Theo thông báo G/SPS/N/AUS/588 về kết quả “Phân tích rủi ro nhập khẩu bưởi tươi từ Việt Nam”, bưởi Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro an toàn sinh học với 19 loài sinh vật gây hại.
Đó là: (1) rầy cam quýt châu Á (Diaphorina citri), (2) nhện giả (Brevipalpus phoenicis), (3) ruồi đục quả khế (Bactrocera carambolae), (4) ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta), (5) ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), (6) ruồi đục quả đào (Bactrocera zonata);
(7) ruồi dưa (Zeugodacus cucurbitae), (8) ruồi đục quả bí ngô (Zeugodacus tau), (9) rệp sáp bột ca cao (Exallomochlus hispidus), (10) rệp sáp bột cà phê (Planococcus lilacinus), (11) rệp sáp (Rastrococcus pentagona), (12) rệp sáp (Parlatoria cinerea), (13) rệp sáp vẩy da giáp (Parlatoria ziziphi);
(14) rệp sáp vảy dâu tằm (Pseudaulacaspis pentagona), (15) nhện đỏ cam quýt (Panonychus citri), (16) nhện Kanzawa (Tetranychus kanzawai), (17) bọ trĩ ớt (Scirtothrips dorsalis), (18) bọ trĩ hành (Thrips tabaci); (19) vi khuẩn bệnh thối nhũn trên cây có múi (Xanthomonas citri subsp. citri).
Phía bạn cũng nêu cụ thể những biện pháp giảm nguy cơ 19 loài sâu bệnh gây hại kể trên.
Cụ thể, với các loài rầy, vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại, đồng thời có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro do loài rầy này gây ra trên quả bưởi và được Bộ NN-PTNT phê duyệt, có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống rầy, khử trùng bằng methyl bromide.
Đối với các loài ruồi, vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống ruồi đục quả như chiếu xạ.
Với các loài nhện giả, rệp sáp, côn trùng có vảy, nhện đỏ và bọ trĩ, Australia đề xuất Việt Nam kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu và nếu phát hiện phải có biện pháp khắc phục.
Bệnh thối nhũn trên cây có múi đòi hỏi phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh gây ra trên quả bưởi.
Trên cơ sở thông báo từ Bộ Nông nghiệp - Thuỷ sản và Lâm nghiệp Australia, Văn phòng SPS Việt Nam gửi Công văn số 147/SPS-BNNVN tới Cục Bảo vệ thực vật để sớm triển khai kế hoạch đáp ứng yêu cầu của Australia, hỗ trợ hiệu quả người sản xuất.
Trong tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có chuyến công tác Australia và trao đổi với người đồng cấp Murray Watt.
Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kỹ thuật liên quan đến mở cửa thị trường cho việt quất Úc và bưởi Việt Nam. Đây là mối ưu tiên của cả hai bên, trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia.
Bưởi là một trong những loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Với lợi thế mùa sản xuất kéo dài, gối vụ, nhiều địa phương trên cả nước còn dư địa để tăng năng suất, sản lượng bưởi, nhất là các giống chất lượng cao. Tuy nhiên, loại quả này cũng đang vấp phải sự cạnh tranh lớn từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan.
Nếu mở cửa thành công thị trường Australia, bưởi được kỳ vọng sẽ có một năm đột phá về kim ngạch xuất khẩu, đồng thời góp phần giúp ngành hàng rau quả cán mốc kỷ lục 6 tỷ USD trong năm 2024.