùi Đức Tuyển đang kiểm tra chuồng trại |
Khu chuồng nuôi lợn của anh được thiết kế thoáng, sạch sẽ quy mô 30 lợn nái và hơn 300 lợn thịt. Tại đây có hệ thống vòi tắm tự động cho lợn rất tiện dụng. Anh có kế hoạch xây dựng lò giết mổ lợn và chế biến tại chỗ để ký hợp đồng bán trực tiếp vào các siêu thị ở những thành phố lớn.
Tuy nhiên, điều khiến chàng trai này đau đầu nhất, đó là việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ngày trước, phân chuồng, nước thải đổ trực tiếp ra môi trường, mùi hôi thối không sao chịu nổi. Anh Tuyển lên mạng internet học cách ủ phân trùn quế để bón cho cây, còn trùn quế được nghiền ra làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, cách làm này rất tốn thời gian, công sức và không thể xử lý được lượng chất thải khổng lồ từ khu chuồng trại. Anh tiếp tục xây dựng thêm khu tập kết, phơi ủ phân compost bằng chế phẩm sinh học để bón phân cho gần 500 gốc mít và hơn 100 gốc sim.
Những giải pháp đó mới chỉ xử lý được nguồn chất thải rắn, một khối lượng không nhỏ phân lợn vẫn len lỏi trong nước rửa chuồng để thải ra môi trường. Anh Tuyển đang ấp ủ một kế hoạch nhằm “tận thu” mọi giá trị từ nguồn phân lợn này. Đầu tiên, anh dự định sẽ xây dựng một công trình khí sinh học khoảng 60m3 để xử lý chất thải chăn nuôi. Nước sau hầm biogas sẽ được tích tụ lại bằng hệ thống bể chứa khoảng 50m3 để tưới cho cây trồng.
Hiện tại, các chuyên gia tư vấn của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) Trung ương và tỉnh Phú Thọ đã về khảo sát thực tế trang trại của anh Tuyển để nghiên cứu hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Anh Tuyển cho biết: “Tôi rất mong dự án của tôi sẽ được BQL dự án LCASP chấp thuận để sớm triển khai. Nếu được tôi sẵn sàng đối ứng nguồn vốn theo yêu cầu của dự án”. |
Đối với khí sinh ra từ hầm biogas, anh Tuyển sẽ đấu nối với cục lọc loại bỏ khí H2S để làm nhiên liệu chạy máy phát điện 3 pha (trị giá khoảng 50 triệu đồng) sử dụng trong thắp sáng, đun nấu và bơm nước của cả khu trang trại (trung bình mỗi tháng, trang trại của anh Tuyển tiêu thụ khoảng 5 triệu đồng phí điện năng).
Tuy nhiên, do đã đầu tư một khoản tiền lớn vào xây dựng cơ bản và tích tụ đất đai, nên chàng trai trẻ chưa có đủ nguồn lực để thực hiện dự án này.
Ở khu 1, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, một chàng trai khác cũng đang mò mẫm nhiều giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi từ trang trại nuôi lợn quy mô hơn 200 lợn thịt của gia đình mình.
Đó là Đặng Tiến Long, sinh năm 1991. Anh cho biết, đường dẫn nước thải của trang trại gia đình anh cách rất xa sông ngòi nên phải xử lý chất thải ngay tận gốc trước khi xả ra môi trường.
Hệ thống hầm biogas dung tích 100m3 chỉ xử lý được một phần lượng phân và nước thải theo đúng quy trình. Số còn lại anh Long phải thuê người hót phân khô, sau đó đưa xuống bể ủ phân compost bằng men vi sinh.
Sau 5 ngày ủ, số phân này được sử dụng để bón cho khoảng 0,7ha chè của gia đình và tặng các hộ trồng chè lân cận xung quanh sử dụng.
Anh cho biết: “Cách làm này chưa thực sự xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, bởi vẫn còn một lượng khí gas dư thừa lớn thải ra. Tôi đang nghiên cứu làm sao để xây dựng một ngọn đuốc như ngọn đuốc của thế vận hội Olympic để đốt. Nhưng không biết thiết kế kỹ thuật ra sao, rất mong các chuyên gia dự án LCASP tư vẫn giúp đỡ”.
Cán bộ dự án LCASP Phú Thọ đang tư vấn cho chủ trang trại tổng hợp Bùi Đức Tuyển |
“Phép thử” máy ép phân xử lý chất thải chăn nuôi Nhằm xây dựng các mô hình quản lý triệt để chất thải chăn nuôi cho sản xuất nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính, BQL dự án LCASP tỉnh Phú Thọ đã đề xuất chọn 1 mô hình “sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại” để thực hiện có trọng tâm, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các nội dung theo đúng hướng dẫn của Trung ương: Xây dựng tiêu chí tham gia mô hình, đăng báo mời bày tỏ quan tâm, thu thập đơn đăng ký của 20 hộ dân, thành lập Tổ kỹ thuật đánh giá hồ sơ bày tỏ quan tâm, thực hiện đóng/mở thầu, tổ chức hội nghị chọn hộ tham gia mô hình… Hiện đã chọn được 13/20 hộ tham gia mô hình, đã dự thảo hợp đồng trách nhiệm với 13 hộ, gửi trung ương phê duyệt. Văn Thùy |