| Hotline: 0983.970.780

Bão trùm toàn Nam bộ

Thứ Tư 06/11/2013 , 08:56 (GMT+7)

Việc cơn bão số 13 và dự báo còn liên tiếp các cơn bão tiếp theo có cùng quỹ đạo di chuyển vào vùng Nam bộ đang đặt ra nhiều lo ngại.

+ Bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu

+ Còn liên tiếp 2 cơn bão nữa, nâng số lượng bão lên kỷ lục

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, sau khi vượt qua khu vực phía bắc đảo Pa-La-Oan (Philippin) vào sáng qua (5/11), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đi vào phía đông nam biển Đông nước ta và mạnh lên thành bão, cơn bão số 13.

Chuyển hướng vào Nam

Đến cuối chiều qua, tâm bão ở vào khoảng 10,8 độ vĩ bắc, 116,1 độ kinh đông, áp sát khu vực phía đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo tới trưa nay (6/11), bão di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ vĩ bắc; 111 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 430km về phía đông đông nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10, cấp 11 và xu hướng càng vào bờ, cường độ bão càng mạnh thêm. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa tây, rồi chệch hướng tây tây nam khi vào bờ.

Tại cuộc họp BCĐ PCLB Trung ương hôm qua, ông Bùi Minh Tăng – GĐ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp. Ông Tăng nhận định, sớm nhất từ khoảng 15 – 16h chiều nay (hoặc muộn nhất tới 19 – 20h đêm nay), tâm bão sẽ cập bờ, xác suất trên 80% bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu.


Vị trí và hướng di chuyển của bão số 13

Sau khi và đất liền, bão sẽ tiếp tục di chuyển sâu xuyên qua các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, có khả năng ảnh hưởng gây gió giật mạnh tới tận vùng biển Tây (ven biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), thậm chí có thể tái sinh thành bão sau đó.

Như vậy, toàn bộ các tỉnh ven biển từ Phú Yên tới Cà Mau và khu vực nam Tây Nguyên (gồm nam Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông) lẫn miền Đông và miền Tây Nam bộ đều nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão, với tốc độ gió bão khi càn qua các vùng này vẫn khá mạnh tới cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Ngoài ra, toàn bộ các vùng nam Tây Nguyên, ven biển Nam Trung bộ, Đông và Tây Nam bộ có khả năng xẩy ra các trận giông lốc hết sức nguy hiểm.

Bên cạnh đó, do thời gian bão đổ bộ vào đất liền trùng với đợt triều cường cao nhất ở vùng ven biển Nam bộ nên các tỉnh ven biển, đặc biệt là TP.HCM cần đề phòng mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nặng trên diện rộng, đặc biệt là vùng cửa sông, trung tâm thành phố.

Về tình hình mưa kèm theo bão, tổng lượng mưa được dự báo là không lớn, phổ biến từ 100 – 200 mm, nơi cục bộ cao nhất khoảng 300 mm, tuy nhiên mưa sẽ dồn dập liên tục trong khoảng 24 giờ (bắt đầu từ trưa tới chiều nay), trong đó mưa lớn nhất tập trung ở Nam Trung bộ, nam Tây Nguyên và cả Nam bộ.

Lo

Việc cơn bão số 13 và dự báo còn liên tiếp các cơn bão tiếp theo có cùng quỹ đạo di chuyển vào vùng Nam bộ đang đặt ra nhiều lo ngại.

Tại cuộc họp trực tuyến cùng các tỉnh Nam bộ triển khai chống bão do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo lắng: Mặc dù đây là cơn bão không mạnh nhưng lại đổ bộ trải dài trên nhiều địa bàn ở các tỉnh vùng Nam Trung bộ tới Đông Nam bộ. Đây vốn là những vùng nhà cửa rất đơn sơ, người dân lẫn chính quyền lại rất “lạ lẫm” với bão lụt nên tư tưởng chủ quan, lơ là và thiếu kinh nghiệm chống bão là hết sức nguy hiểm.

Bên cạnh đó, do bão vào sẽ trùng với thời điểm triều cường ở các tỉnh vùng Nam Trung bộ nên khả năng sẽ gây nước biển dâng cao, nguy cơ ngập sâu cho các vùng ven biển. Trong điều kiện nhiều khu dân cư ở vùng này sống rất sát mép biển nên sẽ càng phức tạp.

Trong khi đó cho tới cuối chiều qua, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết tại vùng giữa tới nam biển Đông, lượng tàu thuyền đánh bắt trên biển còn dày đặc với số lượng hơn 1.000 tàu cá trên biển do hiện đang là mùa đánh bắt trọng điểm của ngư dân Nam bộ, trong đó, có một tàu mang số hiệu KH- 96778 của Khánh Hòa đang bị chết máy trên đường tránh bão giữa vùng biển Việt Nam và Indonesia đang được lực lượng chức năng trên biển hỗ trợ di chuyển.

Báo cáo của các tỉnh ven biển từ Quảng Nam tới Cà Mau cho biết hiện toàn bộ số tàu cá trên biển đang được hướng dẫn di chuyển khẩn trương ra khỏi vùng nguy hiểm, tuy nhiên việc di chuyển vào bờ của nhiều địa phương hết sức khó khăn do tình trạng “bão đuổi sau lưng” nên không kịp. Trước tình hình này, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các nước như Indonesia, Malaysia, Philippin và Trung Quốc đề nghị cho phép ngư dân vào tránh trú bão khẩn cấp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương xác định vùng biển nguy hiểm kéo dài từ 8 – 15 độ vĩ bắc. Theo đó, các tàu cá phía bắc quần đảo Trường Sa yêu cầu lập tức di chuyển lên phía Bắc, các tàu ở phía nam quần đảo Trường Sa yêu cầu di chuyển sâu xuống phía Nam, các tàu gần bờ có khả năng di chuyển vào bờ nhanh nhất để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý các địa phương hướng dẫn ngư dân tuyệt đối cất ngư cụ theo quy định khi tàu cá của Việt Nam vào tránh bão ở các nước.

Tại các vùng ven biển, báo cáo các tỉnh từ Khánh Hòa tới Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mặc dù vụ nuôi thủy sản trên đất liền hầu như đã hết, tuy nhiên các vùng ven biển hiện tập trung khoảng hơn 40 nghìn đầm, lồng bè nuôi hải sản như cá song, tôm hùm với trữ lượng trên 10 nghìn tấn đang đặt trong tình trạng nguy hiểm khi bão vào, đặc biệt kinh nghiệm chống bão của người dân ở đây còn thiếu...

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu: Khẩn trương rà soát, theo dõi tới từng tàu thuyền đang di chuyển tránh bão trên biển đảm bảo thoát toàn bộ tàu ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc đưa lên các đảo, đất liền nước khác tránh bão. 

Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nhân dân chẳng chống nhà cửa, phát quang cây cối, di dời dân tại các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, đồng thời rà soát lại công tác “4 tại chỗ” trong quá trình chống bão.

Về diễn biến mưa, Phó Thủ tướng lưu ý trong điều kiện biến đổi khí hậu, mọi tình huống xấu nhất đều có thể xẩy ra, đề nghị các địa phương Nam bộ sẵn sàng phương án xấu nhất.

 Đối với hàng trăm hồ chứa có nguy cơ thẩm lậu nguy hiểm ở Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phân công xuống trực tiếp giám sát vận hành trong trường hợp có mưa lớn xẩy ra. Các thành phố lớn, cần giám sát và rà soát về nguy cơ ngập úng, sự cố khác tại các bến đò, công trình hầm – ngầm..., nghiên cứu cấm đường trong trường hợp mưa và gió lớn.

Hôm nay (6/11), BCĐ PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN sẽ có đoàn công tác khẩn cấp vào các tỉnh vùng tâm bão Nam bộ chỉ đạo công tác chống bão.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hiện nay trên khu vực biển Thái Bình Dương, một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 và đang di chuyển nhanh và ổn định.

Dự báo tới chiều và đêm ngày 8/11, bão Haiyan sẽ vượt qua miền Trung Philippin, đi vào vùng biển phía đông biển Đông và trở thành cơn bão số 14. Như vậy ngay sau khi bão số 13 tan trên đất liền Nam bộ, bão số 14 sẽ lại hình thành trên biển Đông. Dự báo, đây sẽ là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh (từ Philippin vào tới đất liền nước ta chỉ khoảng hơn 1 ngày) nên hết sức nguy hiểm.

Ngay tiếp sau đó, khoảng ngày 13 – 14/11, sẽ lại tiếp tục có một cơn bão khác hình thành trên vùng biển phía nam biển Đông. Đây là điều hiếm gặp khi số lượng cơn bão và ATNĐ trên biển Đông của năm 2013 đã lập kỷ lục trong vòng gần 50 năm trở lại đây.

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm