| Hotline: 0983.970.780

Đến vụ lại quáng quàng tìm vốn

Thứ Hai 25/10/2010 , 10:44 (GMT+7)

Ngày 25/10, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng với các Cục Trồng trọt, BVTV sẽ đi kiểm tra tình hình xuống giống vụ lúa ĐX tại ĐBSCL. Năm nay, nông dân xuống giống sớm nên vốn vay để sản xuất cũng đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ruộng lúa không ngập nước làm tăng chi phí sản xuất của nông dân

Hôm nay (25/10), lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng với các Cục Trồng trọt, BVTV sẽ đi kiểm tra tình hình xuống giống vụ lúa ĐX tại ĐBSCL. Năm nay, nông dân xuống giống sớm nên vốn vay để sản xuất cũng đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

ĐBSCL là nơi cung cấp khoảng 53% sản lượng lúa và đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, những người làm ra hạt lúa nơi đây lại cứ loay hoay với chuyện “chạy vốn” vào đầu mỗi mùa vụ mà chưa tìm ra lối thoát. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn, là nỗi lo toan mà người nông dân ĐBSCL một khi đã trót vay nợ để đầu tư vào sản xuất lúa.

Ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) cho hay, gia đình có 10 ha đất ruộng, mùa rồi ông vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (chi nhánh Đồng Tháp) để mua phân bón, thuốc BVTV và các khoản chi phí khác. Vừa thu hoạch xong, mặc dù giá lúa chỉ có 3.700 đồng/kg nhưng cũng phải bán ngay để trả nợ. May mắn lắm là được phá huề nên không có thu nhập.

Ông Lam cũng cho biết thêm, nhờ biết tính toán kỹ lưỡng nên mới được như vậy chứ nhiều nông dân quê ông nếu như không được vay vốn ngân hàng, phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hoặc là mua phân thuốc thiếu ở các cửa hàng VTNN bị tính lãi thêm từ 3-5% thì khó khăn sẽ chồng chất thêm nhiều. Có người, sau mỗi mùa vụ thất bát, lỗ lã không đủ tiền trả vốn và lãi do vay nóng nên buộc lòng họ phải đến gân hàng xin vay vốn để mang về trả nợ. Nghĩa là đi vay nợ mới về trả nợ cũ rồi nợ cứ hoàn nợ.

Năm nào được mùa, được giá thì cũng chỉ bù đắp cho vụ trước thua lỗ mà thôi. Còn cái ăn, cái mặc và nếu lo cho con cái ăn học nữa thì phải biết bươn chải làm thuê mướn bằng những công việc khác lúc nông nhàn. Do vậy mà đến mỗi mùa gieo sạ, bà con lại lo chuyện thiếu vốn để đầu tư sản xuất là chuyện đương nhiên.

Ông Dương Nghĩa Quốc – GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, một số bà con nông dân bán lúa sớm với giá thấp ở vụ hè thu vừa qua nên không có lãi hoặc lãi rất ít. Còn hiện nay, nông dân Đồng Tháp cũng như các tỉnh lân cận đang gặp rất nhiều khó khăn khi nước lũ về kém. Chi phí sản xuất sẽ tăng cao từ khâu làm đất, diệt trừ mầm bệnh, cỏ dại.

Do đó, về phía ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu với UBND tỉnh để kiến nghị với ngân hàng TW chỉ đạo các ngân hàng địa phương có cam kết nâng định mức cho vay lên 20 triệu đồng/ha và không để cho bất kì nông dân nào thiếu vốn sản xuất. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ giải ngân 12 ngàn tỉ đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2010 - 2011. Riêng vụ đông xuân tới sẽ cho bà con vay với số tiền khoảng 6 ngàn tỉ đồng.

Tại An Giang, nhiều nông dân cũng không ngớt lời than vãn khi nói rằng “Lúa hè thu đã bán sạch bồ rồi mà vẫn không có tiền để đầu tư sản xuất vụ đông xuân sắp tới”. Ông Phạm Văn Hạnh ở xã Đa Phước, huyện An Phú cho biết, hiện gia đình ông canh tác hơn 3 ha đất ruộng. Vụ hè thu vừa qua, ông Hạnh vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT huyện với số tiền 100 triệu đồng để làm chi phí sản xuất. Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp do ngành nông nghiệp hướng dẫn như chương trình “1 phải 5 giảm” nên tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất. Tuy nhiên, do bán lúa ở đầu vụ thu hoạch với giá thấp khoảng 3.200 đồng/kg nên lỗ chút ít.

 Ông Hạnh than rằng: Năm nay chi phí làm lúa sẽ tăng lên gấp đôi do nước không ngập ruộng. Xăng dầu dùng để chạy máy bơm cấp thoát nước, cày bừa cũng tăng cao. Phân DAP mùa rồi chỉ có 400 ngàn đồng/bao mà bữa nay đã lên 600 ngàn đồng. Đã vậy, nếu ai không được vay vốn ngân hàng Nhà nước mà đi hỏi vay nóng bên ngoài trả lãi cao thì còn chết lớn nữa. Tới mùa đem hết lúa bán trả nợ không đủ thì lấy vốn đâu để đầu tư cho vụ sau.

Không để thiếu vốn sản xuất

Theo ông Nguyễn Ngọc Rạng – Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, sẽ không để tình trạng nông dân thiếu vốn như vụ đông xuân năm 2009 vừa qua. Để thực hiện tốt vấn đề này, ông Rạng đưa ra hướng giao chỉ tiêu cho các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo đủ vốn cho nông dân vay. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ở Đồng Tháp đang có tín hiệu lạc quan và có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra.

Cũng giống như tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Tấn Phước – Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT An Giang cho biết, đã chỉ đạo cho các đơn vị trên địa bàn tích cực triển khai huy động vốn, ưu tiên phục vụ cho nhu cầu sản xuất vụ đông xuân 2010 này. Nếu chưa đủ sẽ kiến nghị NHTW hỗ trợ theo quan điểm không để nông dân thiếu vốn. Cụ thể việc nâng định mức cho vay do chi phí sản xuất tăng cũng như tổng số tiền cần cho vay đợt này vào khoảng bao nhiêu sẽ được thông báo sau khi có sự bàn bạc và thống nhất với Sở NN-PTNT An Giang.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Mỗi năm Bắc Giang có 1.400 - 1.700ha cây trồng bị chuột hại

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang, gần đây nạn chuột gây hại lúa và rau màu có xu hướng tăng trên địa bàn, năm 2022 nhiễm 1.446ha, năm 2023 nhiễm 1.700ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất