| Hotline: 0983.970.780

'Dựa vào sức dân để lo cho dân', giúp Kỳ Hải cán đích NTM

Thứ Sáu 10/03/2017 , 13:45 (GMT+7)

Về xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) những ngày này có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, phấn khởi của người dân khi xã vừa đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Theo lộ trình đề ra, phải đến năm 2018 Kỳ Hải mới có thể về đích NTM, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền, nhất là sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo nhân dân, Kỳ Hải đã cán đích một cách ấn tượng trong năm 2016. Đó là thành tích đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kỳ Hải.

17-11-12_img_0952
Bình quân mỗi năm vườn rau chị Nguyễn Thị Thú (thôn Nam Hải, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho thu nhập trên 50 triệu đồng
 

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu dân cư kiểu mẫu Nam Hải, chị Nguyễn Thị Hoàng Ngân, cán bộ NTM xã Kỳ Hải chia sẻ: “Xác định xây dựng NTM là cả một quá trình dài, từ đó cả hệ thống chính trị tại địa phương “xắn tay áo” cùng làm, từng bước gỡ những nút thắt khó nhất, trong đó trọng tâm là giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với 19 tiêu chí, xã tiến hành phân loại cụ thể những tiêu chí nào đã đạt được, tiêu chí nào chưa đạt, tiêu chí nào dễ, tiêu chí nào khó. Từ đó, ưu tiên tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau".

Với phương châm “dựa vào sức dân để lo cho dân” đã tạo được sự đồng thuận cao. Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Đường mở tới đâu, nhân dân tự tháo dỡ công trình, vật tư kiến trúc và hiến đất làm đường tới đó.

Nhân dân địa phương còn đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa thôn… đặc biệt có 13 hộ dân tình nguyện hiến 5.000m2 để xây dựng trường mầm non Kỳ Hải.

Ông Trần Văn Uân (thôn Bắc Sơn Hải), người đầu tiên tự tháo dỡ 42m hàng rào và hiến 45m2 đất, chia sẻ: “Trước đây, đường vào thôn mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mịt mù, cây cối lấn ra làm đường chật hẹp. Hầu hết diện tích đất vườn của người dân bỏ hoang, có hộ trồng rau nhưng không mấy hiệu quả.

Nhờ phong trào xây dựng NTM, bộ mặt thôn xóm đã thay đổi đáng kể, toàn bộ đường giao thông đều được bê tông hóa và mở rộng, thoáng đãng, nhà cửa, vườn hộ được cải tạo theo quy hoạch vừa sạch, đẹp, vừa mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Làm NTM thực ra là làm cho mình, mình hưởng lợi trước thì tiếc gì mà không hiến”.

Ngoài ra, việc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cũng là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Chỉ trong thời gian ngắn, Kỳ Hải đã hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông kênh mương nội đồng. Đồng thời, quy hoạch 144ha vùng đất cấy lúa một vụ kém hiệu quả chuyển sang đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Thời gian đầu chỉ có vài hộ cải tạo, bỏ vốn nuôi tôm, thấy hiệu quả hơn trồng lúa nhiều hộ dân đã tự giác thực hiện chuyển đổi, hiện có trên 100 hộ sống bằng nghề nuôi tôm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%, bình quân thu nhập đạt 29,73 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân được cải thiện rõ nét, Kỳ Hải thực sự đã khoác trên mình chiếc áo mới.

Ông Phạm Văn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải phấn khởi: “Đảng bộ và chính quyền xã xác định xây dựng NTM phải bền vững, nên việc cán đích NTM chỉ là kết quả bước khởi đầu. Thời gian tới xã tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo đề án cây con chủ lực, cánh đồng một giống, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích… Tiếp tục giữ vững xã NTM và phấn đấu đạt xã văn hóa cấp tỉnh”.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.