| Hotline: 0983.970.780

Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Thứ Năm 25/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Đề án 'Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030' đặt mục tiêu trọng tâm phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ong, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đề án “Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030” đặt mục tiêu trọng tâm phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ong, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

4 ứng dụng minh bạch hóa ngành ong

Công nghệ nuôi ong 4.0 là bước tiến để ngành ong hoà nhịp với xu thế nông nghiệp thông minh hiện nay. Là cơ quan hàng đầu Việt Nam về sản xuất và xuất khẩu giống ong, Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hiện đang xây dựng các ứng dụng quản lý, truy xuất nguồn gốc cho đàn ong, góp phần tạo hiệu quả trong nghiên cứu, chủ động giống ong, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đề án “Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030” đặt mục tiêu trọng tâm là phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ong, xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam. Sản phẩm hàng hóa của ngành ong được sản xuất chủ yếu từ các cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới, việc áp dụng các công nghệ hiện đại như IoT, AI, Blockchain… trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường cũng là một bước tiến trong giải pháp bền vững cho ngành.

Với sự phát triển của công nghệ, mã QR Code trên tem bao bì sản phẩm có thể cung cấp thông tin từ địa chỉ doanh nghiệp, tên sản phẩm lô hàng… đến người tiêu dùng. Ông Thái cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển bốn ứng dụng thuộc dự án của Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới có thể giúp người nuôi đi theo xuyên suốt quá trình sản xuất ong từ con giống, chăm sóc/nuôi dưỡng, đến truy xuất nguồn gốc.

“Chúng ta phải sử dụng đến công nghệ để minh bạch quá trình sản xuất, từ đầu vào đến đầu ra, từ quá trình chế biến, đóng gói, logistics đến phân phối sản phẩm tới các đại lí và đến người tiêu dùng”, ông Thái cho biết.

Ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới phát triển có thể theo dõi trên điện thoại và máy tính. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới phát triển có thể theo dõi trên điện thoại và máy tính. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Dựa trên các yêu cầu về minh bạch hoá sản phẩm, dự án của Trung tâm cũng tập trung phát triển 4 ứng dụng theo trình tự hay công đoạn sản xuất đó là ứng dụng chọn giống. Ứng dụng chăm sóc, nuôi dưỡng, ứng dụng thu mua, chế biến trong đó cung cấp mã QR dùng để truy xuất nguồn gốc (có thể coi là một ứng dụng riêng biệt).

Ông Thái lý giải, việc áp dụng công nghệ có thể giúp chuẩn chỉ từ khâu chọn giống. Ví dụ, khi lựa chọn giống ong chúa HVN của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có năng suất mật cao, tính kháng bệnh tốt, giúp người nuôi ong giảm sử dụng các hoá chất để phòng trừ bệnh và các biện pháp liên quan.

Như vậy, chỉ đơn giản với một chiếc điện thoại, quét QR Code trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được một chuỗi sản xuất từ nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng của con ong giống, quy trình lấy mật… Chuỗi thông tin này được gửi lên đám mây điện tử và được truy cập một cách công khai.

Nguyễn Thị Lan Anh, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới chia sẻ, việc sử dụng ứng dụng không chỉ giúp minh bạch hoá sản phẩm trước người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho người nuôi ong, giúp thay đổi cách thức theo dõi, quản lý đàn ong, từ “sổ hoá” thành “số hoá”.

Ông Thái chia sẻ, các ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới nghiên cứu phát triển đang trong quá trình hoàn thiện và nghiệm thu đề tài.

Thiết bị được lắp dưới thùng ong để theo dõi và quản lý. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Thiết bị được lắp dưới thùng ong để theo dõi và quản lý. Ảnh: Nguyễn Thủy. 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành ong cơ bản thuận lợi và khả thi ở Việt Nam.

Do đây là nhu cầu cấp bách của ngành ong để phục vụ xuất khẩu và minh bạch thị trường tiêu dùng trong nước, nên việc áp dụng công nghệ cũng là vấn đề ưu tiên của Chính phủ và Bộ NN-PTNT trong các lĩnh vực của ngành, trong đó có ngành ong.

Ngoài ra, đây cũng là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu mật ong của Việt Nam. Trong khi đó, các giải pháp công nghệ để áp dụng đã có sẵn.

Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ 4.0 vào ngành ong cũng gặp phải một vài khó khăn, thách thức nhỏ như các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trong ngành ong đều nhỏ, siêu nhỏ nên việc đầu tư cho việc áp dụng công nghệ 4.0 đòi hỏi những chi phí nhất định về nguồn lực con người, tài chính. Đối tượng vật nuôi là ong mật, loài côn trùng bay trên không trung nên không dễ kiểm soát; các cơ sở nuôi ong không cố định mà di chuyển theo nguồn hoa.

Ông Chinh cho rằng, để triển khai khả thi giải pháp áp dụng công nghệ 4.0 vào thực tiễn ngành ong đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ, phối hợp giữa khu vực tư nhân với khối viện, trường, cơ quan nghiên cứu. Trong sự phối hợp này, khu vực tư nhân là người ra đầu bài và trả tiền cho kết quả và khối kia là người thực hiện để tạo ra kết quả có thể đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, cá nhân từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, cần phải tiếp cận được các công nghệ, phương pháp và thực hiện theo các quy trình chuẩn hóa để kết quả của các công nghệ tạo ra được thương mại quốc tế chấp nhận.

Nhà nuôi ong đang sử dụng thiết bị cảm biến của Công ty ApisProtect trong quá trình theo dõi đàn ong.

Nhà nuôi ong đang sử dụng thiết bị cảm biến của Công ty ApisProtect trong quá trình theo dõi đàn ong.

Kinh nghiệm quốc tế trong ứng dụng công nghệ bảo vệ đàn ong

Biến đổi khí hậu, thâm canh và sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp đang làm tổn hại đến quần thể ong trên toàn cầu. Thông tin gần đây, các nhà nuôi ong ở Mỹ đã mất khoảng 48% số đàn ong trong giai đoạn 2022-2023.

Với tình trạng thâm hụt số lượng ong như hiện nay, Công ty ApisProtect của Ireland đã phát triển một loạt cảm biến cảnh báo để cung cấp thông tin sớm cho người nuôi ong nếu phát hiện vấn đề trong tổ ong của họ.

Các cảm biến này được kết nối với internet, đặt dưới mái tổ ong và thực hiện việc đo lường các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh và chuyển động. Dữ liệu thu thập từ cảm biến được truyền đến trụ sở chính của ApisProtect tại Cork, Ireland để được phân tích và xử lý trước khi được gửi lại cho người nuôi ong.

Fiona Edwards Murphy, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ApisProtect cho biết: "Việc áp dụng thiết bị sẽ giúp người nuôi ong có khả năng quản lý một lượng lớn các tổ ong với cùng lượng nhân công và nguồn kinh phí cho thức ăn và phương pháp chăn nuôi. Họ có thể tăng sản lượng thụ phấn và mật ong đáng kể trong quá trình hoạt động”.

Kể từ khi nhận được 1,8 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2018, ApisProtect đã hợp tác với 20 người nuôi ong trên toàn cầu, từ Hoa Kỳ, Ireland, Vương quốc Anh và Nam Phi, để giám sát hoạt động của hàng triệu con ong.

Với thông tin thu thập từ 400 cảm biến thông minh, ApisProtect đang xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn cầu về sức khỏe của loài ong và sử dụng các thuật toán phân tích dữ liệu để hỗ trợ nghiên cứu.

Ngoài ra, với nhu cầu ngày càng tăng về việc sử dụng ong trong ngành thụ phấn, một số công ty khởi nghiệp khác như Pollenity (Bulgaria), Arnia (Vương quốc Anh) và BeeHero (Israel) đang phát triển các công nghệ mới. Trong đó, Pollenity đã huy động được 1,2 triệu USD vốn đầu tư và đang thực hiện dự án nghiên cứu HIVEOPOLIS, với mục tiêu cải thiện phúc lợi cho loài ong thông qua việc cải tiến tổ ong và sử dụng công nghệ hiện đại.

Sergey Petrov, Người sáng lập của Pollenity chia sẻ: "Công nghệ của chúng tôi không chỉ giúp chuyển hướng đàn ong đến những khu vực thụ phấn mà còn giúp chúng tránh xa những nguy hiểm như thuốc trừ sâu. Điều này là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ tương lai của loài ong."

Còn tại Trung Quốc, một số địa phương có mật ong là ngành công nghiệp trụ cột, cũng đã ứng dụng công nghệ nuôi ong kỹ thuật số, giúp người nuôi ong có thể tự nhân giống ong chúa, điều này đã nâng cao đáng kể cả sản lượng mật ong và tỷ lệ sống sót của ong. Qua các ứng dụng kỹ thuật số, người nuôi ong cũng có thể theo dõi và quản lý đàn ong từ xa thông qua điện thoại thông minh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.