| Hotline: 0983.970.780

Công trình tiền tỷ xây dựng dở dang nằm chờ nhiều năm, ai cứu đường cứu nạn?

Thứ Sáu 08/09/2017 , 14:20 (GMT+7)

Công trình đắp chiếu, dân thì dài cổ đợi, nhà thầu cũng chẳng sung sướng gì hơn khi không có vốn, máy móc thiết bị nằm phơi sương, nhân công không có việc làm.

Trong khi đó, lãnh đạo vẫn “bình chân như vại”, chưa có giải pháp cụ thể. Câu hỏi đặt ra: Ai là người đứng ra cứu đường cứu nạn?
 

Né tránh, đùn đẩy

Tìm hiểu của NNVN, được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hàng chục cây cầu được đầu tư xây dựng với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thi công các công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành, do thiếu kinh phí.

Người dân trở thành nạn nhân của đường cứu nạn khi công trình dở dang

Trước thông tin trên, trao đổi với PV ngày 30/8, ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Đây là những cây cầu được xây dựng nằm trong dự án “Đường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế” của Chính phủ dành cho tỉnh.

Thế nhưng, đến năm 2011, ngân sách Trung ương khó khăn và bắt đầu cắt giảm chi tiêu đầu tư công, nên các dự án không còn được hỗ trợ về vốn, trong khi, địa phương lại không có khả năng kinh tế để hoàn thiện dự án, nên đành bỏ không.

Khi được hỏi giải pháp nào được đưa ra để tiếp tục thực hiện công trình sau nhiều năm bị gián đoạn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện vẫn chưa có giải pháp nào khả thi, bởi ngân sách địa phương hạn hẹp, hơn một nửa vẫn phải cân đối từ Trung ương.

Nói về việc vì sao triển khai hàng loạt các dự án khi nguồn kinh phí thiếu thốn, gây ra hệ quả bỏ hoang, ông Chính giải thích: “Thực ra lúc bấy giờ tâm lý của chính quyền cũng dễ hiểu. Đây là một tỉnh khó khăn mà nhận được hỗ trợ cũng muốn triển khai, tận dụng nguồn vốn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông.

Thêm nữa, theo chủ trương hỗ trợ vốn của Trung ương thì nếu địa phương làm 5 dự án sẽ hỗ trợ 100 tỷ đồng, còn nếu chỉ làm 1 dự án thì cũng chỉ cho 10-20 tỷ đồng. Có nghĩa là, Trung ương duyệt cho làm và hỗ trợ vốn cho bao nhiêu dự án thì tỉnh sẽ triển khai theo, vì đó là nguồn vốn ngân sách. Nếu là nguồn vốn của tỉnh thì sẽ khác, làm đường nào chúng tôi cũng sẽ làm cho xong, rồi mới tiến hành làm tiếp chứ không để lãng phí như vậy.

Đặc biệt, bản thân nguồn ngân sách của tỉnh cũng không thể dàn tiền ra nhiều dự án để lãng phí. Nhưng Trung ương quyết định thì tỉnh không thể làm khác”.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lỗi này không phải do lãnh đạo tỉnh, cũng không phải do đơn vị thi công, mà do nguồn vốn Trung ương bố trí bị gián đoạn bởi Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công.

Ông Chính thừa nhận, việc công trình đường cứu nạn và phát triển kinh tế hai bờ sông Thạch Hãn không được hoàn thành là sự lãng phí rất lớn nguồn vốn ngân sách. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thì sự đầu tư mang tính rốt ráo, cuốn chiếu là một trong những giải pháp để giảm thiểu sự lãng phí này.

Về việc tiếp tục dự án, ông Chính khẳng định, dự án trước phê duyệt dùng vốn của trái phiếu Chính phủ nhưng vốn trái phiếu 2010-2015 không có, phải dùng nguồn khác là vốn chương trình mục tiêu, vốn ngân sách Trung ương và địa phương để tiếp tục dự án nên tỉnh buộc phải quyết toán dự án cũ, triển khai dự án mới, bởi “hai nguồn vốn chương trình mục tiêu và trung hạn khác nhau nên quy định phải có 2 dự án khác nhau”.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng việc lập dự án mới với cái tên trùng với dự án cũ, làm chồng lên dự án cũ, chính là sự “lách luật”, “loại bỏ” đơn vị thi công cũ, để dọn đường cho một DN khác vào thực hiện dự án?

