| Hotline: 0983.970.780

Cho cây cao su reo với gió ngàn

Thứ Năm 09/09/2010 , 18:05 (GMT+7)

Không gian tĩnh mịch của núi rừng Thanh Chương ngày nào giờ trở nên náo nhiệt lạ thường bởi khi dự án cao su về sẽ phủ xanh những mảnh rừng nghèo kiệt,...

Sông Giăng, đỉnh núi Cao Vều, khe Đá Hàn…tất cả tên sông tên núi ấy đã đi vào huyền thoại trong mỗi người dân Thanh Chương. Chúng tôi trở lại Thanh Chương trong một ngày nắng hồng rực rỡ, dòng sông Giăng vẫn lả lướt trải mình cho đỉnh Cao Vều nghiêng mình soi bóng, suối Đá Hàn vẫn róc rách chảy.

Không gian tĩnh mịch của núi rừng Thanh Chương ngày nào giờ trở nên náo nhiệt lạ thường bởi khi dự án cao su về sẽ phủ xanh những mảnh rừng nghèo kiệt, những vùng đất sản xuất kém hiệu quả, cây cao su đang bắt đầu bén rễ và sẽ vươn lên làm giàu cho cả một vùng núi non này. 

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra cây giống trước khi trồng

Khác với miền núi Tây Bắc, Thanh Chương xa mà rất gần, chỉ cần ngược ngàn lên miền Tây Xứ Nghệ, qua huyện Nam Đàn, qua đoạn đường đồi núi trập trùng, sau hơn giờ đồng hồ chúng tôi đã đặt chân đến nơi sẽ là “Thủ phủ” đầu tiên của cây cao su. Chủ tịch HĐQT Cty CP ĐTPT cao su Nghệ An, Phạm Trung Thái, người đã hơn 3 năm trời lăn lộn với núi rừng Anh Sơn, Thanh Chương kể với chúng tôi: “Cty CP ĐTPT cao su Nghệ An được thành lập từ tháng 7/2007 theo giấy phép đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An cấp với chức năng, nhiệm vụ; quy hoạch trồng mới 7.000 ha cao su đại điền ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Quế Phong. Tính đến thời điểm này đã hơn 3 năm thành lập, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại như vấn đề đất đai…nhưng khó khăn vất vả bao nhiêu với chúng tôi con người vẫn là yếu tố quyết định.

Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban ngành cấp tỉnh Nghệ An, đến huyện, xã, từng đội sản xuất, từng người dân trong vùng dự án và sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ ngành TW, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Tập đoàn CNCSVN, cộng với tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mỗi một cán bộ nhân viên Cty nên đến hôm nay, chúng tôi đã thực sự đứng lên trên mảnh đất tiềm năng này”. Hiện tại Cty đang khai hoang, đào hố, bón lót để cây cao su sẽ bén rễ và phát triển lên từ đây. Xe chúng tôi vượt qua chặng đường dài gồ ghề, khúc khuỷu, qua Đại bản doanh của Tổng đội Thanh niên xung phong, nơi mà những cán bộ đoàn viên thanh niên mấy năm qua dồn hết sức lực của tuổi trẻ để xây dựng nên một khu kinh tế nơi miền núi góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng núi xa xôi này. Chiếc xe dừng lại trước mấy lán trại, hàng chục công nhân ùa ra đón chúng tôi như đón người thân đi xa về.

Giám đốc Nông trường cao su 12-9 Nguyễn Đình Tuấn vui vẻ dẫn chúng tôi đi thị sát một vòng trên những ngọn đồi thoai thoải đã được phát quang đào hố để ngày 12-9, ngày Cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh và cũng là ngày sẽ đặt nền móng cho những cây cao su đầu tiên trên đất Thanh Chương. Giám đốc Nông trường cao su 12-9 Nguyễn Đình Tuấn phấn khởi nói với chúng tôi; đây là công trình thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII. “Tôi còn nhớ lần đi khảo sát vùng đất Anh Sơn, Thanh Chương vào đầu năm 2010, sau tết Nguyên đán Canh Dần, nhiều người trong đoàn quy hoạch của Tập đoàn CNCSVN đã thốt lên, quả thật chất đất ở vùng đồi núi Anh Sơn, Thanh Chương sẽ là nơi lý tưởng cho cây cao su phát triển mạnh mẽ”- anh Tuấn nói.  

Công nhân chăm sóc vườn ươm giống

Tiếp lời giám đốc Tuấn, Đội trưởng đội sản xuất cây giống Trần Trọng Hạnh khoe với chúng tôi cả một vườn ươm cây giống đầy ắp 36 vạn cây trên tổng diện tích 3 ha, số cây giống này được tiếp nhận từ xứ sở miền Nam, Tây Nguyên như Cty cao su Phú Riềng, Cty cao su Phước Hòa, Cty cao su EaH’Leo…cũng theo đội trưởng Hạnh Công ty ký hợp đồng với các đơn vị thành viên của Tập đoàn để sớm có đủ lượng cây giống đảm bảo trồng mới 1.000 ha diện tích đã được quy hoạch trong vùng dự án. KS phụ trách kỹ thuật Trịnh Thị Hiên cho biết, Công ty đã bố trí 8 bộ giống tiến bộ mới phù hợp chất đất ở đây như bộ giống RRIM 712, RRIV 1, RRIV 3, RRIC 121, RRIM 600, GT1, LH 83/85 & LH 90/95, tất cả đều được đưa về ươm mấy tháng nay chuẩn bị đưa ra trồng sẽ kháng được sâu bệnh, chống chịu được hạn hán, giá rét và hạn chế tối đa cây gãy, đổ do mưa bão. Với những ưu thế trên các bộ giống này còn rút ngắn được khoảng cách, thời gian từ 5-6 năm là cho thu hoạch.

Tâm sự với một số CN mới được tuyển dụng vào làm công nhân cao su, anh Nguyễn Đình Hường, thôn 3 Thanh Đức- Thanh Chương, tự hào khoe với chúng tôi: “Khi Cty cao su chưa có trên đất này, lớp trẻ như tụi em muốn có được đồng tiền mưu sinh và giúp đỡ gia đình là rất vất vả, cuộc sống hầu như lúc nào cũng thiếu thốn, nhưng kể từ khi được nhận vào làm công nhân cao su, mỗi tháng bọn em nhận được gần 3 triệu đồng; trong đó ngoài tiền lương ra công ty còn đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp cho Công nhân. Quả thật hàng tháng được nhận lương mà cứ ngỡ như mình đang mơ…”.

Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của một công nhân Nông trường cao su 12-9 phấn khởi nói: “Khi con tôi được nhận vào làm công nhân cao su, mỗi tháng nó đưa về cho cha mẹ gần 2 triệu đồng, tôi mừng rơi nước mắt; bởi trước đây nó làm ra đồng tiền rất khó chỉ có đi rừng đi rú mà không đủ cho bản thân nó chứ chưa nói gì đến cho cha mẹ, chán nản vì túng bấn nó sinh ra rượu chè suốt ngày, thế nhưng kể từ ngày vào làm công nhân cao su đến nay con tôi ngoan hẳn lên, đi làm có lương đã biết đưa tiền về cho cha mẹ, cuộc sống của gia đình tôi có lẽ rồi đây sẽ khá lên nhờ dự án cao su về đầu tư trên đất huyện nhà, không những riêng gì gia đình tôi mà ở Thanh Đức nhà nào có con được vào CN là nhà đó kinh tế ổn định, khá lên dần” 

Cây cao su được trồng trên đồi Đá Hàn

Được biết, hiện tại đội sản xuất cây giống của Cty có 22 công nhân, nông trường 12-9 cũng đã có 60 công nhân, nhưng tới đây Cty sẽ tuyển dụng thêm 72 công nhân thuộc các xã của 2 huyện Anh Sơn và Thanh Chương. Một cán bộ công đoàn Cty cho biết, tuy mới đặt nền móng cho cây cao su phát triển trên đất Thanh Chương nhưng Cty CP ĐTPT cao su Nghệ An đã tiếp nhận gần 200 lá đơn của con em ở Thanh Chương, Anh Sơn và một số vùng lân cận xin vào làm công nhân Cty. Ngoài sự nghiệp phát triển cây cao su ra Cty còn tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn CNCSVN trích ngân sách trên 400 triệu đồng để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai, ủng hộ quỹ vì người ngèo của tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CNCSVN: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2010 cả nước sẽ có tổng diện tích cao su đạt 1 triệu ha, trong đó Tập đoàn CNCSVN quản lý 700 ngàn ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, Tập đoàn CNCSVN có tổng doanh thu 7.407,3 tỷ đồng; trong đó doanh thu cao su đạt 4.936,7 tỷ đồng, lợi nhuận 2.922,1 tỷ , lợi nhuận cao su đạt 2.248,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 907,7 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết 2010 đưa tổng doanh thu lên trên 16 ngàn tỷ đồng; tổng lợi nhuận lên trên 6 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách 1.500 tỷ; lương công nhân cao su bình quân nói chung đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2010, Cty phấn đấu trồng mới 1.000 ha, vụ xuân năm 2011 là 2.000 ha, phấn đấu đến 2015 đưa tổng diện tích cao su lên trên 10.000 ha ở địa bàn các huyện Quế Phong, Khu vực tổng đội TNXP-XDKT 6 Yên Thành và TNXP-XDKT Quỳnh Lưu…

 

Rời vùng đất Thanh Chương đầy hứa hẹn và sẽ là “Thủ phủ” đầu tiên của cây cao su trên đất xứ Nghệ, nhìn những cánh rừng nơi đây như sắp sửa được thay áo mới, những con suối vơi đi rồi sẽ đầy thêm, dòng sông Giăng vẫn êm đềm đón đợi soi bóng cho những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi vui chung với niềm vui mà mỗi người dân nơi vùng núi xa xôi này đang háo hức chờ đón dự án cao su về thay da đổi thịt; họ hi vọng khi đưa Dự án cao su về dân bản sẽ có đường mới để đi; trường học, trạm y tế sẽ được xây dựng đàng hoàng hơn và cây cao su sẽ là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo cho miền quê núi rừng Thanh Chương này.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm