| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Không thể dự báo tuổi thọ công trình

Thứ Năm 24/11/2011 , 09:25 (GMT+7)

Tính đến ngày đăng đàn trả lời chất vấn trước QH, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là vị Bộ trưởng trả lời chất vấn đầu tiên

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là vị Bộ trưởng trả lời chất vấn đầu tiên. Tính đến ngày đăng đàn trả lời chất vấn trước QH, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ sự ngưỡng mộ vì chỉ trong thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bộc lộ phong cách làm việc “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Và câu hỏi của đại biểu đặt ra là Bộ trưởng sẽ làm gì để giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông và giải pháp nào để khắc phục tình trạng cầu đường làm trước hư sau như hiện nay? 

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thành Tâm, tỉnh Tây Ninh cho rằng ngành GTVT có tình trạng làm thì chậm, hỏng thì nhanh ở các công trình giao thông nên trở thành gánh nặng của nhân dân. Người dân không chỉ gánh chịu thực trạng ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn phải gánh tiền đầu tư bị thất thoát, phải bỏ tiền ra sửa chữa, dẫn đến mất tiền 2 lần. Trả lời các đại biểu về nhóm giải pháp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Thăng cho rằng điểm mấu chốt là phải nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông đồng bộ: đường thủy, đường sắt, hàng không, đường bộ và phải tập trung nâng cao hiệu lực quản lí của nhà nước. "Tai nạn giao thông có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu thì một nguyên nhân quan trọng nhất đó là quản lý nhà nước còn yếu kém dẫn đến ý thức tham gia giao thông của người dân chưa được tốt" - Bộ trưởng Thăng khẳng định. 

Dẫn chứng bằng hàng loạt nhà cao tầng đang tiếp tục được xây dựng gây sức ép mật độ dân cư cho các TP lớn và việc lòng đường, vỉa hè đang bị chiếm dụng thành hàng quán, bãi đỗ xe, Bộ trưởng Thăng cho rằng cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, vai trò quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành trong đó ngành GTVT sẽ đi đầu. “Giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu chỉ coi là việc của riêng ngành GTVT thì không bao giờ làm được”, ông Thăng nói.  

Đối với tình trạng công trình chậm, hỏng nhanh, thất thoát, Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp: Một, thúc đẩy chuẩn bị các dự án có chất lượng và nhanh hơn. Hai là lựa chọn kĩ lưỡng Ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát có chất lượng, chọn nhà thầu đảm bảo năng lực thi công, tài chính. Đặc biệt cần công khai minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện với sự giám sát của các cấp, các ngành để sẵn sàng thay thế những Ban quản lý, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cũng như nhà thầu không đạt yêu cầu. Ngoài việc trình bày các nhóm giải pháp trước QH, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ kiềm chế và giảm dần tỉ lệ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm.

Vẫn là vấn đề chất lượng công trình giao thông nhưng ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lại có một góc nhìn khác. Theo bà những con đường do nước bạn Cu Ba làm giúp chúng ta từ năm 1970 của thế kỷ trước đến bây giờ vẫn tốt nhưng đường của chúng ta làm vừa nghiệm thu xong đã kịp xuống cấp. Vậy là do công nghệ kém hay do thất thoát? “Trong quá trình dự toán làm đường, ngành giao thông có dự báo tuổi thọ hay không. Ví dụ bây giờ 1 triệu đô/1km thì tuổi thọ là bao nhiêu năm, 500 nghìn đô thì là bao năm?” – ĐB An chất vấn. Một vấn đề nữa bà An quan tâm là có hay không việc bán thầu vì đây là việc cốt lõi quyết định chất lượng công trình.

Trả lời bà An, Bộ trưởng Thăng thừa nhận không thể tránh khỏi thất thoát trong thi công và chuyện bán thầu thực tế là có. Còn việc dự báo tuổi thọ do có rất nhiều yếu tố để tác động đến tuổi thọ công trình như mật độ tham gia giao thông nhiều hay ít, phương tiện vận tải quá tải hay không tải, thời tiết khu vực đó tốt hay không… nên không thể dự báo là công trình này sẽ được bao nhiêu năm.

“Chúng ta ghi nhận việc khẳng định những hệ thống giải pháp đó và quyết tâm về mặt chính trị trước nhân dân, trước Đảng của Bộ trưởng Bộ GTVT và các Bộ trưởng là thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, từ năm 2012 sẽ có chuyển biến tích cực, trong đó giảm tai nạn giao thông từ 5-10%. Chúng ta cũng tán thành lấy năm 2012 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý giao thông nói chung và phòng, chống các biểu hiện gây ra tai nạn giao thông”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận. 

Không hài lòng với câu trả lời, đại biểu An tiếp tục theo đuổi: “Ở các nước, bất kì dự án lớn, nhỏ đều có kèm theo tiêu chí kĩ thuật và tuổi thọ công trình, không có chuyện công trình lớn như: đường Trung Lương, cầu Giẽ - Ninh Bình vừa làm xong đã có vấn đề. Cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết luôn vì sao có hiện tượng bán thầu?”