Vấn đề này, ông Chính cho hay: “Về phía tỉnh, lãnh đạo đã chỉ đạo chủ đầu tư là Sở NN-PTNT quyết toán với nhà thầu theo giá công trình tại thời điểm đó. Còn khi triển khai dự án mới, tỉnh sẽ ưu tiên nhà thầu đang thực hiện dở dang công trình này, bởi họ có đủ nhân lực, tài chính, máy móc và kinh nghiệm thi công”, ông Chính cho biết.
 

Lãng phí trong đầu tư

Theo ông Chính, ở các địa phương khó khăn như Quảng Trị, thì nhu cầu hoàn thiện hệ thống giao thông còn rất lớn, nhưng cần có hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Nhưng không phải tỉnh trình lên xin 5 dự án thì được cả 5, mà phải được xem xét.

“Trong 5 năm tới, Quảng Trị còn phải làm nhiều công trình nữa, đảm bảo đường xá cho dân đi, để trồng rừng... không phải chạy đua dự án, câu chuyện xây dựng đều xuất phát từ nhu cầu con người. Đặc biệt, cũng không phải làm dự án là có tiền, vì không phải dự án nào lập ra cũng được cung cấp vốn đầu tư ngay”, ông Chính nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, những năm 2009 – 2010, khi nguồn ngân sách còn dồi dào, các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị đua nhau lập dự án báo cáo đầu tư, đưa vào nhóm cứu hộ cứu nạn để “chạy vốn” trái phiếu Chính phủ. Ngày đó, cụm từ “cứu hộ cứu nạn” rất dễ kêu gọi vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do thiết kế ban đầu, tổng mức đầu tư 4 dự án “cứu hộ cứu nạn” là quá lớn, lên đến 924 tỷ đồng nhưng khi thi công chỉ có 1 công trình là đường cứu hộ cứu nạn Tây Triệu Phong lọt vào nhóm sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Cỏ cây đã mọc trùm lên những mố cầu chưa được hoàn thiện

“Tuy nhiên, như đã nói, việc Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công ra đời đúng vào thời điểm triển khai thi công dự án đã khiến dự án không được tiếp tục rót thêm vốn và phải dừng lại”, ông Hùng giải thích thêm.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đây là sự lãng phí trong đầu tư. “Coi đây là bài học kinh nghiệm chung trong quá trình lãnh đạo. Trước hết phải tái cơ cấu lại dự án, nếu để nguyên 4 dự án trên 900 tỷ tỉnh không thể có tiền để tiếp tục đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại quy mô về tổng mức đầu tư, chắc chắn phải giảm hơn 50%  tổng mức đầu tư so với ban đầu thì mới hoàn thiện các dự án này để phát huy tác dụng công trình”, ông Hùng nói.

Hàng loạt dự án tiền tỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xây dựng dang dở, bỏ bê giữa chừng nhiều năm nay. Nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, không biết bao giờ mới tiếp tục triển khai. Một sự lãng phí to lớn, không chỉ đo đếm bằng tiền, mà đó là sự sụt giảm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, vì sau bao kiến nghị, tỉnh vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Nhân đây, xin nhắc lại câu nói của một đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Quảng Trị: “Hầu hết nguồn vốn ngân sách Trung ương đều do đơn vị thi công giúp tỉnh ứng tiền trước để thi công và Nhà nước ghi vốn cho tỉnh để thanh toán sau. Tuy nhiên, để công trình dang dở, ách tắc là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Một tỉnh nghèo, muốn phát triển kinh tế, thì phải dựa vào nguồn lực bên ngoài. Nhưng với những cú “lật kèo” như thế, thì chẳng khác gì trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, chưa xong thì lãnh đạo đã… cuốn thảm”.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án, công trình thi công dang dở, gây lãng phí tiền tỷ. Điển hình là 4 công trình cầu An Mô bắc qua sông Thạch Hãn; Dự án đường cứu hộ cứu nạn từ thượng lưu sông Thạch Hãn đến đập Trấm; Đường vành đai cứu hộ, cứu nạn phía Tây Triệu Phong và phía Nam huyện Cam Lộ; Kè chống xói lở chỉnh trị dòng chảy tích nước thôn Thượng Lâm ứng cứu 2 bờ sông Cam Lộ.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm