| Hotline: 0983.970.780

8X Việt nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, giành học bổng tiến sĩ Mỹ 7 tỷ đồng

Thứ Năm 16/03/2017 , 07:25 (GMT+7)

Vừa nghiên cứu về não và trí tuệ nhân tạo, vừa dạy học tại Viện Công nghệ số 1 thế giới Massachusetts (Boston, Mỹ), Lê Mậu Tuấn vẫn dành nhiều thời gian để hướng dẫn các bạn trẻ có đam mê tạo ra những dự án ý nghĩa cho xã hội.

Vừa nghiên cứu tiến sĩ ở MIT, vừa học thạc sĩ Y khoa Harvard

Lê Mậu Tuấn, 28 tuổi, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT).

Tuấn du học từ năm 15 tuổi với học bổng toàn phần ASEAN của Chính phủ Singapore. Hoàn thành chương trình cấp 2 và cấp 3 tại quốc đảo sư đảo, chàng trai Việt giành học bổng toàn phần trị giá 34.000 bảng Anh/năm từ trường Imperial College London.

Tốt nghiệp Kỹ sư Điện tử tại Anh quốc, Tuấn nhận ra niềm say mê nghiên cứu ứng dụng thông tin điện tử công nghệ cao trong phục hồi chức năng cho các bệnh nhân bị đột quỵ, nên đã quay trở lại Singapore để tham gia nghiên cứu đề tài này.

  Anh Lê Mậu Tuấn chinh phục hàng loạt học bổng để theo học tại các trường danh giá của Singapore, Anh, Mỹ.
Anh Lê Mậu Tuấn chinh phục hàng loạt học bổng để theo học tại các trường danh giá của Singapore, Anh, Mỹ.


Ấp ủ ước mơ được học tiến sĩ ở ngôi trường số 1 thế giới về công nghệ - MIT, Tuấn chuẩn bị từ rất sớm. Mỗi mùa hè ở London thay vì mua vé tàu đi du lịch quanh Châu Âu như các bạn, hàng ngày chàng trai Việt ở lại trường đến 11-12 giờ khuya để làm thêm các nghiên cứu khoa học.

Năm cuối cùng đại học, anh đã đạt được mục tiêu đăng được một bài báo khoa học trong lĩnh vực dự định theo đuổi. Tuấn đến gặp từng Giáo sư sẽ viết thư tiến cử cho mình để trình bày mục tiêu và tìm nhiều cơ hội để làm việc với các Giáo sư đó.

Sau khi nộp đơn vào MIT, 8X này được giáo sư Emery Brown chú ý và nhà trường gửi thư mời phỏng vấn, đồng thời đài thọ chi phí đi lại và ăn ở cho anh từ London sang Boston phỏng vấn riêng trực tiếp với 5 giáo sư đầu ngành Thần Kinh học của thế giới.

Kết quả, Mậu Tiếp xuất sắc chinh phục học bổng Henry E. Singleton trị giá 77.000 USD/năm (hơn 7 tỷ đồng cho 4 năm) từ Học viện Công nghệ Massachusetts.

Tại ngôi trường đại học hàng đầu thế giới, Tuấn không chỉ dừng ở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, mà còn đi xa thêm một bước là dùng những hiểu biết này để hiểu sâu và mô phỏng các hiện tượng tâm lý, cảm xúc của con người.

Sau 2 năm theo đuổi ngành Trí tuệ nhân tạo và thần kinh học tại MIT, năm 2015 Tuấn tiếp tục “giành vé” vào chương trình Thạc sĩ Y khoa trong chương trình của khoa Công nghệ Khoa học Y khoa kết hợp giữa MIT và Đại học Y Harvard danh tiếng (MIT-Harvard Health Science Technology Department) - đào tạo những nhà nghiên cứu tiên phong trong khoa học Y khoa.

  Mậu Tuấn (giữa) đang nghiên cứu tiến sĩ ở Viện công nghệ số 1 thế giới – MIT tại Mỹ.
Mậu Tuấn (giữa) đang nghiên cứu tiến sĩ ở Viện công nghệ số 1 thế giới – MIT tại Mỹ.


Để có thể học song song hai văn bằng cùng một lúc, Mậu Tuấn lên kế hoạch chi tiết để cân bằng giữa học tập, nghiên cứu và giải trí. Học thạc sĩ ở trường Y khoa Harvard, Tuấn vận dụng các kiến thức chuyên ngành để hoàn thành tốt bài khóa luận và đạt điểm A+ trong môn “Bệnh lý học” tại trường Y khoa Harvard.

Hiện tại, ba công việc chính của Tuấn là nghiên cứu về não và trí tuệ nhân tạo, dạy học tại MIT và thực hiện những dự án xã hội theo đam mê. Một trong hai đam mê lớn nhất của chàng nghiên cứu sinh tiến sĩ là phát triển tài năng trẻ (cùng với tạo nên những công ty công nghệ đem lại lợi ích cho xã hội).

“Không cần đợi thành công mới đóng góp được cho xã hội”

Mậu Tuấn đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và trong công việc. Với hành trình tìm kiếm đam mê và vươn đến những chân trời mới của bản thân, anh nhận thấy câu hỏi lớn nhất mà mỗi người trẻ cần trả lời được chính là: sau này họ sẽ làm gì, trở thành người thế nào và có thể đem lợi ích ra sao cho gia đình, cộng đồng…

“Vì nếu không trả lời những câu hỏi này trước, những điều mình làm hay đạt được đều không có ý nghĩa”, Tuấn nói.

Cá nhân Tuấn cũng từng không thể trả lời chúng nhưng sau khi tích cực tham gia các dự án vì cộng đồng, anh dần phát hiện được cái đích bản thân muốn đến. Tuấn luôn biết ơn sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước và đến lượt mình, anh dành nhiều tâm huyết để tổ chức các dự án thúc đẩy sự đóng góp cho cộng đồng nhằm phát triển tài năng trẻ Việt, giúp họ nhận định đúng bản thân để phát triển tối đa.

  Mậu Tuấn rất tâm huyết với việc giúp các bạn trẻ Việt giàu đam mê, nhiệt huyết phát triển.
Mậu Tuấn rất tâm huyết với việc giúp các bạn trẻ Việt giàu đam mê, nhiệt huyết phát triển.


Năm 2011, Tuấn cùng nhóm bạn thân lập nên Frogsleap Foundation, hàng năm tổ chức đưa học sinh sinh viên ở nước ngoài về các cộng đồng còn khó khăn ở Việt Nam để dạy tiếng Anh và làm các dự án công nghệ xanh.

Năm 2014, Tuấn cùng 2 người bạn thân lập nên trang web Zenquiz.net với mong muốn giúp các bạn trẻ ở Việt Nam hiểu tính cách của mình hơn qua những bài trắc nghiệm thú vị. Hiện tại, nhóm của Tuấn đang làm việc rất cật lực để phát hành nhiều sản phẩm mới ứng dụng những công nghệ hình thành thói quen, định hướng nghề nghiệp.

Tại Mỹ, Tuấn là đồng sáng lập và Chủ tịch hội Enterprise Family (BTEF) - Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ dành cho người Việt tại khu vực Boston từ năm 2015 đến nay.

Nói về các dự án phát triển tài năng trẻ, Mậu Tuấn tâm huyết nhất với Dream Project Incubator (DPI), ra đời năm 2014. Với DPI, Tuấn và ban tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ ở Việt Nam từ 20 đến 25 tuổi khởi nghiệp và hiện thực hoá dự án ước mơ của họ. Để nhận được học bổng toàn phần của chương trình qua Boston, các bạn trẻ phải vượt qua được ba vòng tuyển chọn khắt khe.

“Chương trình đã sang đến năm tuyển sinh thứ 3 và đưa nhiều bạn trẻ giàu đam mê, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm sang Boston giao lưu trong hệ sinh thái Harvard - MIT. Qua đó, họ được tiếp cận nguồn lực, gặp gỡ những tấm gương thành công, học hỏi kinh nghiệm từ các giáo sư đầu ngành và quan trọng, dùng tất cả sự trợ giúp để biến ước mơ thành hiện thực”, Mậu Tuấn chia sẻ.

  Từ năm 2012 đến nay, chàng trai 8X này (ngồi giữa hàng đầu) liên tục sáng lập các dự án hướng đến các bạn trẻ.
Từ năm 2012 đến nay, chàng trai 8X này (ngồi giữa hàng đầu) liên tục sáng lập các dự án hướng đến các bạn trẻ.


Gần đây nhất, Tuấn là đồng sáng lập và cố vấn dự án Edcata nhằm kết nối các bạn trẻ Việt với giáo dục đại học bằng tiếng Anh miễn phí ngay tại Việt Nam và được chứng nhận Quốc tế.

Sắp tới, dù khá bận nhưng anh dự định sẽ dành một phần thời gian để giúp đỡ và chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm học tập, làm việc ở Singapore, Anh, Mỹ; cũng như các phương pháp nộp đơn và xin học bổng du học cho các bạn trẻ Việt.

Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu thế giới (MIT và Harvard), chàng trai Việt vẫn muốn tiếp tục vừa nghiên cứu, vừa áp dụng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, vừa dành một phần thời gian để chia sẻ và giúp đỡ các bạn trẻ đi sau - vốn là những việc anh đã và đang làm.

“Không cần phải chờ đến lúc mình thực sự thành công mới đóng góp được cho xã hội. Tuỳ theo sức của mình, tôi chọn những phương thức thích hợp để hỗ trợ và nâng đỡ những bạn trẻ đi sau mình, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các bạn trên con đường khởi nghiệp các dự án xã hội,” Tuấn quan điểm.

  Mậu Tuấn (thứ 2 từ phải sang) và các bạn trẻ trong chương trình học bổng toàn phần Dream Project Incubator (DPI) tại buổi chia sẻ kinh nghiệm ở MIT năm 2016.
Mậu Tuấn (thứ 2 từ phải sang) và các bạn trẻ trong chương trình học bổng toàn phần Dream Project Incubator (DPI) tại buổi chia sẻ kinh nghiệm ở MIT năm 2016.

(Ảnh NVCC)

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm