| Hotline: 0983.970.780

Đối thoại nuôi trồng thủy sản

Thứ Tư 05/11/2014 , 09:27 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhất trí với ý kiến của các đại biểu về duy trì Đối thoại bàn tròn hằng năm. 

Ngày 4/11, tại TP Cần Thơ, mở đầu sự kiện trước khi diễn ra Diễn đàn Hợp tác Kinh tế - MDEC Sóc Trăng 2014, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, TS Christian Henckes, Giám đốc GIZ/Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng Ven biển (ICMP) và ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đồng chủ trì “Đối thoại bàn tròn về phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững vùng ĐBSCL”. Hơn 70 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các viện nghiên cứu, hiệp hội, DN thủy sản tham dự.

Những thách thức

Từ những năm 1990, cùng với thành tựu khoa học trong sinh sản nhân tạo các đối tượng thủy sản chủ lực như cá tra, tôm, nghề NTTS ở ĐBSCL bắt đầu phát triển mạnh, trở thành vùng sản xuất và NTTS lớn của cả nước.

Hằng năm sản lượng thủy sản xuất khẩu ĐBSCL chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản cả nước. Đó là nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề NTTS dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và công nghệ.

Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, tăng trưởng nhanh, NTTS của vùng đã bộc lộ bất cập và đang gặp không ít thách thức, khó khăn như: Quy hoạch còn bất cập, đầu tư cho phát triển NTTS còn thấp, sự liên kết giữa các bên liên quan chưa cao, quản lý môi trường và dịch bệnh còn hạn chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho NTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, an toàn và sạch; thách thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng...

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Viện trưởng Viện NTTS 2 cho rằng: Tuy ĐBSCL có vùng NTTS lớn nhưng đa số nông hộ nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ, mô hình nuôi quảng canh cải tiến chiếm 87%; trình độc học vấn thấp, tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; điều kiện kinh tế còn nghèo, khả năng nguồn vốn đầu tư không có. Bên cạnh sự biến động về môi trường, dịch bệnh dễ xảy ra.

Trong khi đó nhiều diễn biến thay đổi: Nhiệt độ tăng, mặn xâm nhập, lượng mưa thay đổi và tác động của con người ở khu vực thượng nguồn sông Mekong đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên nước, sự phát triển bền vững ĐBSCL.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt ra vấn đề: Thách thức lớn nhất hiện nay cản trở sự phát triển trong NTTS là thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể của ngành ở cấp độ vùng và cấp độ DN.

Đặc biệt là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị chủ yếu của vùng. Quan hệ giữa các DN sản xuất thức ăn, DN chế biến xuất khẩu và nông dân thiếu chặt chẽ; sự liên kết giữa 4 nhà còn mang tính hình thức; sản xuất phân tán, tự phát dẫn tới làm hạn chế các nguồn lực để ngành thủy sản vươn lên.

Hợp tác, liên kết

TS Christian Henckers, góp ý: Trong hơn 2 thập kỷ vừa qua ngành thủy sản Việt Nam phát triển nhanh, có hơn 4 triệu người tham gia NTTS và xuất khẩu, chiếm 25% trong tổng sản phẩm nông nghiệp, đạt kim ngạch XK hàng tỉ đô la Mỹ. Tổng quan ngành thủy sản đang phát triển, vậy điều bất ổn còn tồn tại là những gì? Trong khi đó đối thủ cạnh tranh của VN là các nước có ngành NTTS không hề đứng lại. Họ vẫn đang tiếp tục tìm cách tăng trưởng. Như vậy trong tương lai làm thế nào NTTS Việt Nam cạnh tranh để phát triển và vẫn giữ bền vững?

Lần đầu tiên cuộc đối thoại có nhiều ý kiến đồng quan điểm cần có sự hợp tác, liên kết. Làm thế nào thúc đẩy sự liên kết giữa các viện nghiên cứu và có sự tham gia của các DN, vai trò các hiệp hội để có sản phẩm đại diện của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá, cho rằng: “Giải pháp nuôi là quan trọng, nhưng quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất và trong đó liên kết là một giải pháp. Tôi cho rằng cần có nhiều cuộc đối thoại như thế này”. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhất trí với ý kiến của các đại biểu về duy trì Đối thoại bàn tròn hằng năm. Mô hình, cơ chế tổ chức đối thoại cần được dự thảo, lấy ý kiến thống nhất, cam kết tham gia của các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.