| Hotline: 0983.970.780

Chạy theo khoai lang tím

Thứ Ba 19/07/2011 , 10:30 (GMT+7)

Theo làn sóng nhà nhà trồng khoai lang tím giống Nhật Bản, nông dân ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hăm hở vỡ đất trồng khoai mở rộng lên 6.000 ha, lớn nhất vùng ĐBSCL.

* Giá rớt phân nửa nhưng vẫn hơn lúa

Theo làn sóng nhà nhà trồng khoai lang tím giống Nhật Bản bán theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nông dân ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hăm hở vỡ đất trồng khoai mở rộng lên 6.000 ha, lớn nhất vùng ĐBSCL.

Vừa sau vụ khoai đầu năm trúng mùa, trúng giá cao ngất. Lại nghe nói thương lái Trung Quốc sang thuê đất trồng khoai ở Bình Minh (Vĩnh Long) nên dân trồng khoai càng vững tin. Dù người tính thận trọng đến mấy cũng khó ngồi yên nhìn mấy ông hàng xóm vác cuốc ra đồng lên luống trồng khoai...

Hàng năm mùa khoai lang ở Bình Tân bắt đầu từ sau khi thu hoạch lúa đông xuân. Tháng 1 trồng, đến tháng 4 vỡ khoai. Tháng 4 vừa qua nông dân Bình Tân trúng mùa và bán được cao giá nhất từ trước tới nay. Lúc đỉnh điểm 820.000 đồng/tạ (60 kg/tạ). Nhưng tới những ngày này giá khoai tím hạ dần, chỉ còn 440.000 đồng/tạ. Vậy mà chạy dọc theo quốc lộ 54, hai bên đồng từ chợ Bà lên tới các xã Tân Qưới, Tân Lược, huyện Bình Tân, xen kẽ với mấy thửa ruộng lúa thu đông, nơi có đê bao vững vẫn còn hàng vạn luống khoai thẳng tắp, xòe lá xanh rì.

Nhiều năm qua ở ĐBSCL có hai vùng đất trồng khoai lang bền bỉ do trời phú điều kiện thổ nhưỡng thích nghi và duy trì liền mạch thị trường tiêu thụ. Ở Kiên Giang có 1.000 ha khoai lang tập trung nhiều nhất các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giồng Riềng. Lâu nay khoai từ vùng này được bán nhiều về TP HCM và các tỉnh trong vùng. Mấy năm gần đây khoai Kiên Giang bắt đầu mở mũi xuất bán sang Campuchia, Thái Lan và bán cho thương lái xuất qua Trung Quốc.

Trong khi đó Vĩnh Long có vùng khoai lang Bình Minh, Bình Tân. Riêng Bình Tân mau chóng nổi lên thành vùng trồng khoai chuyên canh. Khoai từ đây bán đi khắp vùng ĐBSCL và tiêu thụ mạnh nhất là mấy nhà vựa địa phương thu mua, đóng thùng chuyển theo xe tải bán theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ông Bảy Tố, nông dân xã Thành Lợi, huyện Bình Tân kể: “Thương lái Trung Quốc chuộng mua khoai lang tím. Nhưng họ không mua trực tiếp mà thông qua mấy nhà vựa. Cuối tháng 4 vừa rồi, tôi thu 7 công khoai lang tím năng suất đạt 30-40 tạ/công, bán giá 820.000 đồng/tạ, lãi 18-19 triệu đồng/công. Nhưng họ lựa hàng gắt lắm, củ tròn mới mua, củ dài loại ra bán rẻ, vả lại thị trường nội địa không ăn hàng nhiều khoai tím này”.

Đang mùa mưa. Hàng xuất đi Trung Quốc yếu, giá rớt dần. Đi tới mấy ruộng khoai thu hoạch rộ, dây khoai còn dính củ, bùn đất ướt lấm lem. Dân trồng khoai nói, vỡ khoai mà nhằm ngay mưa là cực trần thân, phải dùng quạt cho khoai ráo, lặt dây và lựa ra mới cân bán được. Đã vậy, khi giá xuống, thị trường chậm ăn thì càng có cớ cho thương lái õng ẹo, kêu hoài chưa muốn tới.

+ Theo Phòng NN- PTNT huyện Bình Tân, toàn huyện có 15.288 ha đất tự nhiên, với hơn 93.700 nhân khẩu. Trong đó hơn phân nửa dân số sống trên vùng chuyên canh khoai lang 6.000 ha. Các mô hình luân canh lúa - khoai, khoai - hoa màu đem lại thu nhập bình quân 100-120 triệu đồng/ha và nếu trúng giá đạt tới 170-200 triệu đồng/ha.

+ Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long:

“Bình Tân nổi tiếng trồng khoai ai cũng khen ngon, năng suất cao. Thị trường Trung Quốc vừa qua tiêu thụ dễ tính nhưng chưa biết mai mốt sẽ ra sao nếu họ “thắt lại” yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy để vùng trồng khoai phát triển lâu bền nông dân cần hướng tới làm ăn liên kết, sản xuất theo hợp đồng và theo qui trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây cũng là cách dự phòng có thể chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang nước khác”.

Một nhóm nông dân ở Tân Qưới, huyện Bình Tân ngồi bàn với nhau, mấy hôm trước nghe lái Trung Quốc ra xem hàng, bảo giảm còn 490 ngàn đồng/tạ, nhưng rồi qua mấy tay lái “em” địa phương ém giá còn 440-450 ngàn đồng/tạ. Thế nhưng có người tính, dù cho khoai có rớt mất nửa giá so với hồi tháng 4, với giá 400.000 đồng/tạ, nếu trồng đạt năng suất 40 tạ/công thì chỉ cần 3 công khoai sau một vụ 4 tháng cũng thu 48 triệu đồng, trừ chi phí 10 triệu đồng, lãi ròng chừng 1 cây vàng là ngon rồi.

Nông dân Đỗ Văn Hải, xã Tân Bình, huyện Bình Tân trồng 7 công khoai. Hồi tháng 4, vỡ khoai đợt đầu gần 5 công bán được 700.000 đồng/tạ, tổng thu 162 triệu đồng, trừ chi phí 40 triệu đồng, lãi trên 120 triệu. Phần đất còn lại trồng giống khoai lang trắng, khoai sữa bán thị trường nội địa. Đó là vì ông Hải dè chừng thị trường Trung Quốc dội hàng. Thế nhưng khoai trắng, khoai sữa bán về khắp các chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang) hay ghe chở về tới Cà Mau…được chừng 130.000 đồng/tạ. Nay rớt giá còn 100.000 đồng/tạ, thiệt là mức chênh lệch thấp xa nên ai cũng chạy theo trồng giống khoai tím là phải.

Dù vậy, hiện thời ông Hải chưa hết phân vân: “Hổm nay dân trồng khoai Bình Tân, có người lo ngại khoai xuất bán tiểu ngạch sang Trung Quốc bị ngưng ngang. Phần tôi cũng tin rằng thị trường này bấp bênh và lắm rủi ro. Vì khoai tím một khi dội chợ thì thị trường nội địa cũng không thể nào tiêu thụ hết được. Biết vậy, nhưng tâm lý nông dân là chạy theo giá, thấy lãi nhiều thì liều chơi đại”.

Nguyễn Thanh Tâm, nông dân xã Tân Qưới (Bình Tân) nhìn xa ngoài ruộng khoai trầm ngâm: “Nhớ hồi trước vùng này trồng nhiều giống khoai lang Dương Ngọc, khoai trắng, khoai sữa. Dân Sài Gòn và các tỉnh trong vùng ăn hàng đều đều. Rồi một dạo trồng khoai giống cao sản cũng đạt năng suất, bán ra Hà Nội. Nhưng về sau không còn hút hàng nữa nên thôi. Nay dân trồng khoai tím chạy theo thị trường Trung Quốc nên khoai lang Dương Ngọc bỏ mất giống rồi. Mai mốt thị trường có ăn lại chẳng biết tìm đâu ra giống khoai ngon này”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm