| Hotline: 0983.970.780

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

Thứ Ba 23/04/2024 , 16:00 (GMT+7)

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.

Hơn 35.000m2 nhà màng, nhà kính ở Mộc Châu hưởng lợi từ dự án 'Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai'. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hơn 35.000m2 nhà màng, nhà kính ở Mộc Châu hưởng lợi từ dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 22 - 23/4 tại Sơn La, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”. Cùng tham dự sự kiện có Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) và đông đảo nông dân, hợp tác xã sản xuất rau tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Công nghệ cao giúp năng suất rau tăng gấp 3

Năm 2021, Viện Nghiên cứu Rau quả được Bộ NN-PTNT phê duyệt thực hiện dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua FAO và được UBND tỉnh Sơn La cho phép thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dự án gồm 4 hợp phần: Cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà màng, nhà kính để tổ chức sản xuất rau; hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm rau; xây dựng quy trình hướng dẫn sản xuất rau an toàn trong nhà kính, nhà màng; kết nối sản phẩm rau vào chuỗi giá trị nông sản.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ 34 hộ gia đình tại huyện Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa các nhà kính hiện có; cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho các hộ dân thuộc dự án. Các đối tượng cây trồng chính được thực hiện trong dự án gồm cà chua, dưa lưới, dưa chuột, dưa lê và ớt chuông.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, qua 3 vụ sản xuất cho thấy ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau trong nhà màng, nhà kính ở Mộc Châu đã giúp tăng năng suất gấp 2,5 đến 3 lần so với thực hành canh tác trước đây của bà con. 

TS Hùng cho biết: “Việc sử dụng giống rau mới có năng suất cao đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế đáng kể. Trung bình hộ nông dân sản xuất cà chua thu về xấp xỉ 150 triệu đồng/1.000m2, tương đương 1,5 tỷ đồng/ha. Ớt chuông là giống rau mới chuyển giao tới Mộc Châu, năng suất ước đạt 8 tấn/ha và hiệu quả kinh tế đạt 200 triệu đồng/1.000m2”. 

TS Hùng lưu ý thêm, nếu mở rộng quy mô sản xuất thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là có thêm nông dân được hưởng lợi từ những cải tiến kỹ thuật và nâng cấp cơ sở sản xuất do dự án mang lại. Ở giai đoạn tiếp theo của dự án, Viện Nghiên cứu Rau quả và các chuyên gia FAO sẽ giới thiệu kỹ thuật trồng rau thủy canh, trồng rau ăn quả trên giá thể. 

Ở giai đoạn tiếp theo của dự án, Viện Nghiên cứu Rau quả và các chuyên gia FAO sẽ giới thiệu kỹ thuật trồng rau thủy canh tới nông dân. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ở giai đoạn tiếp theo của dự án, Viện Nghiên cứu Rau quả và các chuyên gia FAO sẽ giới thiệu kỹ thuật trồng rau thủy canh tới nông dân. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ở tiểu khu 14 (thị trấn Mộc Châu), gia đình chị Đỗ Thị Thủy là một trong 34 hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau công nghệ cao. Từ năm 2018, chị Thủy tự học kỹ thuật trồng rau hữu cơ và quản lý, sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV. Sau khi tham gia dự án, chị Thủy cũng như các hộ tham gia dự án được tư vấn kỹ thuật từ các chuyên gia FAO, nhận giống do Viện Nghiên cứu Rau quả cung cấp, được hỗ trợ nâng cấp hạ tầng cơ sở sản xuất.

Đón tiếp đoàn chuyên gia FAO tới thăm nhà màng, chị Thủy bày tỏ cảm ơn sâu sắc những hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian qua của dự án. Bàn về dự định tương lai, chị muốn nhân rộng diện tích sản xuất rau công nghệ cao, hướng tới mở doanh nghiệp nhỏ và thuê công nhân trồng rau.

Về lâu dài, các chuyên gia trồng trọt mong muốn nâng cao nhận thức của bà con về quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để nông dân Mộc Châu sản xuất nông sản sạch, chinh phục thị trường ngày càng có yêu cầu cao về mức tồn dư thuốc BVTV.

Quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn

Trong khuôn khổ sự kiện, các đơn vị chuyên môn đã phối hợp tổ chức hội thảo "Phơi nhiễm với thuốc BVTV và tác động sức khỏe liên quan đến giới". Thay mặt các đơn vị, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam - ông Rémi Nono Womdim phát biểu chào mừng những nông dân tiên phong sản xuất rau sạch ở Mộc Châu.

“Thuốc BVTV được coi là đột phá khoa học, qua nhiều năm trở thành vật tư quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cây trồng và cộng đồng, lại làm hiệu quả thuốc giảm qua thời gian. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, chính việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV khiến nông nghiệp trở thành một trong ba nghề nguy hiểm nhất, bên cạnh xây dựng và khai thác khoáng sản”, ông Rémi Nono Womdim nói.

Ông Rémi Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ nông dân Việt Nam chuyển đổi canh tác an toàn, bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Rémi Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ nông dân Việt Nam chuyển đổi canh tác an toàn, bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Rémi Womdim nhấn mạnh, đã đến lúc cần "xanh hóa" Cách mạng Xanh. Ông kỳ vọng với sự hỗ trợ của FAO, nông dân Việt Nam sẽ hình thành thói quen sản xuất bền vững, nhận thức được các tác động tới môi trường, xã hội, đặc biệt là mối tương quan giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, giới với quyền sử dụng thuốc BVTV.

Theo nghiên cứu của FAO, ở các nước đang phát triển, phụ nữ dễ bị phơi nhiễm với thuốc BVTV và dễ bị ngộ độc thuốc. Đa số lao động nữ ở Đông Nam Á không được cung cấp thiết bị phù hợp, không có đồ bảo hộ. Tuy nhiên, các khía cạnh liên quan đến giới thường bị bỏ qua trong chính sách và chương trình quản lý thuốc BVTV.

Trao đổi với đại diện nông dân Mộc Châu, nữ chuyên gia Nadia Correale cho biết, so với nam giới, phụ nữ dễ bị tổn thương trước tác hại của thuốc BVTV do các khác biệt sinh lý. Ngay cả liều lượng thấp cũng có mức độ nguy hiểm cao (có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, có dư lượng thuốc trong sữa mẹ, dễ sẩy thai, mắc bệnh ung thư vú, bênh hô hấp, rối loạn da…) tùy vào tần suất phơi nhiễm.

“Cơ thể phụ nữ vốn có tỷ lệ mô mỡ cao, do đó có xu hướng tích lũy sinh học các hóa chất ưa mỡ, kể cả các chất ô nhiễm khó phân hủy. Bị phơi nhiễm với thuốc BVTV trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý phụ nữ ở các giai đoạn từ thiếu niên, mang thai, nuôi con và thời kỳ mãn kinh”, bà Correale giải thích.

Người dân thuộc dự án tham gia hoạt động nhóm về sử dụng thuốc BVTV an toàn. Ảnh: Quỳnh Chi.

Người dân thuộc dự án tham gia hoạt động nhóm về sử dụng thuốc BVTV an toàn. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trẻ em cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với các hóa chất có trong thuốc bảo vệ thực vật. Khi trẻ em đi cùng bố mẹ làm nông có thể hít phải hóa chất độc hại nếu không đeo khẩu trang. Ngoài ra, nếu người lớn vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi trên thảm cỏ, bờ ruộng, trẻ em dễ tiếp xúc tay, miệng với vỏ chai thuốc hoặc thảm cỏ nhiễm hóa chất. Đây là một số điều nông dân cần lưu ý để bảo vệ con em khỏi phơi nhiễm chất độc hại do thuốc BVTV hóa học gây ra.

Theo đó, hội thảo đã tập huấn đan xen các bài thuyết trình về lý thuyết sử dụng thuốc an toàn với hoạt động nhóm thú vị, truyền tải hiệu quả các khái niệm về quản trị rủi ro trong sử dụng thuốc BVTV tới nhóm nông dân hưởng lợi từ dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”.

Chị Trần Thị Hiền (Phiêng Luông, Mộc Châu) tham gia dự án từ năm 2022 với diện tích sản xuất 2.000m2. Qua hội thảo tập huấn cùng các chuyên gia FAO, chị có thêm ý thức, kinh nghiệm để bảo vệ bản thân và gia đình khi sử dụng thuốc BVTV, cũng như kiến thức về bình đẳng giới trong lao động nông nghiệp. Chị sẽ truyền đạt những kiến thức mới học tới công nhân làm thuê ở trang trại của gia đình chị và cộng đồng phụ nữ tại địa phương.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm