Đến ngày 26/2, video về lễ hành hương dưới nước của Thủ tướng Modi trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã thu hút 4 triệu lượt xem và 38 nghìn lượt chia sẻ. Trong video, Thủ tướng Modi được trang bị đồ lặn chuyên dụng và được các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Ấn Độ hỗ trợ xuống nước và thực hiện nghi thức cầu nguyện. Ông đã dâng một cây đũa phép lông công tại vị trí của ngôi đền bị nhấn chìm dưới nước.
Theo Hindustan Times, thành cổ Dwarka là một địa điểm tâm linh có ý nghĩa lớn trong thần thoại và lịch sử Ấn Độ giáo. Thành cổ được cho là đã bị chìm xuống biển khơi sau khi thần Krishna qua đời và được coi là có mối liên hệ chặt chẽ với vị thần này. Di sản văn hóa này từ lâu cũng thu hút sự chú ý của các nhà sử học, khảo cổ học và những người sùng đạo.
"Những khoảnh khắc đó sẽ ở lại với tôi đến hết cuộc đời. Tôi đã luôn muốn đến đó và chạm vào phần còn lại của thành cổ Dwarka. Ước mơ hàng chục năm qua của tôi đã thành hiện thực", Thủ tướng Modi phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó.
Thủ tướng Modi đang nỗ lực phát triển du lịch tôn giáo ở Ấn Độ trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử trong năm nay. Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi cho đến nay được cho là sẽ tiếp tục giành chiến thắng. Tháng trước, Thủ tướng Modi đã dự lễ khánh thành ngôi đền thờ thần Ram trị giá 218 triệu USD ở thành phố Ayodhya, hoàn thành một trong những cam kết quan trọng khi vận động tranh cử hồi năm 2019.
Ngôi đền mới được xây dựng trên chính nơi một nhà thờ Hồi giáo từ thế kỷ 16 bị những người theo đạo Hindu san phẳng, cho rằng người Hồi giáo xây dựng nhà thờ trên tàn tích của một ngôi đền Hindu.
Vào năm 2019, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng vùng đất này thuộc về người Hindu một cách hợp pháp, đồng thời chỉ đạo chính phủ quy hoạch một khu đất khác để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo mới. Theo Hindustan Times, chính phủ Ấn Độ cũng quảng bá ngôi đền ở thành phố Ayodhya như một điểm đến du lịch không thể bỏ qua và thu hút khoảng 100 triệu du khách mỗi năm.