| Hotline: 0983.970.780

Yên Khánh, miền quê đáng sống

Thứ Tư 31/10/2018 , 14:05 (GMT+7)

Cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, các công trình thủy lợi, giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…, được quan tâm sửa chữa, xây mới.

Sau hơn 7 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã thực sự “thay da đổi thịt”, mang vóc dáng của một vùng quê hiện đại, khởi sắc từng ngày.
 

Dân vận khéo

Về Yên Khánh hôm nay/ Bao điều đang đổi thay/Về Yên Khánh hôm nay/Sáng ngời lên sức trẻ... Có dịp ghé thăm huyện Yên Khánh những ngày cuối năm, lặng ngắm những ngôi nhà khang trang, những con đường được bê tông hóa sạch đẹp, bắt gặp những ánh mắt hồ hởi, rạng rỡ của người dân, chúng tôi biết mùa xuân đang về sớm trên vùng quê Yên Khánh.

20-17-48_nh_1
Diện mạo NTM mới ở Yên Khánh

Tính đến tháng 6/2018, huyện Yên Khánh đã có 18/18 xã về đích NTM (đạt 100%). Ông Phan Sỹ Lợi, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Yên Khánh cho biết, kết quả này mang đậm dấu ấn của công tác dân vận, điển hình là phong trào “Dân vận khéo” được đẩy mạnh một cách sâu, rộng trên phạm vi toàn toàn huyện, nhận được sự ủng hộ to lớn từ các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, Yên Khánh đã xây dựng được trên 400 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh- quốc phòng đến xây dựng hệ thống chính trị… Qua đó, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, lôi cuốn sự tham gia, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Trên lĩnh vực kinh tế, các mô hình dồn điển đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng vùng SX xuất giống lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn ở các xã Khánh Thành, Khánh Trung..., mô hình tổ hợp tác trồng nấm của Hội Phụ nữ xã Khánh Công, Hội Cựu Chiến binh xã Khánh Vân; mô hình vận động giải phóng mặt bằng tại xã Khánh Nhạc... được triển khai rộng khắp.

Thông qua đó đã góp phần quan trọng trong việc vận động người dân khắc phục khó khăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, liên kết các hình thức SX kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

20-17-48_nh_2
Người dân Yên Khánh tích cực tham gia mô hình dân vận

Riêng lĩnh vực văn hóa- xã hội, các mô hình như “Cộng đồng khuyến học”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”, “Thắp sáng đường quê”, “Nhà sạch vườn đẹp” cũng đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, các xã trong huyện đã tuyên truyền, vận động bà con đóng góp được 99.602 triệu đồng, hiến 122ha đất, trên 88.300 ngày công lao động, làm mới và nâng cấp trên 3.100 tuyến đường với, tổng chiều dài 390,7km.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Văn Công (xóm 13, xã Khánh Thành) phấn khởi nói: "Xây dựng NTM đã mang lại cho quê hương chúng tôi nhiều đổi thay, đời sống bà con không còn vất vả như trước; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ như trường học, sân chơi thể thao, trạm y tế... phục vụ đời sống hàng ngày nên chúng tôi ủng hộ tuyệt đối".
 

Nâng cao thu nhập

Chia sẻ với PV, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Khánh cũng xác định, xây dựng NTM trên hết vẫn là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Theo đó ngay từ những ngày đầy thực hiện chương trình NTM, huyện đã xây dựng các mô hình SX tập trung gắn với chuỗi giá trị giúp gia tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác. Đến nay, huyện đã xây dựng 3 mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP với 130ha tại xã Khánh Thành, lúa làm ra được Công ty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình bao tiêu toàn bộ.

20-17-48_nh_3
Máy móc đã thay thế cho con người phục vụ SX

Bên cạnh đó, huyện còn ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau - củ - quả tại xã Khánh Hồng với quy mô 1,2ha bằng khung nhà phủ nilon đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần trồng lúa. Ngoài ra, huyện đã quy hoạch trồng cây dược liệu tại xã Khánh Thủy, Khánh Thành và Khánh Công  100ha, thu nhập 140 triệu đồng/ha...

Điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập là mô hình trồng rau an toàn của gia đình anh Phạm Văn Hợp (xóm 13, xã Khánh Thành). Được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng từ Chương trình xây dựng NTM, anh Hợp đã chuyển đổi 7 sào lúa sang trồng dưa chuột, bí xanh, mướp đắng xen kẽ với nuôi cá, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa, nhờ đó cuộc sống ngày một khấm khá.

20-17-48_nh_4
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển chăn nuôi giúp người dân tăng thêm thu nhập

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Yên Khánh cũng ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ xây dựng các điểm, cụm công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi; miễn, giảm tiền sử dụng đất; đào tạo nhân lực, phát triển thị trường; bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống..

Công tác đào tạo nghề được chú trọng. Huyện đã phối hợp với các DN đứng chân trên địa bàn mở hơn 120 lớp đào tạo nghề với 3.660 học viên; 80 lớp chuyển giao kỹ thuật cho 2.250 lượt người. Đến nay Yên Khánh đã có 43.649/71.124 người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định.

Nhờ vậy, tính đến tháng 6/2018 thu nhập bình quân ở nông thôn của Yên Khánh ước đạt trên 41 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38% so với năm 2011.

Cùng với tiêu chí thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. 100% xã có điện lưới quốc gia. Mạng lưới công nghệ thông tin đã “phủ sóng” đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, 100% xã có điểm truy cập internet. 100% xã có trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia..

Tiếp đà thắng lợi, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, thời gian cán đích NTM không còn xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Khánh đang nỗ lực hiết mình hoàn thiện 9 tiêu chí huyện NTM, đồng thời lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Yên Khánh là huyện NTM vào cuối năm 2018 theo đúng kế hoạch đã đề ra.

20-17-48_nh_5
Cơ sở vật chất ngày một khang trang, sạch sẽ

Về Yên Khánh hôm nay, có thể dễ dàng nhận ra, những cánh đồng mẫu lớn không chỉ còn quanh năm trồng lúa, những máy móc công suất lớn làm giảm đáng kể thời gian và sức lao động của người nông dân.

Bức tranh đồng quê Yên Khánh đã trở nên sinh động và tươi mới hơn nhờ nhiều loại nông sản khác nhau được quy hoạch thành những vùng SX quy mô, những con đường bê tông hóa sạch sẽ, khang trang của một vùng quê đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Yên Khánh giờ đây xứng đáng là "miền quê đáng sống" đối với bất cứ ai khi đặt chân đến nơi này.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.