Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các quan chức thảo luận về tình hình không kích tại Libya năm 2011, trong chiếc lều an ninh, dựng tại khách sạn ở Brazi |
Khi nhân viên phục vụ dựng lều, nhiều người nghĩ đó là vật dụng cho các quan chức Mỹ cắm trại ngoại trời thưởng thức không khí trong lành ở phương trời xa nước Mỹ…, nhưng sự thật không phải vậy. NYT cho hay.
Lều được thiết kế là các vách mờ, không có cửa sổ, thiết bị gây nhiễu bên trong nhằm tránh bị nghe lén. Đây là không gian mà chỉ có tổng thống Mỹ, các nhà hoạch định chính sách, các nghị sĩ, giới quân sự Mỹ có thể nói những chuyện tuyệt mật mà không ai hay biết...
Mark Pfeifle, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bush (con), cho biết: để đảm bảo không một ai có thể làm gián đoạn hoạt động bên trong căn phòng này cần có sự lên kế hoạch chi tiết. “Khi một tổng thống công cán trong hay ngoài nước, một việc mà cả nhóm cần làm trước chuyến đi đó là thiết lập và đảm bảo có một nơi chắc chắn để dựng lều” - Mark Pfeifle nói.
Theo BBC, bên trong chiếc lều còn được gọi là Phương tiện Ngăn Thông tin Nhạy cảm (SCIF), chính là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới để liên lạc. Không chỉ dùng cho các cuộc trao đổi kín, lều an ninh di động còn là nơi để lãnh đạo thế giới tổ chức các cuộc họp bí mật, tại văn phòng và các sứ quán. Michael Creasey, giám đốc phát triển tại CSG cũng cung cấp mặt hàng SCIF cho hay, những chiếc lều an ninh này được làm từ loại tường chống bom, và có các biện pháp an ninh siết chặt tương tự.
Tờ New York Times từng đăng tải một bức ảnh hiếm hoi mà Nhà Trắng công bố, cho thấy ông Obama gọi điện bên trong chiếc lều khi công du tại Brazil, để theo dõi chiến dịch không kích Libya năm 2011. Trong chiếc lều màu xanh, dựng ngay trên tấm thảm đầy hoa văn của khách sạn, cựu Tổng thống Obama có thể tiến hành ngay một cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và nhiều quan chức khác.
Phòng khách sạn, chẳng hạn như phòng của Tổng thống Obama tại Brazil, là nơi thông dụng để dựng lều, nhưng còn tùy thuộc vào bản chất của chuyến đi và Tổng thống ở nơi nào.
Ông Barack Obama bước ra khỏi chiếc trực thăng Marine One. Nhà lãnh đạo sử dụng điện thoại BlackBerry được mã hóa để chống nghe lén |
Phil Lago, một trong những người sáng lập ra Tập đoàn Command Consulting, công ty chuyên cung cấp SCIF cho các cơ quan chính phủ, cho hay: lều an ninh giống như những chiếc kén có hệ thống cung cấp không khí riêng, thậm chí, ngăn mọi sự phát tín hiệu vào bên trong cũng như ra bên ngoài (từ các máy tính xách tay, đài radio, điện thoại).
Thứ duy nhất có thể được phát ra là tín hiệu liên lạc đã mã hóa và chuyển qua vệ tinh. Ông Lago nhớ lại chuyến công du với Tổng thống George W. Bush tới Kennebunkport. Tại đây, một chiếc lều (kén an ninh di động) đã được dựng lên để ông Bush có cuộc hội đàm mật với Thủ tướng Anh Tony Blair về tình hình Afghanistan và Iraq. Lago nói thêm, vị trí đặt các lều di động này cũng luôn tối mật. Nhưng một tài liệu công bố mới đây cho thấy, một SCIF (loại di động hay cố định) không chỉ ngăn được âm thanh, mà còn có một hệ thống “Phát hiện đột nhập” nhằm ngăn chặn bất kỳ sự thâm nhập nào. Các chuyến công du của Tổng thống đều không thể thiếu lều an ninh, bởi vì chúng rất nhỏ gọn, lại hiệu quả cho công việc.
James Woolsey, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói rằng: “Bất kể ở đâu, chúng ta cũng có thể trở thành mục tiêu, bất kể đi tới đâu, tới các nước như Trung Quốc, Nga hay các nước Ả rập, họ đều có thiết bị và cố tìm cách do thám chúng ta, do đó tôi phải tính đến chuyện lều an ninh và phải đề phòng”.
Kể cả khi ông Obama công du tới một quốc gia đồng minh của Mỹ, các trợ lý của ông cũng nhanh chóng dựng chiếc lều an ninh này. Vòng bảo vệ bên ngoài cũng có các nhân viên mật vụ giám sát chặt chẽ, đề phòng mọi tình huống tín hiệu rò rỉ bất thường.
Hiện không rõ quan chức Mỹ bắt đầu sử dụng chiếc lều an ninh đặc biệt này khi đi công du. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, George Tenet, giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giai đoạn 1997 - 2004 là một trong những quan chức Mỹ đầu tiên sử dụng chiếc lều an ninh này một cách thường xuyên.
Các biện pháp an ninh này cũng được áp dụng ngay cả trên đất Mỹ. Khi các thành viên nội các và các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ nhận nhiệm sở, chính phủ Mỹ sẽ trang bị lại cho họ nhà ở và các phòng an ninh mới hoàn toàn để dùng cho các cuộc nói chuyện tối mật và sử dụng máy vi tính. Các phòng này được trang bị hệ thống cách âm, không có cửa sổ.