| Hotline: 0983.970.780

Cây khóm trên vùng phèn - mặn

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:56 (GMT+7)

Từ khi cây khóm "bén duyên" trên vùng đất "rốn lũ - rốn phèn" Tân Phước (Tiền Giang) đã trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây đã phát huy được thế mạnh của mình.

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích khóm (dứa) với hơn 15.000 ha, sản lượng khoảng 250 ngàn tấn/năm. Nhờ sự cần cù lao động và áp dụng TBKT, nông dân trồng khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo vùng đất "rốn lũ - rốn phèn".

Đứng giữa một dãy khóm bạt ngàn, anh Nguyễn Văn Chức xã Tân Hòa Tây, một nông dân gắn bó với cây khóm nhiều năm liền cho biết: Trước đây khi vào lập nghiệp, vùng Đồng Tháp Mười này bỏ hoang mà nay trở thành cánh đồng khóm bạt ngàn. Vài năm gần đây giá khóm luôn tăng cao. Đặc biệt từ năm ngoái đến nay ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg nên nông dân có lãi khá cao.

Còn bà Nguyễn Thị Tám, một nông dân ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước có 2 ha đất, trước đây, gia đình bà trồng tràm nhưng giá cả bấp bênh. Từ ngày chuyển sang trồng khóm nguồn lãi tăng gấp 4 - 5 lần. Theo bà Tám, trồng cây khóm tuy vất vả nhưng hiệu quả đáng phấn khởi. Từ ngày trồng khóm kinh tế gia đình đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Trước đây, khi huyện Tân Phước mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh... nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đều trồng khóm. Đây được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất phèn mặn này.


Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích khóm (dứa)

Ông Huỳnh Tước, Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thạnh Tân cho biết: Toàn xã có gần 2.000 ha khóm, gần đây do bà con nông dân áp dụng biện pháp "xịt khí đá" cho cây ra trái vụ nghịch nên có lãi khá. Mỗi ha khóm sau khi trừ các chi phí, nông dân được lãi hơn 20 triệu đồng/vụ. Nhờ trồng khóm mà nhiều hộ dân vươn lên khá giả. Xã chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển diện tích đất trồng tràm hay lúa kém hiệu quả sang trồng khóm.

Tuy nhiên, SX khóm trên vùng đất Tân Phước luôn gặp nhiều khó khăn, do hàng năm lũ về, các cánh đồng khóm bị nhấn chìm trong nước. Để giúp nông dân SX, Nhà nước đầu tư xây dựng ô đê bao chống lũ. Tính đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 134 ô đê bao cho vùng khóm nguyên liệu và thay thế dần máy bơm bằng dầu sang máy bơm bằng điện nhằm giảm bớt chi phí cho bà con khi sử dụng máy bơm thoát nước.

Để đảm bảo các ô đê bao được chắc chắn và lâu dài, hàng năm Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & giảm nhẹ thiên tai của huyện luôn tuyên truyền vận động nhân dân đề cao ý thức, ra sức bảo vệ các con đê, chủ động gia cố những đoạn đê xung yếu không để xảy ra sạt lở; trồng tràm trên các tuyến đê, bê tông hóa một số mặt đê để đảm bảo an toàn cho cây khóm mỗi khi lũ về.

Trước sự thay đổi bất ngờ của triều cường hàng năm, hiện tại mực nước đã dâng cao hơn so với cùng kì năm 2012 là 0,23 m. Vì vậy công tác phòng chống ngập úng cho cây khóm luôn được các cấp đặt biệt quan tâm và triển khai chương trình hành động mạnh mẽ. Bố trí trang bị mỗi ô đê bao 2 trạm bơm điện thay thế cho máy bơm dầu kém hiệu quả và cùng với nhân dân chuẩn bị phương tiện tại chỗ theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để bảo vệ các ô đê bao khi lũ đột ngột dâng cao hay xảy ra hiện tượng sạt lở đê.

Bên cạnh đó, với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, nhiều bà con có đất nằm ngoài ô đê bao không chịu tuân thủ theo khuyến cáo của các ngành chức năng chuyển đổi cây trồng mà vẫn trung thành với cây khóm và hy vọng lũ năm sau thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, triều cường luôn diễn biến phức tạp, nhiều hộ ngoài ô đê bao phải chịu cảnh mất mùa, nếu may mắn thì thu lại được tiền vốn.

Đứng trước đám khóm hơn 1 ha ngập nước lênh láng, bà Trần Thị Năm - nông dân xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước buồn rượi: “Năm rồi, gia đình tôi tranh thủ trồng sớm để kịp thu hoạch trước khi lũ về, nào ngờ năm nay lũ đến sớm, dâng cao khóm còn non chưa kịp thu hoạch, vụ này xem như trắng tay”.

Để giảm bớt thiệt hại ngoài vùng ô đê bao, ngành nông nghiệp luôn đồng hành và khuyến cáo nông dân tuân theo quy luật của triều cường nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra, đảm bảo vẫn duy trì được cây giống cho vụ sau và giữ vững sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 250 ngàn tấn/năm.

Đối với những hộ nằm trong ô đê bao được bảo vệ an toàn, tranh thủ xử lý khóm nghịch vụ và áp dụng các biện pháp, quy trình kỹ thuật nên năng suất và chất lượng của trái khóm Tân Phước dần tăng lên. Hiện nay, năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha.

Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phước cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở KH-CN và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tăng cường chuyển giao TBKT cho nông dân trồng các giống khóm có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ...”.

Đầu ra đối với cây khóm hiện nay khá lớn, ngoài các thương lái đến từ TP.HCM và các tỉnh khác, tại Tiền Giang còn có Cty CP Rau quả Long Định đã hợp đồng với nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm để chế biến nước khóm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian gần đây nông dân huyện Tân Phước còn nhân rộng mô hình trồng khóm Son, khóm Phụng để phục vụ cho nhu cầu chưng mâm ngũ quả vào dịp Tết. Nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập lớn từ các loại khóm cảnh này.

Có thể nói, từ khi cây khóm "bén duyên" trên vùng đất "rốn lũ - rốn phèn" đã trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây đã phát huy được thế mạnh của mình, trở thành loại cây chủ lực của huyện, giúp nông dân vùng Đồng Tháp Mười vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả, góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất được mệnh danh "con hổ ngủ".

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm