| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy cuộc chạy đua KCN

Thứ Tư 20/07/2011 , 10:04 (GMT+7)

Thống kê của ngành Công thương 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có khoảng 74 KCN được phê duyệt với diện tích hơn 23.900 ha. Điều đáng lo ngại là hiện có nhiều KCN đang trống huơ trống hoác, đất đai hoang phí, trong khi người dân thiếu đất SX nghiêm trọng.

Thống kê của ngành Công thương 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có khoảng 74 KCN được phê duyệt với diện tích hơn 23.900 ha. Chỉ có 43 KCN đã đầu tư kết cấu hạ tầng và cho thuê với diện tích khoảng 9.507 ha, chiếm 39,7% so với tổng diện tích quy hoạch. Điều đáng lo ngại là hiện có nhiều KCN đang trống huơ trống hoác, đất đai hoang phí, trong khi người dân thiếu đất SX nghiêm trọng.

Trồng lúa giữa khu công nghiệp

Ông Lê Văn Sáu, ấp An Bình, xã An Lạc Thôn bên mảnh đất màu mỡ đã bị quy hoạch làm cụm công nghiệp

Đã 4 năm trôi qua, cụm công nghiệp Cái Côn, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có diện tích quy hoạch khoảng 240 ha trên vùng đất 3 vụ lúa vẫn còn trống trơn. Nông dân tiếc đất bỏ trống đã tận dụng trồng lúa, dưa hấu, dưa leo, đậu, cà...

Trồng tận dụng, thu cả trăm triệu

Ông Bùi Văn Suôl, một trong khoảng 150 hộ dân dính vào cụm công nghiệp Cái Côn cho biết: "Gia đình tui có 5.000 m2 đất ruộng ở khu vực này, tui đã nhận tiền bồi hoàn và cũng đã tiêu xài hết. Đất giao cho Nhà nước đã lâu, nhưng nay chưa thấy ai đến xây dựng cơ sở hạ tầng nên tôi tận dụng đất trồng lúa kiếm cũng được 35 – 40 giạ/vụ/công".

Ông Suôl, than thở: Hồi trước mang nợ nhưng có miếng ruộng làm lúa, 6 miệng ăn không sợ đói. Giờ thì hết nợ nhưng cuộc sống bấp bênh hơn khi ruộng đã không còn quyền sử dụng. Ông Lê Văn Sáu, 75 tuổi, ấp An Bình kể lể thêm: "Đến đời tôi nữa là 4 đời sống nhờ vào 2,6 ha ruộng này. Đất chúng tôi đã cắn răng giao cho dự án, nhưng 2 năm nay họ chẳng triển khai gì nên chúng tôi tranh thủ tận dụng trồng lúa. Bình quân, mỗi vụ tôi thu được hơn 15 tấn lúa".

Nhìn cả vùng ruộng đất màu mỡ, lúa tốt bời bời, hoa màu xanh mơn mởn, không ai có thể nghĩ nơi đây đã được quy hoạch thành cụm công nghiệp. Một cán bộ địa phương tính toán, nông dân ấp An Bình, xã An Lạc Thôn mỗi năm mất đến hơn 200.000 giạ lúa từ diện tích đất đã giao cho dự án mà không canh tác.

Bà Nguyễn Thị Đào có 20 công đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch, đến nay vẫn chưa chịu nhận tiền bồi hoàn từ phía chủ dự án. Bà Đào cho biết: "Tiền bồi thường không đủ để mua lại phần ruộng ở chỗ khác. Hơn nữa, vụ đông xuân vừa rồi mỗi công ruộng nhà tôi cho thu hoạch gần 1 tấn lúa, với giá bán 5.900 đồng/kg, thu về gần 100 triệu. Đất tốt quá không nỡ bỏ, vì đây là nguồn thu chính của gia đình 7 người. Tôi biết trước hay sau cũng phải giao đất cho Nhà nước, nhưng bây giờ kéo dài được vụ nào hay vụ ấy để tận dụng đất trồng lúa".

 Kế ruộng bà Đào, ông Lê Văn Từ có 30 công ruộng nằm trong cụm quy hoạch cũng chưa nhận tiền, chưa bàn giao đất vì đang "tranh thủ"  kiếm thêm mỗi vụ 20 tấn lúa.

Tan nát bờ xôi ruộng mật 

 Chạy dọc các tỉnh ĐBSCL, nhìn các khu, cụm công nghiệp được hình thành trên đất 2-3 vụ lúa với hàng ngàn hecta bị bỏ hoang hóa mà xót lòng.

Cách cụm công nghiệp Cái Côn khoảng 10 km là cụm công nghiệp Hậu Giang (nằm trên địa phận huyện Châu Thành). Sau mấy năm giao đất cho cụm công nghiệp, nhận tiền bồi hoàn, đến nay nhiều gia đình trong khu vực đã tái nghèo vì  hết đất sản xuất và không có việc làm. Điều đáng nói, cũng giống như cụm công nghiệp Cái Côn, phần lớn diện tích cụm công nghiệp Hậu Giang đang bị bỏ trống. Vậy nên, người dân bản địa tranh thủ tìm những chỗ nhà đầu tư chưa bơm cát, cày xới lại để trồng hoa màu kiếm thu nhập. 

Cụm công nghiệp Hậu Giang được quy hoạch gần 3.200 ha. Trong mấy năm qua, hàng loạt các nhà đầu tư nhảy vào “xí phần”,  lập dự án, khởi công hoành tráng rồi để đó. Đơn cử như dự án của Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tháng 4/2007, Vinasin khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy tại ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang. Dự án có diện tích quy hoạch lên đến 600 ha, vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng, nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động.

Theo dự kiến của nhà đầu tư thì ngay trong năm 2008 sẽ đóng tàu có trọng tải 20.000 tấn. Tuy nhiên, sau 4 năm khởi công, khu vực nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy vẫn là bãi đất trống, chỉ có mấy chiếc cần cẩu dựng đứng phơi mưa phơi nắng như trêu chọc, thách thức dư luận. 887 hộ nông dân đang bị đảo lộn cuộc sống sau khi dự án đặt vào vùng đất nuôi sống gia đình họ hàng bao đời nay.

Trước tình cảnh trên, cuối năm 2010, UBND tỉnh Hậu Giang đã phải ký quyết định giao 152 ha đất nằm trong dự án nhà máy đóng tàu Hậu Giang của Vinasin tại khu công nghiệp Sông Hậu cho TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để thực hiện dự án xây dựng cảng biển và khu hậu cần. Tuy nhiên, đến nay đã chuyển cho nhà đầu tư khác nhưng dự án này vẫn chưa được triển khai.

Một đại dự án khác gây bức xúc dư luận là dự án NM Giấy Lee&Man, được khởi công tháng 8/2007 tại khu công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, Châu Thành (Hậu Giang). Dự án này do Tập đoàn Lee&Man (Hong Kong) đầu tư trên diện tích 82 ha, tổng nguồn vốn dự kiến là 1,2 tỉ USD, được quảng bá là nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam. Dự án được kỳ vọng giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động ở địa phương và sẽ hoàn thành sau 14 tháng thi công.

Tuy nhiên, đến nay hơn 4 năm, nhà đầu tư chỉ xây dựng được hàng rào xung quanh và một nhà xưởng bỏ không với một vài công nhân, bảo vệ ở đại công trường này. Quá sốt ruột vì đất đai hoang phí, UBND tỉnh Hậu Giang đã phải ra “tối hậu thư” yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nếu không sẽ bị thu hồi dự án.

Một điểm chung dễ nhận thấy, trong khi đất đai màu mỡ để hoang hóa khắp nơi, thì hàng ngàn hộ nông dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án không có đất sản xuất, sống quắt quay vì thiếu việc làm.

Còn ở Vĩnh Long, đã 11 năm trôi qua nhưng khu đất trống rộng hơn 73 ha nằm sát sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long cũng đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Trên khu đất được xác định ở vị trí “đất vàng” này, năm 2000 UBND tỉnh Vĩnh Long đã giải tỏa trắng hơn 400 gia đình nông dân và triệt hạ vườn cây ăn trái xanh tốt để lấy đất làm KCN Mỹ Thuận, xây dựng NM Bia Sài Gòn - Vĩnh Long và Trung tâm dịch vụ công nghệ cao. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, trị giá 1.000 tỉ đồng. Nhưng cho đến nay toàn bộ khu đất rộng hơn 73 ha màu mỡ này đang bị bỏ hoang, cỏ mọc ngút ngàn.

Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Dự án Trung tâm dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia 100 triệu lít thì mãi đến quý ba năm 2009, chủ đầu tư mới làm lễ khởi công xây dựng. Những tưởng những dòng bia  tươi mát sẽ chẳng mấy chốc mà tuôn trào trên vùng đất vàng này, tuy nhiên, người dân lại một phen chưng hửng bởi sau lễ khởi công, chủ đầu tư lại tiếp tục để để đất bỏ hoang.

Ở dưới chân cầu Cần Thơ, từ năm 2004 một “khu đất vàng” khác của tỉnh Vĩnh Long rộng 132 ha, thuộc xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh được quy hoạch xây dựng KCN với tổng vốn đầu tư 650 tỉ đồng. Cũng chung số phận như hàng loạt khu, cụm công nghiệp khác ở ĐBSCL, mặc dù theo UBND tỉnh Vĩnh Long thì KCN Bình Minh đã lấp đầy 40% diện tích, tuy nhiên thực tế thì phần lớn diện tích này cũng đang bị bỏ hoang.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm