| Hotline: 0983.970.780

Đổ xô làm giàu con... giời ơi!

Thứ Hai 05/11/2012 , 10:20 (GMT+7)

Nhắc đến kinh doanh đa cấp hẳn ai cũng nghĩ tới hàng tiêu dùng hay thương mại điện tử... Tuy nhiên, mô hình này đã lan sang cả lĩnh vực chăn nuôi, cụ thể là con chồn nhung đen với những ẩn họa chực chờ người nông dân.

Nhắc đến kinh doanh đa cấp hẳn ai cũng nghĩ tới hàng tiêu dùng hay thương mại điện tử... Tuy nhiên, mô hình này đã lan sang cả lĩnh vực chăn nuôi, cụ thể là con chồn nhung đen với những ẩn họa chực chờ người nông dân. 

Đổ xô làm giàu con... giời ơi!

Chồn nhung đen có xuất xứ từ Nam Mỹ, được Viện Chăn nuôi đưa về VN năm 2005. Sau thời gian nghiên cứu, cho thấy đây là vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu tại nước ta. Đáng buồn thay, qua một số tổ chức, cá nhân, mô hình nuôi chồn nhung đang bị biến tướng thành kiểu kinh doanh giống đa cấp từ hơn một năm nay.

SIÊU LỢI NHUẬN

Đối nghịch hẳn với không khí ảm đạm, trầm lắng của con lợn, con gà truyền thống, mô hình nuôi chồn nhung đen hiện đang lan rộng một cách chóng mặt không chỉ ở các làng quê mà ngay cả ven đô, nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, để tiếp cận và tìm hiểu mô hình không hề đơn giản do có một nguyên tắc được các ông chủ của mô hình dặn dò lại người tham gia chăn nuôi, chỉ được truyền miệng và cấm treo biển hay quảng cáo trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào(?).

Phải qua rất nhiều lần thuyết phục, chúng tôi mới tiếp cận được mô hình nuôi chồn nhung của gia đình ông Trịnh Xuân Trần, thôn Xạ Hương, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ông Trần là công an xã về hưu, trong một lần sang thăm ông bạn đồng niên thấy con chồn nhung đen hay quá nên mon men tham gia. Sau khi được tư vấn chồn nhung đen là con vật cực kỳ dễ nuôi, chỉ ăn cỏ cây hoa lá và rất hiền lành. Đặc biệt, nếu tham gia vào mô hình sẽ được bao tiêu toàn bộ đầu ra trong thời gian hợp đồng, vậy là ông Trần quyết luôn không cần đắn đo suy nghĩ, bởi hiện tại ông đang chán ngấy nuôi lợn do thua lỗ triền miên mấy tháng qua.


Đang có cơn sốt nuôi chồn nhung đen đa cấp tại Việt Nam

Dẫn tôi thăm đàn chồn, ông Trần khoe: “Tôi mua 15 đôi chồn nhung đen cách đây hơn 1 tháng với giá 4 triệu đồng/cặp, tổng cộng cả tiền đầu tư chuồng trại hết 70 triệu đồng, được ông Châu cho nợ 20 triệu để tham gia vào mô hình. Chỉ vài tuần nữa tôi sẽ xuất bán 15 cặp chồn con và thu về 30 triệu đồng trong vòng chưa đầy 4 tháng, quả thực trong đời tôi chưa bao giờ nuôi con gì lãi nhanh đến thế. Tôi đang nóng ruột gọi thợ bán nốt 5 con lợn để lấy tiền đầu tư thêm 15 đôi chồn nữa nuôi cho “ra tấm món” chứ ông bạn tôi nuôi cả trăm đôi nên lợi nhuận khủng khiếp hơn nhiều.”

Qua ông Trần, chúng tôi được biết tại tỉnh Vĩnh Phúc có một hộ làm đại diện cho chủ dự án tiến hành thu mua, quản lý, giám sát các hộ chăn nuôi khác tại đây là ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Tân Long, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Gặp ông Hùng, chúng tôi ngay lập tức được nghe ông giảng giải về sự ưu việt và tính “nhân văn” có một không hai của dự án. Ông Hùng cho biết, chủ dự án này là ông Đoàn Việt Châu, cựu sỹ quan thông tin của Bộ Tư lệnh Thủ đô, quê ở Giao Thủy, Nam Định. Và theo như lời ông Hùng, may mắn nhờ quen “bồ tát sống” Đoàn Việt Châu ông mới có cơ may thoát khỏi vũng bùn nợ nần do chăn nuôi lợn thua lỗ.

Không chỉ ông Hùng, nghe đồn có rất nhiều người đã được ông Châu cứu vớt khi đang đầm đìa trong nợ như ông giám đốc một đài phát thanh huyện ở Vĩnh Phúc nợ hàng tỷ đồng ngân hàng do phá sản khi trồng cây thanh hao nay sắp hồi sinh nhờ nuôi chồn nhung đen. Thậm chí, có gia đình máu làm giàu quá đem cả sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay hàng trăm triệu đầu tư nuôi chồn như hộ ông Nguyễn Xuân Hiệp, xã Tam Quan, Tam Đảo.

Chả là sau khi có trong tay mấy trăm triệu tiền đền bù đất, gia đình ông Nguyễn Xuân Hiệp xây căn nhà 3 tầng hoành tráng nhất làng. Đang xây dở dang thấy có mô hình nuôi chồn nhung, ông lập tức dừng việc xây nhà lại đem sổ đỏ ra ngân hàng thế chấp vay 200 triệu đồng đầu tư 50 cặp chồn nhung đen cho mình và 20 cặp cho con trai để nuôi. Ông Hiệp phấn khởi cho biết, vừa bán được 20 đôi chồn nhung đen thu về 40 triệu tiền tươi thóc thật hẳn hoi chứ không phải tiền ảo như nhiều người sợ. Với cái đà tiền vào như nước này, ông Hiệp dự tính từ giờ đến cuối năm sẽ trả hết tiền vay ngân hàng và sang năm sau lãi trăm triệu đơn giản như trở bàn tay.

Quay trở lại câu chuyện của ông Hùng, nhờ bỏ ra ngót nghét 500 triệu đồng để đầu tư nuôi 100 cặp chồn nhung đen và là người tham gia mô hình sớm tại Vĩnh Phúc nên ông Hùng được ông Châu tin tưởng giao làm đại diện quản lý gần 50 hộ nuôi chồn trong tỉnh. Ngoài ra, ông Hùng còn là một trong ba cơ sở chuyên làm chuồng để ông Châu phân phối tới các hộ chăn nuôi mới.

Lúc này, chúng tôi mới hay biết, ngoài việc phải mua chồn giống, các hộ tham gia còn phải mua cả chuồng bằng sắt kiên cố do ông Châu tự làm và thiết kế theo mẫu và “phong thủy” riêng với giá 2,2 triệu đồng/chuồng. Ông Hùng khoe, từ lúc tham gia mô hình ông đã có 3 lứa chồn xuất chuồng, thu về được gần 200 triệu đồng. Cứ với cái đà này, ông Hùng tin chắc chỉ hết năm sau ông sẽ thanh toán xong số nợ 1,5 tỷ đồng hiện đang khất ngân hàng vì nuôi lợn thua lỗ.


Ông Trịnh Xuân Trần (Tam Đảo, Vĩnh Phúc): “Từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi nuôi con gì lãi như nuôi chồn nhung đen”

ĐUA NHAU BÁN CHỒN ĐA CẤP

Trong quá trình tìm hiểu về con chồn nhung đen, chúng tôi được biết, hiện không chỉ có mô hình của ông Đoàn Việt Châu mà còn rất nhiều mô hình khác như của Cty Giấc mơ Việt (V-dream) cũng có cách thức vận hành tương tự theo kiểu kinh doanh đa cấp. Theo đó, giá ngoài thị trường hiện nay, một cặp chồn nhung giống chỉ 200 - 500 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi xem hợp đồng của một hộ tham gia mô hình của ông Châu, chúng tôi thấy người chăn nuôi phải mua với giá 4 triệu đồng/cặp (1 đực 1 cái) và được mua lại chồn con với giá 2 triệu đồng/cặp (bất kể đực cái). Tuy nhiên, mỗi một lứa chồn cái đẻ người chăn nuôi phải nộp lại cho chủ mô hình 500 nghìn đồng. Như vậy, bình quân một năm một con chồn nhung đẻ 3 - 4 lứa, người chăn nuôi phải nộp 1,5 - 2 triệu tiền gọi là chi phí vận chuyển, hội thảo và công tác thú y…

Một điểm rất “tinh vi” của mô hình nuôi chồn nhung đen của ông Châu là thời hạn hợp đồng nhận bao tiêu đầu ra chỉ kéo dài trong 28 tháng, sau 28 tháng người nuôi chồn phải tự lo đầu ra. Nếu muốn tiếp tục được bao tiêu đầu ra, người nuôi phải hủy toàn bộ đàn chồn cũ đi và mua đàn chồn mới với giá 4 triệu/cặp như ban đầu. Với đàn chồn bố mẹ hết hợp đồng, người nuôi phải tiêu hủy làm thức ăn hoặc bán lại cho mô hình với giá 500 nghìn đồng/cặp chứ không được trực tiếp bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, quá trình tham gia, người nuôi phải thường xuyên báo cáo số lượng chồn bố mẹ đẻ ra để cán bộ kỹ thuật kiểm soát lưu vào sổ hộ khẩu, đề phòng các hộ mua chồn ngoài thị trường trà trộn vào. Nếu hộ nào vi phạm, lập tức hợp đồng sẽ bị hủy và số chồn trên sẽ trở về với giá trị ngoài đời thường.

Chúng tôi liên lạc với một loạt các hộ nuôi chồn nhung đen đa cấp của Cty Giấc Mơ Việt tại huyện Sóc Sơn và Từ Liêm (Hà Nội), xin địa chỉ Cty Giấc Mơ Việt để tới mua chồn nhưng đều bị từ chối. Lý do những người này đưa ra là phải đích thân một người đã tham gia mô hình dẫn tới giới thiệu, Cty mới tiếp và ký hợp đồng. Bởi Cty Giấc Mơ Việt có nguyên tắc chỉ giới thiệu qua hình thức truyền miệng chứ không quảng cáo trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào (?).

Qua một số hộ tham gia nuôi chồn nhung đen tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn và xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi mới hay biết còn có mô hình nuôi chồn nhung đa cấp khác của Cty Giấc Mơ Việt. Dự án của Cty Giấc Mơ Việt có cái tên rất kêu là “Nhà nông làm giàu”.

Về bản chất, dự án của Cty Giấc Mơ Việt không khác là mấy so với mô hình của ông Đoàn Việt Châu. Chỉ khác một điều là mô hình này không bắt người dân phải mua chuồng kèm theo giống, thời gian bao tiêu đầu ra ít hơn mô hình của ông Châu 4 tháng và giá bán giống cũng như giá mua lại con giống rẻ hơn 100.000 đồng/cặp, tức là 3,9 triệu đồng/cặp bán ra và 1,9 triệu đồng/cặp mua về.

Tuy nhiên, để tham gia được mô hình này, người chăn nuôi phải mua theo từng gói mà trong kinh doanh đa cấp thường hay chia ra từng cấp bậc như bạch kim, vàng, kim cương, ruby… chẳng hạn. Với Cty Giấc Mơ Việt, người dân phải mua ít nhất 12 cặp chồn nhung đen, các cấp bậc tiếp theo là 24 cặp, 48 cặp, 96 cặp…

Do đó, để tham gia vào mô hình này người dân phải có ít nhất 50 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với nông dân. Một điểm khác nữa là khi tham gia mô hình của Cty Giấc Mơ Việt, nếu hộ nào giới thiệu thêm được một mô hình mới sẽ được hưởng % hoa hồng trên tổng lợi nhuận thu được từ việc bán chồn và tiếp tục được hưởng thêm % cho người cấp kế tiếp.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm