| Hotline: 0983.970.780

Ngang ngược chưa từng thấy

Thứ Hai 10/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Không chỉ bán đất trái thẩm quyền, lãnh đạo xã Bình Dương còn buông lỏng quản lý, để cho dân lấn chiếm 38.693 m2. Toàn bộ diện tích đất này sau đó được xã, huyện “hợp lý hoá” cho người lấn chiếm, nhưng chỉ thu được 182,9 triệu, tương đương với 14.318 m2...

Chỉ vào khu đất có ngôi nhà 3 tầng đang xây dở, ông Nguyễn Xuân Tính, một công dân của xã Bình Dương (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), rất đau xót khi nói với chúng tôi:

- Đấy chính là chỗ mà năm 1961, khi về thăm xã Bình Dương, Bác Hồ đã đứng nói chuyện với nhân dân về quy hoạch đồng lúa và trồng cây. 51 năm đã trôi qua, nhưng bà con Bình Dương chúng tôi vẫn đinh ninh lời dặn của Người. Nơi Bác đứng nói chuyện đó, sau được quy hoạch để xây dựng đền thờ Bác, có diện tích 72 m2, cả đất hành lang nữa là hơn 200 m2, đã được xây tường bao quanh. Thế mà...

Theo ông Tính, thì khu đất dùng để dựng đền thờ Bác Hồ ấy đã được ông Nguyễn Chính Nghĩa, thời kỳ đó là Chủ tịch UBND xã Bình Dương, bán cho 2 hộ dân là ông Thời và ông Nhúp, bất chấp những phản đối gay gắt của nhân dân và các đảng viên lão thành. Ngôi nhà 3 tầng đang xây tại nơi đã được quy hoạch dựng đền thờ Bác Hồ đó là của anh Hùng, con trai ông Nhúp.

Suốt 10 năm ông Nghĩa làm chủ tịch xã (1989 – 1999), việc bán đất trái thẩm quyền ở Bình Dương diễn ra rất ồ ạt. Theo kết luận số 4180/KL-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thì chỉ tính từ sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực đến năm 1999, ông Nghĩa và 2 cán bộ địa chính xã là Kim Văn Tuệ, Nghiêm Văn Hiểu đã bán trái thẩm quyền 21.095 m2 đất ruộng cho dân làm đất ở, giá đất hoàn toàn do nhóm người trên định đoạt mà không hề thông qua Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật. Tiền bán đất cũng không nộp cho ngân sách cấp trên một đồng.


Các ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Xuân Tính, Nguyễn Thế Bách đang phản ánh với PV báo NNVN

Không chỉ bán đất trái thẩm quyền, lãnh đạo xã Bình Dương còn buông lỏng quản lý, để cho dân lấn chiếm 38.693 m2. Toàn bộ diện tích đất này sau đó được xã, huyện “hợp lý hoá” cho người lấn chiếm, nhưng chỉ thu được 182,9 triệu, tương đương với 14.318 m2, số còn lại không biết tiền đi đâu vì “hồ sơ tài chính đã bị thất lạc, mối xông...”.

Và điều ngang ngược nhất, có lẽ chưa từng thấy ở đâu mà chỉ duy nhất có ở Bình Dương, là UBND xã đã tự ý sửa chữa tới 171 Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện cấp cho dân: nào sửa diện tích, nào bổ sung diện tích đất do... UBND xã giao, nào tách đất theo đề nghị của các hộ, và sửa vì rất nhiều lý do khác...

Các ông Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Xuân Tính, đều là công dân xã Bình Dương, cho biết:

- Diện tích đất đã bị ông Nguyễn Chính Nghĩa bán trái thẩm quyền được nêu trong kết luận số 4180 nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là một phần rất nhỏ so với diện tích đất thực tế đã bị bán trái thẩm quyền ở Bình Dương. Nhiều năm nay, chúng tôi đã liên tục có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ việc đó, xử lý nghiêm Nguyễn Chính Nghĩa. Cùng với đơn, chúng tôi đã cung cấp toàn bộ diện tích, cũng như danh sách những người mua đất do ông Nghĩa bán ngoài phần diện tích đã được Chủ tịch tỉnh kết luận, do chúng tôi phát hiện được, và cam đoan xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác, trung thực trong những tài liệu đó. Nhưng không hiểu sao đơn của chúng tôi vẫn không được xem xét, còn Nguyễn Chính Nghĩa cũng chẳng bị xử lý gì, dù Chủ tịch tỉnh đã kết luận những sai phạm của ông ấy là “nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm, gây bất bình đối với nhân dân trong xã, làm mất lòng tin giữa nhân dân với chính quyền...”. Thôi làm chủ tịch xã thì ông ấy về làm bí thư chi bộ...

Theo sự phát hiện của các công dân trên, tổng diện tích đất bị bán trong những năm mà “triều đại Nguyễn Chính Nghĩa” (nói theo cách nói của người dân Bình Dương) ngự trị (ngoài 21.095 m2 đã nói trong kết luận 4180 của Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc) lên đến khoảng 100.000 m2, bao gồm đất ở xóm Hoà Bình (thôn Lạc Trung, xã Bình Dương) 10.000 m2; Đất hai thôn Hoa Phú và Hà Trì khoảng 20.000 m2 (cả đất kho HTX và đất ruộng); Đất ao trước làng thôn Hà Trì khoảng 5.000 m2; Đất canh tác xứ đồng Đình Nhàn, thôn Hoa Đà khoảng 10.000 m2; Xứ đồng Khuỷnh và cửa chợ thôn Ngọc Động khoảng 10.000 m2; Xứ đồng Mía, xóm Gia, ao đình xóm Đông, ao xóm Máng, đất cạnh trạm biến thế số 5 (đều ở thôn Tứ Kỳ) khoảng 20.000 m2; Đất canh tác và đất kho dọc quốc lộ 2C thuộc thôn Yên Thịnh, khoảng 10.000 m2...

Không chỉ UBND xã bán mà HTXNN cũng bán đất. HTXNN Bình Dương, lúc đó do ông Nguyễn Ngọc Ninh làm chủ nhiệm (sau là Bí thư Đảng uỷ xã) đã bán gần 20 suất đất (mỗi suất từ 100 đến 120 m2) tại chợ Điền, và bán cho ông Lê Đình Bẩy, lúc đó là Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh, 700 m2 đất tại cầu Vân Xuân (giáp ranh giữa 2 xã Bình Dương và Vân Xuân) với giá gần như... cho không, chỉ có 90 triệu đồng.

Rất nhiều cán bộ xã như các ông Nguyễn Chính Nghĩa, Lê Văn Khang (khi đó là phó ban Tài chính xã, nay là Chủ tịch xã), Nguyễn Ngọc Ninh, Nguyễn Xuân Biên (khi đó là Chủ tịch MTTQ xã), Nguyễn Văn Thanh (lúc đó là Bí thư Đoàn TNCSHCM xã, hiện là chủ tịch Hội Nông dân xã)... đều có suất tại những nơi mà dân tố cáo là bán trái pháp luật đó. Ông Nguyễn Xuân Tính cho biết:

- Ông Lê Văn Khang mua tới 3 suất, sau bán đi 1 suất giá 240 triệu đồng, ông Nguyễn Chính Nghĩa cũng mua 2 suất vào loại đẹp nhất, hiện cũng đã được bán cho người khác. Thời kỳ đó tôi làm bảo vệ nên tôi biết, tất cả những người mua đất đều mang tiền đến nhà ông Nghĩa nộp trực tiếp.

Theo tố cáo của các công dân trên, thì tổng số tiền thu được từ 16.026 m2 đó, xã không nhập vào ngân sách mà lại mang gửi vào quỹ tín dụng nhân dân của xã. Chỉ khi người dân thôn Phong Doanh đòi hỏi gay gắt, UBND xã mới trả cho thôn trên 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại, người dân cũng chưa biết số phận của chúng ra sao.

Chuyện đất cát thời ông Nguyễn Chính Nghĩa chưa giải quyết xong, thì từ năm 2010, người dân xã Bình Dương lại vô cùng bức xúc trước việc khu Đầm Dinh thuộc thôn Phong Doanh bị mang cho doanh nghiệp Tuấn Đạt thuê 50 năm. Đầm Dinh có 2 phần, 1 phần đã giao cho 20 hộ canh tác, các hộ dân đều được nhận tiền đền bù 70,2 triệu đồng/sào Bắc bộ (360 m2). Phần còn lại có diện tích 16.026 m2 là đất công (theo các công dân trên thì đây thực sự là diện tích đất canh tác mà UBND xã giấu, không chia hết cho dân, để dùng vào mục đích khác chứ không phải là đất công ích (5%) của xã theo quy định tại nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ), xã thu.

Thiết nghĩ, những bức xúc trên của người dân Bình Dương, nếu không được giải quyết dứt điểm, triệt để, thì việc khiếu kiện sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm