| Hotline: 0983.970.780

Đồ gỗ nội thất đối mặt nguy cơ bị kiện ở Mỹ

Thứ Ba 27/12/2011 , 10:35 (GMT+7)

Theo TRC, nguyên nhân chính khiến cho đồ gỗ nội thất Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị kiện rất cao, là do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ liên tục tăng mạnh...

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương
Theo Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồ gỗ nội thất Việt Nam đang có nguy cơ bị Mỹ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp (gọi chung là kiện phòng vệ thương mại) tại thị trường này.

Do kim ngạch tăng mạnh

Thực ra, từ năm 2010, phía Mỹ đã bắt đầu có những cảnh báo về khả năng khởi kiện đồ gỗ nội thất từ Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Năm ngoái, phía Mỹ đã sang Việt Nam khảo sát giá của một số món đồ gỗ, không phải để giao dịch mua bán, mà nhằm so sánh với giá các mặt hàng cùng loại của một số nước trong khu vực. Kết quả khảo sát cho thấy giá đồ gỗ của Việt Nam thấp hơn sản phẩm cùng loại của Indonesia, Thái Lan…

Và hiện tại, theo thông tin từ các luật sư thuộc mạng lưới cộng tác viên của TRC, đồ gỗ nội thất từ Việt Nam cùng 3 nước khác là Malaysia, Indonesia và Brazil, xuất khẩu vào Mỹ, đang đối mặt với nguy cơ kiện phòng vệ thương mại tại thị trường này.

Theo TRC, nguyên nhân chính khiến cho đồ gỗ nội thất Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị kiện rất cao, là do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ liên tục tăng mạnh từ năm 2006 đến nay. Nếu như năm 2005, Việt Nam còn đứng trong tốp 10 những nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào Mỹ, thì đến nay, nước ta đã đứng trong tốp 4 về mặt hàng này, với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD năm 2010.

11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Mỹ đã vượt qua kim ngạch của cả năm 2010 và đạt 1,278 tỷ USD. Việt Nam cùng 3 nước nói trên cũng đang thay nhau đứng đầu về xuất khẩu một số nhóm hàng gỗ vào Mỹ. Chính sự tăng trưởng nhanh chóng này đã khiến cho đồ gỗ nội thất Việt Nam trở thành cái “gai” trong con mắt của nhiều nhà sản xuất đồ gỗ nội địa Mỹ.

Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội thất hàng đầu sang Mỹ, đều có nguồn vốn từ Trung Quốc hay Đài Loan. Mà ngành gỗ Trung Quốc lại đã từng bị phía Mỹ khởi kiện chống bán phá giá, với kết quả là đồ gỗ nội thất Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế từ 42,23% đến 216,01%. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang cho rằng việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào ngành gỗ Việt Nam, cũng có thể là một cách để né thuế chống bán phá giá.

Do đó, đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang có khả năng bị vạ lây không nhỏ. Trong thời gian qua, một số tờ báo ở Mỹ đã có những bài viết cho rằng các doanh nghiệp đồ gỗ Trung Quốc đang né thuế chống bán phá giá bằng cách xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Giải pháp nào?

Theo TRC, để tránh bị kiện, điều cần nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là phải mạnh dạn từ chối những đơn hàng giá quá thấp. Bởi những đơn hàng như thế thường là cái cớ để phía Mỹ tiến hành khởi kiện. Mặt khác, khi nhận những đơn hàng giá quá thấp, người lao động trong ngành gỗ sẽ bị thiệt thòi.

Theo TRC, tính đến nay, đã có 40 vụ kiện chống bán phá giá có liên quan đến Việt Nam. Vụ đầu tiên là Colombia kiện Việt Nam bán phá giá gạo vào nước này năm 1994. Vụ mới nhất xảy ra ngày 15/11/2011, phía Mỹ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép cacbon từ Việt Nam. Đã có 4 sản phẩm nông nghiệp của nước ta bị khởi kiện là gạo, tỏi, cá da trơn và tôm.

Bởi vậy, TS Nguyễn Thị Thu Trang, thư ký của TRC cho rằng để tránh khả năng bị kiện, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần phải chuyển cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về mặt chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm, đẩy mạnh việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ và các nước có nền kinh tế thị trường dưới dạng mua, bán, gia công, nhập nguyên liệu bán thành phẩm… Việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Mỹ sẽ giúp cho Việt Nam có được lợi thế khi phải chọn nước thay thế.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, nhập khẩu từ Mỹ đạt 136 triệu USD, đứng thứ 2 sau Trung Quốc (152,5 triệu USD). Điều đáng nói là trong khi kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc và nhiều nước khác trong khu vực tăng mạnh trong 11 tháng qua (Trung Quốc tăng 8,68%, Thái Lan tăng 8,37%, Indonesia tăng 223,23%…), thì nhập khẩu gỗ từ Mỹ lại giảm nhẹ 0,16%.

Đây cũng có thể là một lý do khiến cho người Mỹ cảm thấy không hài lòng. Do đó, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, cần quan tâm hơn tới nguồn gỗ nguyên liệu của nước này.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.