| Hotline: 0983.970.780

Đậu tương cho lợn ăn không xuể

Thứ Hai 27/02/2012 , 10:45 (GMT+7)

Đến sau tết, gần nửa số đậu bà con xã Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình) thu về đã bị thối đen, phải vứt ra góc vườn vì không có nắng phơi để đập lấy hạt...

Hầu hết đậu tương vụ đông thu hoạch ở các tỉnh ĐBSH, đều bị thối, mốc như thế này. (ảnh chụp tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình)

Còn nhớ đầu vụ đông 2011- 2012, chúng tôi có dịp về vựa SX đậu tương tại xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư, Thái Bình) khi những cánh đồng đậu tương vụ đông bạt ngàn, đang thì ra hoa tốt bời bời, trông vô cùng sướng mắt.

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh lúc ấy hồ hởi khoe rằng, vụ đông này, Vũ Đoài vẫn là xã điển hình, dẫn đầu trong phong trào SX cây vụ đông của huyện Vũ Thư cũng như tỉnh Thái Bình, với diện tích đậu tương toàn xã lên tới 172 ha.

Xã này còn tạo được sự đột phá lớn về tư duy SX bằng quy hoạch đồng ruộng tập trung và phong trào dồn điền đổi thửa để SX đậu tương quy mô lớn, diện tích lên tới 3- 4 mẫu/hộ. Đối với những địa phương có phong trào SX vụ đông èo uột, thì Vũ Đoài quả là một bài học lớn.

Từ 4- 5 năm trở lại đây, SX vụ đông ở Vũ Đoài, mà chủ chốt là cây đậu tương đều thắng lợi cả. Bởi vậy, nhìn vào diễn biến phát triển của cây đậu tương tốt vùn vụt, ai cũng chắc mẩm rằng năm nay, Vũ Đoài sẽ lại thắng lớn. Thế nhưng…!

Chúng tôi về lại huyện Vũ Thư, dọc con đường liên xã từ QL 10 theo hướng đi chùa Keo, đến xã Vũ Đoài thời điểm này, chốc chốc lại gặp cảnh từng đụn cây đậu tương đen thui, mốc meo đổ đống bên lề đường. Tạt vào những hộ dân thuộc khu vực thôn 2, xã Vũ Đoài- nơi có diện tích cây đậu tương lớn nhất xã, tới đâu cũng gặp cảnh những đống đậu tương thối, mốc chất đống la liệt ở góc vườn, xó bếp, bậc thềm…

Vài ngày nay, ông trời thương tình cho chút nắng, nhưng đã quá muộn. Bà Lê Thị Lụa (thôn 2, xã Vũ Đoài) đang hì hụi cào đống hạt đậu tương bị mốc đen sì ra sân hóng nắng, kể: "Vụ đông vừa rồi, loa phát thanh của xã ngày nào cũng ra rả hô hào làm vụ đông, xã lại mời dân họp lên họp xuống, nói nhà nào làm trên 1,5 mẫu đậu tương thì được thưởng 1 triệu đồng, và hỗ trợ tiền giống 20 nghìn đồng/sào. Nghe hăng hái quá, vả lại làm đậu tương cũng có thu nhập nên nhà tôi vãi hơn 1,2 mẫu.

Suốt cả vụ đậu tốt bời bời, đến trước Tết Nguyên đán thì chúng tôi thu hoạch. Thế nhưng đậu tương cắt về lại không có nắng để phơi và đập lấy hạt, mà cứ mưa phùn và lạnh suốt từ đó đến nay buộc phải chất đống ở nhà bếp. Đến sau tết, thì gần nửa số đậu thu về đã bị thối đen, phải vứt ra góc vườn. Nóng ruột quá, nhà lại sẵn củi nên tôi phải huy động nhân lực dựng các thanh gỗ làm dàn sấy số còn lại, sau đó dùng máy tuốt lúa đập lấy hạt, và sấy hạt thêm lần nữa nhưng đậu vẫn bị mốc đen hết cả. Bây giờ chỉ rang lên nấu cho lợn ăn".

Bà Lụa bảo: “Cả làng này, chỉ có nhà tôi sấy được như thế nên vậy là còn may, vì vẫn còn đậu cho lợn ăn. Chứ những nhà khác, ít thì 5- 6 sào, nhiều thì 3- 4 mẫu, đều bị thối hết, chẳng biết đổ đi đâu cho xuể. Lo nhất là nhà tôi làm dịch vụ bán phân bón cho bà con ở xóm này. Tính riêng tiền NPK và urê, người ta mua nợ để bón đậu tương lên tới gần 20 triệu đồng. Giờ đậu hỏng hết, nên chẳng biết bao giờ dân mới trả…”.

Lời bà Lụa nói quả chẳng sai. Ông Nguyễn Văn Thạch (thôn 2, xã Vũ Đoài) lục tục dẫn tôi lên sân thượng của nhà mái bằng, cầm sào xới tung đống đậu tương đã thối đen, bụi mốc bung lên mù mịt. Ông xót xa: Diện tích đậu tương ở xã Vũ Đoài chủ yếu tập trung ở thôn 2. Tuy nhiên, cả thôn có 4 nhóm thì chỉ có một số hộ ở nhóm 2, nhờ gieo giống và thu hoạch sớm, tận dụng được những ngày trời nắng trước tết để phơi, còn lại có tới 90% số hộ sau khi thu hoạch xong gặp mưa phùn kéo dài nên đều bị thối, mốc sạch sành sanh.

Khi được hỏi về giá cả, ông Thạch bảo: “Nhà tôi làm 1,2 mẫu, thu hoạch trước tết khoảng 1 tuần, tôi tính phải được 3 tạ hạt. Cả cái tết trông cả vào hạt đậu, thế mà trời chẳng thương, cứ mưa rét liên miên nên phải phủ bạt từ đó đến nay, chứ đã có hạt đậu nào bán đâu mà biết giá thế nào. Ngay như đầu tư tiền giống, phân đạm tất cả gần 2 triệu đồng, giờ vẫn còn nợ tất ở đại lý phân bón. Ở thôn này, hộ nào cũng như thế này cả, cánh ông Luyến, ông Phiên, ông Liệu… hộ nào cũng gần cả mẫu đậu tương, nhưng đều bị thối và mốc. Nhà đổ xuống ao cho cá ăn, nhà gánh ra bờ ruộng ủ làm phân bón ruộng. Mấy đống đậu thối này, tôi đang đau đầu không biết xử lí vứt đi đâu đây?”, ông Thạch than.

Được biết, vụ đông vừa qua tỉnh Thái Bình gieo trồng được gần 4.000 ha đậu tương. Theo khảo sát của PV tại hầu hết các huyện trong tỉnh có diện tích đậu tương lớn như Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng... và một số địa phương khác ở ĐBSH có diện tích đậu tương lớn… cũng đang lâm vào tình cảnh như ở Vũ Đoài.

Có một điều lạ ở Thái Bình, mà đơn cử như ở xã Vũ Đoài, trong khi hơn 80% nông dân mất một vụ SX đau đớn, thì khi được hỏi về kết quả SX đậu tương vụ đông, ông chủ nhiệm HTX lại khăng khăng nói ngược lại rằng, 80% cây đậu tương của xã là thu hoạch thắng lợi, gặp nắng nên sản phẩm rất có chất lượng và bán được giá cao.

Tuy nhiên, theo PV tìm hiểu hiện tại giá đậu tương khô chỉ có 14-15 nghìn đồng/kg, thấp hơn 5.000- 6.000 đ/kg so với năm 2011.

Cũng theo vị Chủ nhiệm này, về cơ bản SX vụ đông thắng lợi, nên xã Vũ Đoài đang làm báo cáo trình UBND huyện khen thưởng cho mấy chục hộ dân SX tốt. Trong khi đó, khi được hỏi về chính sách hỗ trợ SX, nông dân ở Vũ Đoài ngán ngẩm bảo: “Đầu vụ, xã nói ai làm hơn 1,5 mẫu thì được thưởng 1 triệu đồng. Thế nhưng bây giờ ở trên lại nói, diện tích tính thưởng chỉ tính ở diện tích đất do dân đi thuê, mượn để SX, chứ không tính diện tích đất của gia đình tự có! Mà nói là nói thế, chứ bây giờ đậu hỏng hết rồi, cũng đã thấy tiền thưởng, tiền hỗ trợ gì đâu?”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm