Những năm qua, phong trào xây dựng NTM ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và trở thành phong trào rộng khắp.
Qua hơn 10 năm, các hộ gia đình, cá nhân trong huyện Yên Dũng đã hiến 215.000m2 đất tương đương 66 tỷ đồng, tháo dỡ 310.000m tường rào khoảng 34 tỷ đồng, góp vật liệu tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện đến trước thời điểm được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đạt hơn 3,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 1,2 nghìn tỷ đồng vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác.
Theo UBND huyện Yên Dũng, sau khi được công nhận huyện NTM, địa phương tiếp tục đặt ra mục tiêu duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Bên cạnh đó, toàn huyện Yên Dũng cũng sẽ có 40 thôn NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Theo UBND huyện Yên Dũng, chương trình xây dựng NTM đã làm cho diện mạo Yên Dũng có những thay đổi vượt bậc, từ huyện miền núi khó khăn đã trở thành vùng quê trù phú, yên bình, giàu bản sắc và đáng sống.
Thực hiện các mục tiêu đề ra, đến nay, toàn huyện 16/16 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 75% tổng số xã, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Yên Dũng được xác định là 1 trong 4 huyện, thành phố trọng điểm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Trong xây dựng NTM nâng cao, huyện Yên Dũng xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ nên sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Ông Hoàng Văn Thanh – Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Trong xây dựng NTM, địa phương đã quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn. Mặt khác, quan tâm hỗ trợ dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, đã được nhân dân trong toàn huyện sôi nổi thực hiện. Qua đó, góp phần tạo phang trào rộng khắp, là lá cờ đầu trong xây dựng NTM của cả nước”.
Theo tìm hiểu, đáng chú ý trong chính trách phát triển nông nghiệp của huyện Yên Dũng thời gian qua là nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025 được ban hành ngày 9/12/2020.
Sau một thời gian thực hiện, đến nay, ngoài việc duy trì được các vùng, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã có, huyện Yên Dũng đã mở rộng thêm các vùng sản xuất mới với diện tích 35 ha tại các xã như: Tiến Dũng, Đức Giang, Cảnh Thụy, Tư Mại, Đồng Phúc, Đồng Việt, Trí Yên, Lãng Sơn,…
Đáng nói trong số diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, diện tích mở rộng nhà màng, nhà lưới ứng dụng CNC đã tăng lên 2,68ha và được trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, dưa chuột Nhật, cà chua, dưa baby, rau ăn lá,…
Theo ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, thực hiện chủ trương nói trên, thời gian qua đơn vị đã cùng các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết, mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện thành lập các hợp tác xã nông nghiệp.
Mặt khác, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới, nhà màng thời gian đầu cho các hộ dân. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của cấp trên và nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng.
Hưởng ứng chủ trương này, các chủ thể sản xuất tích cực điều chỉnh giống cây trồng phù hợp với mùa vụ, thích ứng với thời tiết và thị trường đầu ra để đạt giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, đã đưa một số giống trồng mới vào sản xuất như dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nhật..., năng suất đạt 30 đến 35 tấn/ha/vụ, doanh thu từ 585 - 630 triệu đồng/ha/năm.
“Năng suất tại các vùng, mô hình ứng dụng CNC tăng 35%, giá trị gia tăng tăng 42% so với sản xuất đại trà. Kết quả này tạo thuận lợi để năm 2022 và những năm tiếp theo huyện Yên Dũng tiếp tục mở rộng và xây dựng mới các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, qua đó mang lại giá trị kinh tế lớn”, ông Kiên chia sẻ.
Huyện Yên Dũng đang có 9,4 nghìn ha diện tích lúa chất lượng, đứng đầu toàn tỉnh Bắc Giang với thương hiệu Gạo thơm Yên Dũng. Mặt khác, đã quy hoạch được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại các xã: Tiến Dũng, Đức Giang, Trí Yên, Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, diện tích thực hiện 135 ha. Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng được 50 mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 12 ha.