| Hotline: 0983.970.780

Bệnh đậu dê

Thứ Năm 05/01/2012 , 10:22 (GMT+7)

Đậu dê là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh do Capripoxvirus gây ra. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các mụn đỏ, mụn nước, mụn mủ và đóng vẩy. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh nặng trên dê con, dê già hay dê đang tiết sữa. Ở những đàn mẫn cảm, tỷ lệ chết có thể lên đến 80%.

Virus đậu dê truyền lây trực tiếp qua đường hô hấp, hoặc do tiếp xúc qua những chỗ da bị tổn thương, trầy xước. Virus cũng có thể truyền lây qua côn trùng, đặc biệt là ruồi. Sự phát tán virus và mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào chủng virus. Thời gian bài thải virus có thể kéo dài từ 1-2 tháng. Virus đậu dê có thể tồn tại đến 6 tháng trên nền chuồng và ít nhất 3 tháng trong vẩy mụn khô và da (vùng da của nốt đậu chứa rất nhiều virus). Chưa có báo cáo về hiện tượng mang trùng ở dê mắc bệnh

TRIỆU CHỨNG

Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 5-14 ngày, biểu hiện của bệnh tùy vào chủng virus.

Thể cấp tính

- Sốt trên 40ºC, thở nhanh, mí mắt sưng, phù và tiết dịch nhầy ở mũi.

- Dê bỏ ăn, đứng với dáng điệu lưng cong.

- Khoảng 2 ngày sau các nốt đỏ xuất hiện ở các vùng ít lông như bẹn,

bìu dái, mặt dưới đuôi, vú và âm hộ.

-Xuất hiện các nốt đậu ở miệng, niêm mạc tiêu hóa và hô hấp gây viêm mũi, kết mạc và tuyến lệ.

Bệnh tích bắt đầu từ các nốt đỏ ở da và tiến triển nhanh thành một đốm tròn, nhô lên với các bờ viền sung huyết, thường xảy ra sau 5 - 6 ngày. Điển hình là vùng da quanh nốt đậu có sự sung huyết và phù thủng ở các mức độ khác nhau. Sau đó sẽ hình thành mụn mủ có kích thước khoảng 1 cm, dù có hoặc không hình thành mụn nước trước đó, nhiễm trùng kế phát có thể làm dê bị sốt trở lại.

Mổ khám: Có các nốt đậu ở niêm mạc của xoang mũi, xoang miệng, lưỡi, yết hầu, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ cỏ, dạ múi khế, ruột già, âm đạo, vùng vỏ thận, gan và dịch hoàn. Bệnh tích ở phổi thường gặp là các nốt đậu nhỏ màu xám nhạt lan tràn và là một trong những nguyên nhân chính làm dê bị chết vì suy hô hấp.

Dê khỏi bệnh các nốt đậu teo nhỏ lại, hoại tử và hình thành nên các vẩy cứng sẫm màu. Sau 2 - 4 tuần trước khi bong ra để lại vết sẹo có hình sao. Các hạch lâm ba ngoại biên, đặc biệt là hạch trước vai sưng to và một số hạch vùng hầu bị sưng có thể chèn ép khí quản làm dê khó thở.

Thể bệnh nhẹ

Thường các nốt đậu chỉ xuất hiện có giới hạn ở vài chổ trên da, nhất là vùng da đuôi; bệnh sẽ khỏi sau 3 – 4 tuần, tỷ lệ chết từ 5 – 10 %.

PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH:

Để phòng bệnh có hiệu quả, cần phải tiêm phòng vacxin kết hợp thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh đậu dê, biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất là tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn dê. Vacxin sống có hiệu quả miễn dịch tốt hơn vacxin chết. Hiện nay Cty Thuốc thú y TƯ (NAVETCO) đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin nhược độc phòng bệnh đậu dê. Vacxin an toàn, hiệu quả phòng bệnh cao và được sử dụng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên.

Điều trị

Bệnh đậu dê không thể điều trị, chỉ dùng kháng sinh để chống phụ nhiễm vi trùng. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, khu vực chăn nuôi để giảm truyền lây bệnh.

Thuốc điều trị phụ nhiễm:

- Navet-Combiocin: Liều tiêm: 1 lọ/65 kg trọng lượng, ngày 1 lần, liên tục từ 3-5 ngày.

- Navet- Enro 100: Liều tiêm: 1ml/20 kg trọng lượng, ngày 1 lần, liên tục từ 3-5 ngày.

- Navet- Amoxy: Liều tiêm: 1ml/10kg trọng lượng, 2 ngày 1 lần, liên tục từ 3-5 ngày.

-Navet-oxytetra 100: Liều tiêm: 1ml/10kg trọng lượng, ngày 1 lần, liên tục từ 3-5 ngày.

Thuốc sát trùng:

-Navetkon-s và Benkocid chuồng trại: Sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Đặc biệt Navetkon S có thể phun trực tiếp trên cơ thể dê.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất