| Hotline: 0983.970.780

Bà kỹ sư đất gò

Thứ Hai 14/10/2013 , 09:44 (GMT+7)

Chúng tôi đặt chân đến ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An gặp bà Nguyễn Thị Nga (cô Ba Nga), người phụ nữ có tới 22 mẫu ruộng.

Nông dân ĐBSCL làm lúa ngày nay không còn đơn thuần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà đã đưa KHKT về đồng, quán xuyến việc đồng ruộng bằng tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo và lôi cuốn bà con cùng làm theo mình. Mỗi người một vẻ, một thế mạnh riêng đã góp phần xây dựng, vun đắp cho vựa lúa ấy danh nổi như cồn.

Bà kỹ sư đất gò

Băng qua một con đường dài chạy ngoằn ngoèo giữa màu xanh ngút ngàn của những rừng tràm ngập nước và vô số những cũi chuột, rắn cùng khoai mỡ, củ mì… được bày bên lề đường cho khách ghé mua, chúng tôi đặt chân đến ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An gặp bà Nguyễn Thị Nga (cô Ba Nga), người phụ nữ có tới 22 mẫu ruộng, nơi mà một hộ trung bình chỉ có khoảng 5 mẫu.

Quyết tâm bám đất

Bằng vẻ chất phác, mộc mạc, cô Ba đã cuốn hút chúng tôi vào câu chuyện của mình. Sinh ra ở một xã đông dân cũng thuộc huyện Vĩnh Hưng, ngay sau khi lập gia đình, cả hai vợ chồng cô dắt díu nhau vào đây.

Cô kể, vùng đất giáp biên giới Campuchia này ngày trước hoang hóa lắm. Từ những năm 1980, nhà nước khuyến khích dân từ nơi khác đến định cư và khai khẩn đất hoang. Không có hệ thống kênh mương, đất đai chủ yếu là đồng gò, “mần mãi cũng chỉ thấy lỗ” nên bao nhiêu người đến thì gần như bấy nhiêu người nản chí ra đi hết. Riêng vợ chồng cô thầm nghĩ, mình không thuộc cảnh “hai nhà, hai quê” nên quyết tâm bám trụ ở đây, mặc cho một vài người nói ra nói vô rằng sao dại thế, người ta muốn sống nơi đông đúc không được sao bỗng dưng chui vào vùng đất hoang ở làm chi?

Nhớ những năm đầu nơi đây cỏ dại mọc như rừng, ăn hết phần của lúa nhưng nông dân cũng chỉ biết nhổ cỏ bằng tay vì không biết có thuốc diệt cỏ. Cỏ nhiều đến nỗi sau khi nhổ thì được chất như núi giữa ruộng rồi để cho mục dần chứ cũng chẳng đốt hay làm cách nào khác.

Theo đuổi thuốc tốt

Vẫn còn nhớ rõ như in vào khoảng năm 1998, trong một lần ra đại lý mua phân bón tình cờ gặp một anh cán bộ nông nghiệp khen có loại thuốc tên Sofit (sản phẩm của Cty CiBa-Geigy, tiền thân của Cty Syngenta VN) diệt cỏ tốt lắm nên cô đã hỏi xin số điện thoại của đại lý bán thuốc rồi mua về xịt thử.


Làm lúa với tư duy quyết tâm bám đất và áp dụng KHKT tiến bộ, đó chính là cô Ba

Ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng, không chỉ những đám cỏ vừa nhú mầm lún phún trên mặt đất bị chết rụi mà cả những nơi hàng năm cỏ mọc vô số mà nay cũng biến mất tiêu nên khoảnh ruộng nào sau khi phun thuốc rồi thì khỏi phải lo cỏ quay trở lại.

Hỏi về công dụng của loại thuốc này qua một thời gian dài sử dụng, cô Ba không ngần ngại đáp gọn lỏn: “Rất ngon” và thêm vào: “Ngày trước ruộng toàn cỏ, mần dữ lắm chỉ được 3 - 4 tấn/mẫu. Nay biết Sofit chỉ cần xịt thuốc trước khi sạ 1 ngày hoặc trễ lắm là sau khi sạ ba ngày là khỏi lo đến hết vụ”.

“Đến năm 2001, thì tui mới biết thuốc Sofit nay đã là thương hiệu của Syngenta, thế là từ đó tôi mê luôn thương hiệu này”, đến nỗi mà có loại thuốc nào mới của Cty này là cô Ba cũng hào hứng mang về áp dụng trên cánh đồng rộng mênh mông của gia đình.

Ấn tượng nhất là Chess với chức năng diệt rầy “chết dần dần, chết từ từ”. Cô hồ hởi kể, ngày mới dùng loại thuốc này, lần nọ sau khi phun một hôm, ông xã mang vẻ mặt rầu rầu từ ruộng về hỏi sao không thấy rầy chết liền. Cô bảo cứ từ từ chờ đợi, vài hôm nữa rầy sẽ chết. Mà chết thật, chết sạch sành sanh không thấy con nào quay trở lại, chứ không như các loại thuốc khác khi xịt rầy gục la liệt mà mấy hôm sau lại sống lại như có phép màu.

Hỏi thêm một vài câu về công dụng và cách sử dụng của các loại thuốc, cô Ba trả lời vanh vách như đã thuộc bài từ lâu lắm rồi. Nào là Amistar Top được coi như thần dược 4 trong 1, nào là Filia ngừa bệnh đạo ôn… kiến thức dường như đã được thuộc nằm lòng ở người phụ nữ này không khác gì một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.

Và luôn tin vào khoa học

Cô Ba tâm sự: “Nay có KHKT nên bà con không còn sợ đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá hay lem lép hạt nữa. Nỗi lo duy nhất là nạn chuột phá lúa vì ở đây địa hình đất gò mấp mô khiến chuột sinh sôi nảy nở nhiều vô kể”.

Nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, chịu ảnh hưởng của lũ nên hàng năm Vĩnh Hưng chỉ có 2 vụ lúa một năm. Theo con nước, tháng Giêng bắt đầu gặt lúa của vụ ĐX thì đến tháng Tư mới bắt đầu gieo sạ. Đồng ruộng bỏ trống để cày phơi đất trong khoảng cách giữa 2 tháng này và cũng là để không cho lũ chuột có chỗ trú ẩn.

Có những lần bà con thuê thợ bắt chuột chuyên nghiệp đến giăng lưới một đêm bắt được tới 200 kg chuột/mẫu ruộng. Chuột có nguồn thức ăn phong phú là lúa và côn trùng trên đồng nên con nào con nấy đều ú tròn, lông mượt vàng, thịt thơm ngon và đã trở thành đặc sản của vùng này.

“Thật lòng mà nói, từ ngày biết tới Syngenta, không có năm nào tôi bị thất thoát. Trung bình 1 mẫu thu được 20 triệu đồng trong vụ ĐX và 10 triệu vụ HT. Cứ nắm vững KHKT là hoàn toàn yên tâm về năng suất, chất lượng vụ mùa”, cô Ba tự tin chia sẻ.

Thật chẳng ngạc nhiên khi ở xóm này người ta gọi cô là “bà kỹ sư” và cứ mỗi khi thấy bóng bà đi ra ruộng là thế nào cũng có người lân tới hỏi thăm. “Biết gì chỉ đó, thấy bà con đi hội thảo về vẫn chưa nắm bắt rõ kỹ thuật nên tôi chỉ lại cho họ biết. Cái gì tôi chưa biết thì tôi hỏi lại kỹ sư của Cty liền", cô Ba chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất