| Hotline: 0983.970.780

Đề tài nhiều, ứng dụng chẳng bao nhiêu

Thứ Ba 21/05/2013 , 10:15 (GMT+7)

Đi qua một thời lừng lẫy với vai trò đầu tàu của mình, nhưng giờ các đề tài, công trình của Viện Chăn nuôi dần xa rời, tụt hậu so thực tế.

Là đơn vị khoa học đầu ngành chuyên về nghiên cứu chăn nuôi, một thời Viện Chăn nuôi lừng lẫy với vai trò đầu tàu của mình. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường phát triển, các đề tài, công trình của Viện Chăn nuôi dần xa rời, tụt hậu so thực tế.

1 giống gà Tàu bôi cả chục giống

Từng tham dự khá nhiều lễ kỷ niệm năm thành lập, lễ tổng kết của Viện Chăn nuôi, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là những cuốn tài liệu dầy cộp phát cho khách mời. Phải khẳng định, nếu xét về các đề tài nghiên cứu, đề tài khoa học hiếm đơn vị nào trong nước so sánh được với Viện Chăn nuôi. Nhưng, quá trình tìm hiểu thực tế có một sự thật đáng buồn không thể phủ nhận là các kỹ thuật, giống vật nuôi do Viện Chăn nuôi nghiên cứu ra gần như vắng bóng trên thị trường, không đảm đương được vai trò nòng cốt của ngành, rời xa thực tế sản xuất đầy biến động hiện nay.


Thị trường gà màu hiện nay thể hiện vai trò rất mờ nhạt của Viện Chăn nuôi.

Trong các hệ thống trung tâm trực thuộc Viện Chăn nuôi, có lẽ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương là đơn vị mạnh nhất về nghiên cứu, song khảo sát các giống gia cầm, đặc biệt là giống gà đơn vị này nghiên cứu, lai tạo ra trong 5 năm qua thấy buồn thê thảm. Chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, các giống gà chủ lực của đơn vị này hiện nay là 4 dòng gà lông màu hướng thịt TP1, TP2, TP3, TP4 và hai dòng gà hướng trứng HA1 và HA2. Ngoài ra, còn có hai đơn vị khác trực thuộc Viện Chăn nuôi cũng nghiên cứu ra 5 giống gà lông màu khác là LV, LV1, LV2 của Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi; LV4, LV5 của Phân viện Chăn nuôi Nam bộ.

Với giống gà hướng thịt TP và LV tất cả đều xuất phát từ giống gà Lương Phượng của Trung Quốc lai tạo với một số giống gà nhập nội khác như Kabir, Sasso… cho ra dòng trống TP4, dòng mái TP1, TP2, TP3 và hai dòng trống LV4, LV5. Nếu các giống gà lông màu trên của Viện Chăn nuôi nghiên cứu ra cách đây 15 năm về trước sẽ là cái “mỏ” để hốt bạc, bởi thời điểm đó quan niệm của người dân cứ gà lông trắng là gà công nghiệp còn gà lông màu là gà ta. Nhưng, nay nhận thức của người chăn nuôi đã thay đổi nên những sản phẩm gà lông màu phẩm cấp thấp, thực chất là gà công nghiệp được lai tạo cấy thêm bộ lông màu vào như các giống gà của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương rất khó để cạnh tranh với các giống gà màu siêu việt của các DN giống tư nhân.

Thực tế, thị trường gà hướng thịt lông màu hiện nay đều nằm trong tay ba DN tư nhân lớn là gà J-Dabaco của Cty Gà giống Dabaco (Bắc Ninh), gà J-Hải Phòng của Cty Giống gia cầm Lượng Huệ (Hải Phòng) và J-Lai chọi của Cty Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định). Sản phẩm duy nhất của Viện Chăn nuôi tạm đủ điều kiện cạnh tranh với các giống gà của các DN trên là giống gà Ri Vàng Rơm của Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi, song xét về năng suất, sản lượng gà giống bán ra mỗi tuần thì giống gà Ri Vàng Rơm còn thua kém các DN trên tới vài chục lần. Chất lượng gà màu được thể hiện rất rõ qua giá sản phẩm, trong khi gà giống các đơn vị như Dabaco, Lượng Huệ, Minh Dư có giá bán 10.000 - 17.000 đồng/con 1 ngày tuổi thì gà lông màu của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương giá chỉ dao động ở khoảng 5.000 đồng/con 1 ngày tuổi nên hơn một tháng qua Trung tâm thua lỗ không nhỏ từ việc gà lông màu mất giá.

Ông Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết, hiện trung tâm có 6 đề tài cấp nhà nước, bình quân mỗi năm đơn vị được cấp khoảng 8 tỷ đồng cho tất cả các đề tài từ gia cầm, thủy cầm, chim bồ câu, các giống gà đặc sản… Đơn cử, như đề tài nghiên cứu 4 dòng gà lông màu hướng thịt TP và 2 dòng gà siêu trứng HA số kinh phí là 2,5 tỷ đồng, kéo dài trong 5 năm.

Còn về dòng gà siêu trứng HA1 và HA2 là giống được lai tạo trên nền là gà siêu trứng Ai Cập và gà Hyline. Theo như chỉ tiêu kỹ thuật công bố của 2 giống gà trên thì tỷ lệ đẻ trứng của gà đạt 235 - 238 quả/năm, tức là khoảng 50 - 55%, trứng gà có màu trắng hồng, lòng đỏ. Nhìn chung, các giống gà hướng siêu trứng của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chất lượng trứng khá tốt, nhưng việc ứng dụng hai giống gà trên vào thực tế lại không cao. Bởi hiện nay người nuôi gà lấy trứng, điều quan tâm đầu tiên là tỷ lệ đẻ trứng của gà/năm và tiêu chuẩn cơ bản của gà siêu trứng hiện nay tỷ lệ đẻ phải đạt 75-80%, tức là đạt 250 - 260 quả/mái/năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Tường - Chủ nhiệm HTX Văn Tường (TX Từ Sơn - Bắc Ninh) chia sẻ, năm 2004 anh nhập giống gà Ai Cập của Viện Chăn nuôi về kinh doanh nhưng do gà đẻ chỉ đạt tỷ lệ 50% nên lợi nhuận rất thấp. Sau anh Tường tự mày mò lai gà Ai Cập với giống gà Lơgo của Mỹ để hy vọng gà có tỷ lệ đẻ trứng cao hơn. Trong quá trình lai tạo, anh Tường có hỏi ý kiến một số chuyên gia đầu ngành về gia cầm của Viện Chăn nuôi thì được cảnh báo rằng việc lai tạo của anh Tường là không đúng về di truyền, chọn tạo giống nên chắc chắn sẽ không đem lại kết quả. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay mỗi tháng anh Tường bán ra thị trường trên 100.000 gà giống siêu trứng với một lợi thế duy nhất là tỷ lệ đẻ cao, đạt 75% (245 – 250 quả/mái/năm). Bản thân Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương sau một thời gian dài “bảo thủ” với giống gà Ai Cập nguyên chủng của mình nay cũng phải lai tạo để cho ra dòng gà HA1 và HA2, song với tỷ lệ đẻ trứng thấp như vậy sẽ rất khó khăn để xâm nhập vào thị trường. Bởi cùng tiêu tốn một lượng thức ăn như nhau mà các giống gà siêu trứng của các đơn vị tư nhân mỗi năm cho thêm hàng chục quả trứng/mái, đương nhiên người chăn nuôi sẽ chọn cái có lợi hơn.

Nghiên cứu mành mành

Với lợn, gần như các giống lợn nái của Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) lép vế hoàn toàn so với lợn của CP, Dabaco hay Tam Đảo... Lý do đơn giản lợn nái của Viện Chăn nuôi đã quá lạc hậu so với thực tế. Trong 5 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương cho ra đời được 3 giống lợn chủ lực là VCN08, VCN21, VCN22. Trong khi tỷ lệ lợn con/nái/năm của các DN tư nhân hiện nay là trên 20 con thì các dòng lợn của Viện Chăn nuôi chỉ đạt từ 15-20 lợn con/nái/năm. Một nước có quy mô đàn lợn lớn như ta nhưng vai trò của đơn vị khoa học đầu ngành là Viện Chăn nuôi vô cùng mờ nhạt.


Các giống lợn nái của Viện Chăn nuôi thua xa so với các giống lợn của CP, Dabaco…

Được biết tiền ngân sách Nhà nước rót cho nghiên cứu khoa học tại Viện Chăn nuôi hàng năm không hề nhỏ. Tuy nhiên, vì có quá nhiều đề tài nên dù ngân sách có lớn đến đâu khi về đến Viện Chăn nuôi, phân bổ mỗi nơi một tý kiểu “không mất lòng ai” cuối cùng tổng kết lại thấy thật sự không có đề tài khoa học nào “ra tấm ra món”, dẫn tới nghiên cứu xa rời thực tế. Còn nói Viện Chăn nuôi kém người tài thì lại càng sai lầm bởi nơi đây luôn tập trung những nhà khoa học đầu ngành, những người mà các DN tư nhân sẵn sàng “đánh ô tô” đến tận nhà mời về làm cho mình nếu chỉ cần hở ý định thôi làm Nhà nước. Vậy, nguyên nhân khiến Viện Chăn nuôi trì trệ trong nhiều năm qua vì đâu?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đình Ngọc - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật (Liên hiệp Gia cầm Hà Nội cũ) chỉ ra thực trạng đáng buồn hiện nay là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học tại Viện Chăn nuôi đều theo kiểu “ban phát”. Tức là một năm, một giai đoạn anh có ngần này tiền, anh làm thế nào tiêu được hết số tiền đó là được. Trong khi đó, tại các nước phát triển, không nói đâu xa như Trung Quốc, các đề tài nghiên cứu khoa học luôn phải gắn liền với thị trường và hàng hóa. Vì vậy, sau này khi sản phẩm anh nghiên cứu ra được thương mại, anh sẽ được hưởng % lợi nhuận ở đó kiểu như tiền sở hữu trí tuệ nên luôn khuyến khích được cán bộ Nhà nước hết lòng đầu tư cho nghiên cứu. Còn tại Việt Nam, cái gì tinh túy nhất sẽ được mấy anh làm nghiên cứu ở Viện cất đi để sau này về hưu mang trao DN ở ngoài kiếm chút kinh tế.

Đây chính là điểm yếu kìm hãm động lực trong hệ thống nghiên cứu Nhà nước của ta hiện nay.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm