| Hotline: 0983.970.780

Có một nghị quyết liên kết làm giàu

Thứ Ba 27/01/2015 , 06:32 (GMT+7)

Từ một xã nghèo như đa số các xã ngoại thành khác, đến khi có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền bằng nghị quyết "Liên kết làm giàu cho dân", xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM bắt đầu chuyển mình. 

Đến nay, hộ nghèo cũng đã có nhà xây với thu nhập tương đương 16 triệu đồng/người/năm.

Nghị quyết "lạ" và kết quả không ngờ

Nghe tên cái nghị quyết khá lạ, tôi không khỏi tò mò nên quyết định về Tân Thông Hội tìm hiểu. Nghe tôi hỏi, ông Nguyễn Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cười, giải thích: "Thực ra, đây không phải là nghị quyết của xã, mà chúng tôi thực hiện theo quyết định số 13 về "Khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố" của Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố thôi.

Đây là quyết định tạo thuận lợi cho người dân vay vốn sản xuất như vay 100 triệu không cần xây dựng đề án, chỉ cần làm đơn. Vay từ hơn 100 triệu đến dưới 5 tỷ mới phải làm đề án trình huyện duyệt. Nhờ có quyết định này mà nhiều mô hình liên kết sản xuất được hình thành như HTX Bò sữa Tân Thông Hội, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, HTX Nông nghiệp Trường Sinh cùng nhiều tổ hợp tác trồng rau sạch, hoa lan, hoa mai, nuôi trăn… phát triển khắp xã, thu hút hàng ngàn lao động tại chỗ.

Giá trị sản xuất về thương mại, dịch vụ, nông nghiệp của xã năm 2014 đạt hơn 950 tỷ đồng, kim ngạch XNK gần 458 triệu USD. Một con số lớn chưa từng có".

Theo chân anh Phan Thanh Hải, cán bộ kinh tế xã, chúng tôi đến thăm mô hình trồng lan của ông Nguyễn Văn Được, ở ấp Hậu, giữa lúc ông đang thảnh thơi ngồi đong đưa trên võng, dưới sân căn nhà đúc khang trang la liệt hoa lan Mokara đang được mấy người tỉa, bó để giao cho khách. Ông Được là một trong những người tiên phong trong chương trình liên kết sản xuất bằng cách truyền kinh nghiệm trồng lan cho các hộ trong xã.

16-45-57_nh-4
Cắt, tỉa, bó hoa lan chuẩn bị giao cho khách

Dẫn tôi ra thăm vườn lan trước sân nhà, ông Được nói: "Tui có gần 3 công (3.000m2) trồng lan Mokara từ khi xã có chương trình xây dựng NTM đến giờ. Ban đầu trồng cũng khó khăn, thậm chí thất bại. Nhưng sau được cán bộ xã, huyện, hội hoa lan cây cảnh đến hỗ trợ kỹ thuật, rồi tham gia các lớp tập huấn, giờ có kinh nghiệm, tôi lại hướng dẫn cho người mới trồng".

Ông Được cho biết, một cành lan giá từ 7-25 ngàn đồng tùy màu, tùy thời điểm, bình quân mỗi công ông thu lời khoảng 100 triệu đồng.

Rời nhà ông Được, chúng tôi tiếp tục đến thăm cơ sở nuôi trăn của ông Trần Văn Nguyên, cựu chiến binh ở ấp Tân Thành. Ông Nguyên là người đầu tiên nuôi trăn ở Tân Thông Hội và nay trở thành một "chuyên gia" chuyên đi tư vấn kỹ thuật cho các hộ nuôi trăn trong tổ hợp tác do ông làm chủ nhiệm.

16-45-57_nh-1
Cơ sở nuôi trăn của ông Trần Văn Nguyên, cựu chiến binh ở ấp Tân Thành (Trong ảnh là con trăn vàng, một giống trăn quí)

"Cách xóa hộ nghèo ở xã Tân Thông Hội “không giống ai”, với cách làm đầu tiên là xóa nhà tạm, dột nát bằng chính nguồn lực trong dân. Có nhà xây kiên cố rồi mới tính đến giúp vốn làm ăn, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm…
Nhìn vào căn nhà mới khang trang, người dân mới có động lực và khát khao thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Sau khi hết nghèo, mục tiêu tiếp theo là hỗ trợ họ phấn đấu để mức chênh lệch so với các hộ giàu trong xã ngày càng nhỏ lại", bà Võ Thị Kiều Tiên, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội.

Ông bảo: "Tôi từ thành phố về đây năm 2003. Lúc đó ở đây còn thưa dân cư, cơ sở hạ tầng chưa có gì đáng kể. Do là người đầu tiên nuôi trăn nên khó khăn thiệt thòi vì chẳng biết hỏi ai. Ban đầu nuôi 10 con trăn giống thì chết hết 6, tôi phải đi khắp nơi học hỏi, dần dần mới rút ra được kinh nghiệm. Giờ bà con trong tổ hợp tác nuôi trăn thuận lợi hơn nhiều, phần tôi nhờ có kinh nghiệm, rồi các cấp, các ngành từ xã đến huyện quan tâm, hỗ trợ tối đa, từ vốn đến kỹ thuật nên khấm khá lắm".

Năm 2015 hết hộ nghèo

Tương tự ông Được, ông Nguyễn Văn Dục, chủ cơ sở nuôi cá kiểng ở ấp Chánh cũng là người tích cực trong phong trào liên kết này. Chúng tôi đến nhưng không gặp được ông chủ cơ sở vì ông đang bận "đi dạy". Anh Hùng, người thay mặt ông Dục quản lý cơ sở nói, ông Dục đi hướng dẫn bà con nuôi cá kiểng đến tối mới về.

Cơ sở này hình thành từ 5 năm nay, sau khi xã phát động chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, làm giàu trong cộng đồng. Từ đó, nhiều hộ đã giàu lên từ cá kiểng nhờ nắm rõ kỹ thuật nuôi và đặc biệt sản phẩm được cơ sở bao tiêu trọn gói.

 "Hầu hết các loại cá kiểng như cá đĩa, cá neo ông Đỏ, cá bình tích... đều có sẵn trong tự nhiên ở Củ Chi. Trong đó, cá đĩa có giá trị cao nhất được xuất đi Pháp, Đức… với giá từ 130-150 ngàn đồng/con. Cách nuôi loại cá này cũng rất đơn giản. Sau khi người dân bắt được từ các hồ ao rồi đem về nuôi 30-45 ngày là giao cho cơ sở với giá 80.000 đồng/con. Cơ sở chăm dưỡng, vô thuốc, tạo màu trong 3 tuần là xuất đi.

 Còn các loại cá khác thì được nhân viên kỹ thuật của cơ sở hướng dẫn bà con cách phối giống, nuôi dưỡng từ 1-2 tháng là xuất bán với giá thấp nhất như cá bình tích cũng được hơn 20 ngàn đồng/con. Hiện có hơn 200 vệ tinh là các hộ dân trong xã chuyên cung cấp cá kiểng giống cho cơ sở sơ chế sản phẩm và xuất đi với tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng/tháng", anh Hùng cho biết.

Nhìn vào dãy nhà kiên cố mới xây khang trang của gia đình anh Huỳnh Văn Hùng ở ấp Chánh, không ai nghĩ đây vẫn là trường hợp hộ nghèo của xã Tân Thông Hội.

16-45-57_nh-6
Toàn bộ hệ thống giao thông ở Tân Thông Hội đều như thế này

Bà Tư, mẹ anh Hùng, nói: “Theo tiêu chí mới là 16 triệu đồng/người/năm, gia đình nó với hai vợ chồng, hai đứa con thì chưa đạt. Căn nhà mới xây cho nó là tiền góp từ gia đình, bà con chòm xóm và bán bò từ nguồn vốn của xã cho vay nuôi mấy năm nay”. Chỉ tay về hướng 2 con bò cái đang mang thai tháng thứ tư nằm phía sau hè, bà Tư nói: “Năm nay bò đẻ, cộng với đứa con thứ hai của thằng Hùng có việc làm, nhà nó thoát nghèo”.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Võ Anh Tuấn, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển biến tích cực, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Năm 2009 có 54 doanh nghiệp thì nay con số này là 204, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động tại địa phương, chiếm gần 53% tỷ trọng cơ cấu ngành.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, năm 2010 có 800 hộ kinh doanh cá thể thì nay có 1.660 hộ, chiếm gần 27% cơ cấu ngành. Đến nay, toàn bộ 53 tuyến đường giao thông nông thôn của xã với tổng chiều dài hơn 36 km đã được đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 128 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp 56,6 tỷ đồng (hiến đất làm đường).

 Ngoài ra, hoàn thành 11 công trình thủy lợi và 24 công trình văn hóa xã hội. Năm 2009, xã có 1.776 hộ nghèo với thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm (chiếm 21,9%) thì đến nay chuẩn nghèo thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn 247 hộ (hơn 2,7%). Theo "nghị quyết" của Đảng ủy xã, năm 2015 này phải cơ bản xóa hết hộ nghèo.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm