Fidel Castro thậm chí còn thay đổi cả những chiếc bóng đèn mà người dân sử dụng, phát động một chiến dịch mang tầm quốc gia để thay thế các bóng đèn sợi đốt cũ bằng bóng đèn huỳnh quang mới, mang ánh sáng trắng dịu mát tới từng ngôi nhà ở Cuba. Tới tận bây giờ, chúng vẫn được sử dụng rộng rãi, theo Los Angeles Times.
Hai năm trôi qua kể từ ngày ông mất, người dân Cuba, nhất là những người lớn tuổi, vẫn nói về cố lãnh đạo với một sự kính trọng và tâm trạng bồi hồi, tiếc nuối. Fidel Castro đi vào lòng người dân Cuba bằng cách hiện hữu trong những góc ký ức nhỏ bé nhất.
Ông đã dành phần lớn thời gian và năng lượng để biến đổi từng khía cạnh trong cuộc sống ở Cuba suốt gần 50 năm dẫn dắt đất nước. Tận tụy, tận tâm và luôn chú trọng tới chi tiết, Fidel Castro được rất nhiều người dân Cuba nhớ tới bởi hàng thập kỷ áp dụng những sáng kiến tưởng như có quy mô nhỏ nhưng lại mang đến tác động to lớn tới quốc gia.
10 năm sau khi Fidel Castro chuyển giao quyền lực lại cho em trai Raul Castro, dấu ấn về quãng thời gian ông cầm quyền vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày ở Cuba, đặc biệt là đối với những người đồng cảm cùng niềm say mê của ông trong nỗ lực gia tăng năng suất sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm năng lượng.
Tháng 11/2005, Fidel Castro nỗ lực thuyết phục người dân cho con em uống thứ thực phẩm dinh dưỡng với tên gọi “chocolatin”, gồm sữa và cacao trộn lẫn. “7 trong 11 g chocolatin là sữa, tin tôi đi”, lãnh đạo Cuba lúc bấy giờ nói. “Hãy kiểm tra nếu bạn thấy nghi ngờ. Mang nó đến phòng thí nghiệm và kiểm tra. Nó còn chứa 4 g cacao, khá nhiều nhưng nó tốt cho sức khỏe. Tôi biết có những bác sĩ trên núi Kashmir, mỗi tối họ đều uống sôcôla”.
Ngày nay, rất khó để tìm thấy một đứa trẻ nào ở Cuba không muốn uống sữa cacao cho bữa sáng. Đây được xem là một trong nhiều di sản của lãnh đạo Fidel Castro khi ông cam kết cung cấp miễn phí cho mọi trẻ em dưới 7 tuổi một lít sữa mỗi ngày.
Năm 1961, hai năm sau khi cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista, chính quyền Cuba mới do ông dẫn dắt đã phát động một chiến dịch tham vọng nhằm xóa bỏ nạn mù chữ. Khoảng 250.000 giáo viên tình nguyện, không ít người trong số này là phụ nữ trẻ tuổi, được phân công tản đi khắp đất nước, nhất là những vùng nông thôn nghèo đói, khó tiếp cận, để dạy chữ. Sau một năm, khoảng 700.000 người đã có thể đọc, viết. Đến nay, theo số liệu thống kê, tỷ lệ biết chữ của người dân Cuba đạt 99,8%, ngang bằng những quốc gia phát triển nhất thế giới.
Năm 1960, Fidel Castro khởi xướng thành lập Ủy ban Bảo vệ Cách mạng (CDR), bao gồm các ủy ban khu dân cư trên khắp Cuba, có nhiệm vụ thực thi những dự án phúc lợi xã hội và hỗ trợ phòng chống thiên tai. CDR cũng đóng vai trò giống như tai mắt của chính phủ, giúp giám sát, báo cáo về những hoạt động “phản cách mạng”. Những ủy ban này phổ biến đến mức gần như hộ gia đình nào ở Cuba, đặc biệt tại thành phố, cũng có người là thành viên CDR.
Năm 1985, rất nhiều người dân Cuba đã bỏ thuốc lá khi ông Fidel Castro phát động chiến dịch chống hút thuốc trong xã hội dù xì gà vẫn là sản phẩm xuất khẩu chính của Cuba.
Một số người dân Cuba còn nhớ tới ông Fidel Castro với hình ảnh nhà lãnh đạo sẵn sàng tham gia giải quyết những vấn đề cá nhân mà người dân gặp phải.
“Một người bạn của tôi đã giải quyết xong vấn đề nhà ở khi bà ấy viết thư cho ông Fidel yêu cầu giúp đỡ và nhanh chóng nhận được thư hồi đáp”, Elisa Marquez, 54 tuổi, quan chức phụ trách về quản lý nhân sự nhà nước Cuba, cho hay. “Với chữ ký của ông ấy trên thư, mọi thứ được sửa chữa”.
Năm 2005, chính phủ Cuba quyết định chấm dứt thời kỳ của bóng đèn sợi đốt như một phần trong cuộc “cách mạng năng lượng” do ông Fidel Castro phát động. Các nhân viên nhà nước tới từng gia đình để thu lại những chiếc bóng đèn 60 W cũ và trao cho người dân những bóng đèn mới hiệu quả, tiết kiệm hơn. CDR theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi.
Tháng 3/2005, ông Fidel Castro khiến người dân Cuba bất ngờ khi đột ngột thông báo chính quyền sẽ cung cấp miễn phí 100.000 nồi áp suất mới mỗi tháng cho đến khi 2,5 triệu chiếc nồi áp suất được phân phối hết. Những chiếc sau đó sẽ được bán với giá chiết khấu cao, cùng với nồi cơm điện Trung Quốc.
Chính sách này “sẽ xóa bỏ các căn bếp rỉ sét, cũ kỹ”, ông Castro tuyên bố trong một bài phát biểu trước Liên đoàn Phụ nữ Cuba. Ngày nay, những chiếc nồi áp suất như vậy vẫn hiện diện trong hầu hết các gia đình Cuba, dù ở thành thị hay nông thôn.