Về nội dung bán thầu, Bộ trưởng Thăng lí giải là do chính những quy định của Luật Đấu thầu. Vì một số dự án, nhà tài trợ không cho các doanh nghiệp ngành GTVT tham gia đấu thầu mà các doanh nghiệp xây lắp của ngành lại là những đơn vị mạnh nhất trong thi công giao thông. Nên có tình trạng các công ty tư nhân, công ty cổ phần năng lực yếu hơn lại trúng thầu với giá thấp và sau đó là bỏ bê công trình cho nên có chuyện bán thầu. Thực tế này Bộ GTVT đã có báo cáo và đề xuất là phải sửa đổi lại Luật Đấu thầu.

Trở lại vấn đề tuổi thọ công trình, Bộ trưởng Thăng phải nhượng bộ: “Làm công trình ai cũng muốn bền vững, lâu dài nhưng để khẳng định công trình đó "thọ" bao nhiêu năm thì thực tế trong quy hoạch hiện nay chưa có”.

Ông Tống Ngọc Toàn (65 tuổi, ngõ 1, Khâm Thiên, Hà Nội): Chưa thấy giải pháp cụ thể, ngắn hạn

Tôi đặc biệt quan tâm đến câu hỏi mà các đại biểu dành cho ông Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Nói chung, câu trả lời của vị Bộ trưởng này toàn ở tầm vĩ mô, chung chung, trong khi điều người dân chúng tôi cần ở đây là những giải pháp cụ thể, ngắn hạn. Theo tôi, con số mà ông Thăng hứa sẽ giảm từ 5-10% hay 20% số vụ tai nạn giao thông vào năm 2012, tất cả chỉ mang tính định lượng, chứ khó kiểm chứng lắm. Cơ quan nào đứng ra kiểm chứng nó càng khó hơn.

Ở đây, tôi chỉ đánh giá cao phong cách làm việc dám nghĩ dám làm và dám “trảm nhiều tướng” nhất trong số các vị Bộ trưởng của ông Thăng mà tôi có theo dõi. Thế nhưng, ông ấy lại không dám hứa lúc nào hết tắc đường. Theo tôi, đấy cũng là câu nói thật bởi sẽ không thể có kết quả cụ thể nếu như không có giải pháp.

Hơn 30 năm công tác trong ngành đường sắt, tôi thấy việc giảm ùn tắc giao thông là cực kỳ khó khăn nếu như không có nhiều giải pháp tổng thể. Tôi càng thấu hiểu với bức xúc của đại biểu rằng, tình trạng vừa đầu tư xây dựng mới, vừa phải khai thác hạ tầng giao thông nên gây ra khó khăn trong việc tham gia giao thông của người dân. Đây cũng là những lý do tại sao có nhiều dự án của ngành đường sắt thực hiện một cách ngắt quãng, không trọn vẹn.

Và tôi cũng thấy lạ, tại sao là một vị đứng đầu ngành giao thông nhưng ông Thăng lại chưa một lần đi trên tuyến đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương mà lại chỉ biết thông tin qua báo chí. Có lẽ những lần đi công tác xa, ông ý toàn đi máy bay nên không rõ được vấn đề. Theo tôi, từ nay trở đi, muốn đánh giá chất lượng chính xác các công trình, ngoài việc nghe báo cáo của cấp dưới, vị Bộ trưởng nên chịu khó đi bằng đường bộ nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thu Phương (giáo viên Trường Đại học Hà Nội): Đợi mãi chả thấy giải pháp đột phá

Tôi đã xin cơ quan đi làm muộn 1 giờ để nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời vì cũng thấy tò mò. Thế nhưng đợi mãi chả thấy đâu là cách giải quyết cụ thể mang tính đột phá để nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, xóa các điểm đen hiện nay. Thường xuyên phải đưa đón con đi học nên tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những câu trả lời về việc đổi giờ làm, giờ học của ngành giao thông. Tôi cũng không rõ tại sao ông Thăng cho rằng, giải pháp đổi giờ làm là không chắp vá và cần phải hành động ngay, không chờ đồng bộ được.

Lúc nói câu này, ông Thăng có tính đến hiện nay trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu chiếc xe ô tô đi vào giờ tan tầm không? Tại sao trường tiểu học nằm trong lòng thành phố nhưng lại toàn ô tô (thậm chí hai làn ô tô) vẫn có thể đi được. Rồi cũng thật khó khi định giảm phương tiện cá nhân mà cho làm thêm các nhà máy sản xuất xe máy, cho nhập các loại ô tô, linh kiện ô tô cá nhân; giảm áp lực cho nội thành mà vẫn thêm nhiều trường đại học ra đời, nhiều tòa nhà sức chứa hàng nghìn người vẫn xây thêm ở trung tâm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm