Hiện nay, gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xã Cao Minh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đang sở hữu vườn nho khoảng 1.000m2, với 400 gốc nho hạ đen không hạt. Mô hình trồng nho của anh Trung không chỉ giải quyết việc làm thời vụ cho bà con địa phương mà còn cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ.
Năm 2022, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thấy một số nơi trồng nho hạ đen với quy mô lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Trung đã quyết định đưa giống nho này về trồng tại quê hương mình.
Nho vốn là cây trồng khó tính, đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao nên trong quá trình trồng anh Trung phải mất nhiều công chăm sóc. Trong đó, việc phòng trừ sâu bệnh phải theo định kỳ, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất VietGAP.
Nho hạ đen phù hợp với thời tiết nắng, khi mưa ẩm nhiều rất dễ gây thối cuống, quả, các nấm bệnh phát triển. Để tránh ngập úng tại khu vực trồng, nhà vườn phải đào các rãnh thoát nước tốt, lên luống cao, thiết kế bạt phủ gốc để cây có điều kiện phát triển tốt.
“Trong thời kỳ đậu quả phải cắt bớt lá để tập trung chất dinh dưỡng nuôi cây, những chùm quá sai quả cần tỉa bớt để quả nho to, tròn và đẹp mắt. Tưới nước không được quá nhiều bởi dễ làm quả nho bị vỡ, nát chùm, không ngọt mà cây có thể dễ bị nhiễm các loại nấm bệnh gây hại”, anh Trung chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí nhân công, anh Trung đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc nho, tạo thuận lợi trong quá trình chăm sóc và đưa chất dinh dưỡng vào cây trồng.
Đối với phân bón, gia đình anh sử dụng phân chuồng ủ hoai mục đã được xử lý mầm bệnh bằng men vi sinh kết hợp cùng các loại phân bón hữu cơ và vôi bột để bón. Khi bón phân cho cây, phân được bón quanh gốc, thời gian đầu bón cách gốc cây 20cm, các lần tiếp theo bón xa dần.
Với sự kiên trì, cách làm bài bản, đúng kỹ thuật, sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc, cây nho hạ đen không hạt đã “bén duyên” với đồng đất Cao Minh và bắt đầu cho quả ngọt.
Giờ đây, 400 gốc nho hạ đen không hạt của gia đình anh Trung đang đơm trái vụ thứ 3 và thu hoạch trong 4/2024, năng suất khoảng 1 tấn/vụ, giá bán 130 - 150 nghìn đồng/kg. Càng về các năm sau nho càng cho lợi nhuận cao vì ưu điểm của giống nho hạ đen là năng suất tăng dần qua từng năm tuổi. Đặc biệt, cây trồng này có chu kỳ khai thác lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 4 và tháng 11 hằng năm.
Để phát triển du lịch trên chính vườn nho của mình, anh Nguyễn Văn Trung đã chủ động lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mời khách hàng đến thăm quan, trải nghiệm hái nho và mua nho ngay tại vườn.
Với cách làm sáng tạo trên, ngay vụ đầu tiên, vườn nho của anh Trung đã thu hút rất đông du khách, đặc biệt là các bạn nhỏ. Khách hàng sau khi được tự tay hái những chùm nho căng mọng và thưởng thức ngay tại vườn đều đánh giá nho ngon, ngọt.
Ông Nguyễn Văn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Mô hình nông nghiệp hữu cơ của anh Nguyễn Văn Trung phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch của TP Vĩnh Yên. Trong năm 2024, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp như mô hình của gia đình anh Trung.
“Giữa nhịp sống bộn bề, hối hả hằng ngày có thể hòa mình, thư giãn, trải nghiệm quy trình làm vườn, hái những chùm nho chín ngọt, an toàn và thưởng thức ngay tại vườn giúp chúng ta quên đi lo toan, mệt mỏi. Hi vọng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, tạo không gian, sức sống mới cho khu vực nông thôn, đồng thời phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân”, chị Nguyễn Thị Nhàn, du khách trải nghiệm hái nho tại vườn chia sẻ.
Thấy được sự thành công của mô hình trồng nho hạ đen, nhiều người dân địa phương đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để đầu tư, khởi nghiệp với cây trồng này.
Thời gian tới, anh Trung dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho, kết hợp phát triển thêm một số cây độc, lạ có giá trị kinh tế cao để thu hút nhiều khách tham quan hơn, giúp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở địa phương.