| Hotline: 0983.970.780

Bất lực trước hoạt động giết mổ chó tàn bạo mọc lên như nấm

Thứ Tư 21/09/2016 , 07:54 (GMT+7)

Cả khu vực nhốt chó và giết mổ chỉ rộng chừng 40m2, ẩm thấp, xập xệ, chật chội và vô cùng nhếch nhác. Mùi hôi thối khẳm đặc khiến tất cả các thành viên choáng váng lúc ban đầu. Tại đây, mọi công đoạn giết mổ vô cùng mất vệ sinh. Chó sau khi vặt lông được ném thẳng...

Trong một văn bản hướng dẫn kiểm soát giết mổ chó, Cục Thú y nhận định: Tất cả các công đoạn của ngành giết mổ, kinh doanh thịt chó đều rất tàn bạo. Và, người ăn có thể gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn...

 

Bẩn thỉu, nhếch nhác

Năm 2014, Liên minh Bảo vệ chó châu Á công bố: Tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị giết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Nếu tính trọng lượng trung bình một con chó móc hàm (đã qua giết mổ) khoảng 8kg, thì mỗi năm, có khoảng 40.000.000kg sản phẩm từ chó đã được chế biến thành các món ăn khoái khẩu.

Thế giới sửng sốt, nhưng với người Việt, đó là chuyện bình thường. Thịt chó được bày bán khắp nơi. Nó hiện diện thường nhật trong cả mâm cơm (gia đình) và mâm cỗ (hội hè, hiếu, hỉ). Thế nhưng, cho đến thời điểm này, không có bất cứ cơ quan nhà nước nào kiểm soát việc giết mổ chó. Và, 100% lò mổ chó “lậu” vẫn ngang nhiên hoạt động; nhà hàng vẫn thỏa sức kinh doanh bất chấp việc cơ sở đó có đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hay không.

Vừa qua, PV NNVN theo chân lực lượng Thú y Hà Nội kiểm tra hoạt động của các lò mổ chó ở khu vực tổ dân phố Trung Kiên, phường Dương Nội (quận Hà Đông). Cơ sở mở cửa sớm nhất là Sử Vinh. Vì giết chó với số lượng lớn, thế nên 4 “đồ tể” phải hoạt động hết công suất mới phục vụ kịp đơn đặt hàng của khách.

Cả khu vực nhốt chó và giết mổ chỉ rộng chừng 40m2, ẩm thấp, xập xệ, chật chội và vô cùng nhếch nhác. Mùi hôi thối khẳm đặc khiến tất cả các thành viên choáng váng lúc ban đầu. Tại đây, mọi công đoạn giết mổ vô cùng mất vệ sinh. Chó sau khi vặt lông được ném thẳng xuống nền xi măng nhầy nhụa máu và nước thải.

04-58-30_nh-1
Ảnh: Minh Phúc

 

Lại Văn Thạch, một đồ tể quê ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nói “toạc móng heo” với chúng tôi rằng, việc giết mổ chó ở đây không theo quy trình gì cả, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Cách đó chừng hơn 100 bước chân, lò mổ Chiến Lan cũng đang rất tất bật. Khu mổ chó chỉ khá khẩm hơn lò mổ Sử Vinh cái nền lát gạch hoa. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ lò mổ cho biết: 23 năm hành nghề mổ chó, chưa bao giờ thấy cán bộ thú y đến kiểm dịch thịt chó sau khi đã giết. Và, cũng chưa bao giờ cơ sở của bà bị xử phạt vì mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dọc con đường ở tổ dân phố Trung Kiên chỉ dài chừng vài trăm mét, thế nhưng có tới hàng chục lò mổ chó. Các lò mổ hoạt động chủ yếu lúc rạng sáng, thế nên sự ô nhiễm tiếng ồn luôn ám ảnh cuộc sống của những người dân trong khu phố. Nước thải từ các lò mổ cũng không được xử lý trước khi thải ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm.

Mỗi ngày, các cơ sở này “kết liễu” hàng trăm con chó. Nguồn cung chó hơi chủ yếu do các ông “trùm chó” ở Thanh Hóa cung cấp. Cơ sở ông Chiến nhập hàng với số lượng khoảng 70 - 90 con/lần, số chó này được nuôi nhốt để giết mổ dần trong vài ngày. Thế nhưng, chủ lò mổ này thú thực: “Chó ở Thanh Hóa chở ra bơm cơm căng quá, con nào nôn được mới ăn”.

 

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch, Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, hoạt động giết mổ chó ở Việt Nam là không được phép. Nhưng đến nay chưa có bất cứ quy định nào về kiểm soát giết mổ chó. Chính vì vậy, ngành Thú y không thể đưa ra quy trình giết mổ chó. Việc thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ chó là chưa có.

04-58-30_nh-3
Mổ chó tại cơ cở Chiến Lan

 

Ở một số quốc gia trên thế giới, người ta ban hành những đạo luật cấm ngay buôn bán, kinh doanh chó, thịt chó và giết mổ chó lấy thịt. Nhưng ở ta thì không. Bởi vậy, cơ quan chức năng đang loay hoay không biết phải xử lý thế nào đối với các cơ sở giết mổ chó không được cấp phép hoạt động.

“Và tất nhiên, trong quá trình giết mổ chó không được kiểm soát, không được kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm ra thị trường không thể đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng chia sẻ, hiện nay, việc xác định chó dịch, chó bị ốm sau khi các lò mổ đưa ra thị trường là rất khó. Bởi đối với chó, bắt buộc người ta phải thui lên nên không thể đánh giá bằng cảm quan bên ngoài.

Cách đây hơn 7 năm, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó với mục đích làm thực phẩm. Cục Thú y đã có công văn số 173/TY-KD ngày 12/02/2009 trả lời Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ không có nước nào trên thế giới ban hành quy định về kiểm soát giết mổ chó. Một số nước trên thế giới có điều luật cấm giết mổ và kinh doanh các sản phẩm từ chó.

Các tổ chức quốc tế cũng không đồng tình với việc Bộ NN-PTNT ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó. Với những lý do nêu trên, Cục Thú y đã đề nghị Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền của thành phố xem xét và ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó để đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm...

04-58-30_nh-4
Hầu hết các khu chợ ở Việt Nam đều bán thịt chó. Nhưng, chúng không được bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm dịch, kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

 

Ngay cả trong quá trình xây dựng Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y liên quan đến việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật và sản phẩm động vật, Cục Thú y cũng không đề cập đến nội dung này.

Cục Thú y cho biết, theo thông lệ quốc tế về đối xử nhân đạo với động vật, Việt Nam không thừa nhận cho phép giết mổ chó với mục đích làm thực phẩm, nếu không chúng ta sẽ bị các nước trên thế giới lên án, ảnh hưởng đến quan hệ thương mại như du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa…

Ngày 1/6/2016 Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y (hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2016), theo đó: Tại mục 1, Phụ lục I quy định về Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ thì chó không nằm trong danh mục do Việt Nam không thừa nhận việc giết mổ chó với mục đích làm thực phẩm. Tại khoản 2, điều 36 cũng không quy định việc kiểm tra vệ sinh thú y, cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ chó và kinh doanh thịt chó.

Biện pháp được Cục Thú y đưa ra chỉ là đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tiêu dùng dần dần từ bỏ món thịt chó, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật thông minh, gần gũi với con người mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn... Nhưng đó chắc chắn không phải là giải pháp mạnh tay, có hiệu quả nhanh.

Vì sao Việt Nam không ban hành các đạo luật cấm giết mổ, kinh doanh thịt chó (kèm theo những nghị định xử phạt) khi đã khẳng định thịt chó không phải là thực phẩm? Cách quản lý “vô thưởng, vô phạt” với hoạt động giết mổ là một trong những cơn cớ khiến các vụ ngộ độc thịt chó xảy ra ngày một nhiều tại Việt Nam.

Mới đây nhất, báo chí đã phản ánh về vụ việc 8 người ở buôn Đung B, xã Ea Khal, huyện Ea H'leo (Đăk Lăk) đã bị ngộ độc sau khi ăn thịt chó (được mua tại một địa chỉ trên thị trấn Ea Đrăng).

 

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.