Trung tâm tin (Đài tiếng nói Việt Nam) vừa gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên công văn đề nghị làm rõ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị hành hung. Hai nhà báo xác nhận, họ chính là người bị đánh trong clip được cho là ghi trong bối cảnh cưỡng chế tại Văn Giang.
>> Được, mất…
>> Vì sao người dân quyết liệt bám giữ đất?
>> “Vụ việc Văn Giang, các cơ quan báo chí chính thức đưa tin ít, phản ứng chậm”
>> Ruộng đất, nhìn từ chuyện cưỡng chế ở Văn Giang
>> Cưỡng chế thu hồi đất, tạm giữ 20 người
>> Hơn 160 hộ dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất
>> Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Trung tâm Nấm Văn Giang
>> Văn Giang trồng hoa Thu từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm
Ngay trong ngày cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan, Văn Giang (24/4), trên mạng xuất hiện clip dài hơn một phút cho thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục đeo băng đỏ đánh hai người đàn ông. Dù phải nhận các đòn đánh tới tấp nhưng hai người đàn ông mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm không có động tác phản kháng.
Trưởng phòng thời sự và phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam xác nhận là người bị hành hung trong clip. Ảnh cắt từ clip.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi), Trưởng phòng Thời sự và Hán Phi Long (33 tuổi), phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) xác nhận, họ chính là hai người bị đánh trong clip nói trên.
Báo cáo trước Thủ tướng sáng 2/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền", nhưng không nói cụ thể clip nào. Ông Hào cũng cho rằng, vụ cưỡng chế Văn Giang "các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm", trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục". Trước đó, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn". Cuộc cưỡng chế ngày 24/4, dưới sự chỉ đạo của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ của 1.000 người thuộc các lực lượng nhằm hoàn tất bàn giao 72 ha đợt 2 cho chủ đầu tư dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark). |
Ông Năm cho biết, sáng 24/4, ông và ông Long được cơ quan cử đi Hưng Yên theo dõi, nắm tình hình vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang. Khi ông Long đang đứng ở nhà văn hóa sát cánh đồng bị cưỡng chế thì bị cảnh sát và gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt, đấm đá vào người. Ông Năm chạy lại hét lên nhiều lần: "Chúng tôi là nhà báo, không được đánh" thì cũng bị vặn tay và nhận hàng loạt đòn đánh từ những người mang sắc phục cảnh sát.
Theo ông Năm, ông đã bị công an còng tay, đưa về trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang. Tại đây, ông bị lập biên bản thu giữ điện thoại, Thẻ nhà báo, Thẻ Đảng viên và Thẻ hội viên Hội luật gia Việt Nam. Chiều tối 24/4, ông Năm, ông Long đã về đến tòa soạn.
Ngay trong ngày, ông Năm đã gửi đơn đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên làm rõ ai là người đã ra lệnh, tham gia đánh hai nhà báo và phải có trách nhiệm bồi thường sức khỏe, danh dự.
Ngày 8/5, Đại diện Trung tâm tin (Đài tiếng nói Việt Nam) xác nhận, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long được đài cử đi Văn Giang (Hưng Yên) nắm thông tin về vụ cưỡng chế. Ngày 3/5, trung tâm tin đã có công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị xác minh, làm rõ vụ hành hung 2 nhà báo, nhưng hiện chưa nhận được hồi âm.
Chiều 8/5, Chánh văn phòng Công an tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hiếu cho biết, đã nhận được công văn của Trung tâm tin - Đài tiếng nói Việt Nam nhưng từ chối trả lời thêm.
Mặc dù nói "chưa xem clip liên quan đến hai nhà báo VOV" nhưng Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh cho biết: "Nếu đúng là có chuyện phóng viên bị đánh và Đài tiếng nói Việt Nam gửi công văn thì UBND tỉnh chắc chắn phải xem xét".
Theo VNE