Huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước. Chính quyền nơi đây đang tập trung tìm những hướng đi tích cực nhằm giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao mức sống đồng bào DTTS người Ca Dong, Xê Đăng và Mơ Nông. Trong đó đặc biệt là chương trình 3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo đã mang lại kết quả rất tích cực.
Ba cán bộ giúp một hộ nghèo
Chương trình cán bộ kèm dân thoát nghèo được UBND huyện Nam Trà My khởi động từ năm 2015. Khi đó mỗi cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp nhận giúp đỡ ít nhất là 2 hộ nghèo, còn tối đa thì không giới hạn, miễn sao đem lại hiệu quả thiết thực nhất. Bước sang năm 2016, huyện Nam Trà My tiếp tục vận động toàn xã hội giúp đỡ hộ nghèo. Theo đó, cứ 3 cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động trong 1 đơn vị sẽ nhận giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo. Việc đăng ký giúp đỡ là nhằm tư vấn, hỗ trợ thông tin liên quan đến công tác thoát nghèo.
Trọng tâm là hướng dẫn các hộ nghèo cách vay các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đầu tư phát triển chăn nuôi trồng trọt. Hướng dẫn cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cách tiết kiệm cũng như phương án chọn lựa cây trồng, vật nuôi hiệu quả nhất. Việc giúp đỡ chỉ tập trung tư vấn, hướng dẫn chứ không phải mang tính hỗ trợ, cho biếu. Những đối tượng được chọn giúp đỡ phải là hộ nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo bền vững và có điều kiện để thoát nghèo.
Trong đợt 1 năm 2016, toàn huyện đã có 163 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và đã có 54 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ. Qua đây đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở huyện. Hầu hết các hộ được giúp đỡ đã thay đổi được tư duy, nhận thức trong cách làm ăn. Từng bước hình thành những mô hình kinh tế hộ đem lại hiệu quả cao và đặc biệt là tạo được nguồn thu nhập ổn định để nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Gia đình chị Đinh Thị Lệ Vui, thôn 1 xã Trà Mai thuộc diện hộ nghèo được UBND huyện Nam Trà My phân công cho Ban Dân vận Huyện ủy nhận giúp đỡ. Chị Vui kể, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nguyên nhân là do không biết cách làm ăn hiệu quả mặc dù rất mong ước được nhanh chóng thoát nghèo. Đầu tư làm mô hình gì cũng bị thất bại do không năm rõ thông tin, kỹ thuật.
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy đang hướng dẫn cách ấp trứng gà bằng máy cho chị Vui
Tuy nhiên, từ khi có sự tham gia tư vấn, giúp đỡ của cán bộ Ban Dân vận, chị Vui tìm được hướng làm ăn hiệu quả. Theo đó chị đã tập trung phát triển mạnh cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mới đây chị Vui đã xuất bán một đàn heo thu về hơn 30 triệu đồng. Hiện gia đình đang tiếp tục mua thêm heo giống để chăn nuôi.
Đối với việc nuôi gà thì thông qua sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ giúp đỡ, chị Vui đã biết cách sử dụng máy ấp trứng để tạo gà giống với số lượng lớn, sau khi nở, số gà con sẽ được đưa vào chuồng chăm sóc để đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất. Như vậy việc chăn nuôi sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn và đặc biệt là ít tốn thơi gian tập trung hơn các mô hình khác.
“Trước đây cán bộ cũng quan tâm nhưng không giám sát đến từng nhà nên làm ăn rất khó khăn, không biết cách làm. Giờ Nhà nước quan tâm có cán bộ giám sát mình nên tôi đăng ký thoát nghèo năm 2016. Bản thân tôi mong được thoát nghèo, không ai muốn mình được nghèo mãi. Cán bộ chỉ cho mình cách đi vay vốn nào mà tiền nhiều, lãi ít. Có vốn vay tôi dự định là nuôi thêm bốn chục con heo, mua thêm cái máy để chế biến thức ăn”, chị Vui tâm sự.
Gia đình anh Trần Văn Vối, thôn 1, xã Trà Don được giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng nhận giúp đỡ. Qua kiểm tra thông tin cho thấy hộ gia đình anh Vối có nhiều đất đai, nương rẫy nên phương án thoát nghèo được chọn là tập trung phát triển mạnh cho chăn nuôi bò và trồng cây keo, cây chuối mốc.
Vợ chồng anh Vối đang thu mua đót của dân làng
Hiện tại gia đình anh Vối đã phát triển được hơn 5 ha keo và vay vốn mua 2 con bò về nuôi thả. Những lúc rảnh rỗi vợ chồng anh Vối còn tham gia buôn bán nhỏ để tăng thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi ký đót tươi anh Vối mua 3 nghìn đồng, sau đó đem phơi khô và kiếm lời gần 2 nghìn đồng.
Vụ đót năm nay gia đình anh đã thu mua được hơn nửa tấn, thu về hơn 30 triệu đồng. Anh Vối cũng thu mua chuối và các nông lâm, thổ sản của nhân dân trong làng để bán lại cho các thương lái. Với cách làm ăn hiệu quả này, gia đình anh Vối đã sắm sửa được tiện nghi, vật dụng, chăm lo cho con cái học hành đầy đủ. Và phấn khởi hơn hết là năm 2016 này gia đình anh Trần Văn Vối sẽ thoát hẵn nghèo đói và vươn lên làm giàu chính đáng.
Chủ trương đúng đắn
Ông Nguyễn Công Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Nam Trà My chia sẻ: Thực tế chúng tôi xác định không thể hỗ trợ mang tính kinh phí nhưng mà nếu không có một khoản kinh phí nhất định thì khó để mà giúp hộ nghèo.
Đường bê tông vào tận nhà người dân ở thôn 2, xã Trà Linh
Thí dụ chúng tôi muốn hỗ trợ một số lượng lưới B40 thì trong cơ quan anh em thống nhất trích 6 ngày công trong 1 năm cũng như cơ quan sẽ tiết kiệm chi hoạt động để giúp 2 triệu đồng/hộ. Trên cơ sở đó một hộ được khoảng 5 triệu đồng. Chúng tôi sẽ sử dụng tiền đó mua dụng cụ lao động, lưới B40 cấp cho 3 hộ giúp đỡ để phục vụ sản xuất.
Việc phân công cán bộ trong các cơ quan, đơn vị , trường học và doanh nghiệp ở huyện Nam Trà My tham gia giúp hộ nghèo thực sự là một chủ trương đúng đắn, sát với thực tiễn tình hình địa phương. Đây có thể xem là bước đột phá, sự sáng tạo của chính quyền huyện trong công tác hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững.
Qua đây mục đích lớn nhất là giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo đói trên địa bàn huyện xuống mức thấp nhất, hơn nữa còn nâng cao được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đối với nhân dân. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi thấy phong trào giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững là một chủ trương hết sức nhân văn, nên cũng đã hưởng ứng một cách rất tích cực.
Người cán bộ ở cấp huyện, cấp xã phải tư vấn, chỉ cho dân và vợ, con, chồng mình làm gì để có một kế hoạch logic. Anh chồng có thể chăn dắt bò lên rẫy và trồng chuối rồi kết hợp làm việc khác. Chị vợ ở nhà trồng rau, sắn, nấu cho heo ăn. Khi đến mùa thu hoạch, mỗi buồng chuối cũng trên 50 nghìn. Một con heo từ 2 đến 3 triệu đồng. Bò một năm đẻ 1 con, 5 năm đẻ 5 con. Cộng hết toàn bộ số này cũng sẽ thoát nghèo. “Đây là một giải pháp tốt nhất. Mà đặc biệt từ cán bộ, đảng viên tới công chức Nhà nước phải vào cuộc đồng hành cùng với nhân dân. Chúng tôi không thể đứng ngoài được”, Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định.