| Hotline: 0983.970.780

Dung dị Vũ Đình Minh

Chủ Nhật 17/02/2013 , 08:30 (GMT+7)

Tôi biết đến Vũ Đình Minh, trước hết là con người, chứ không phải văn thơ, mặc dù anh là hội viên của cả hai hội danh giá, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi biết đến Vũ Đình Minh, trước hết là con người, chứ không phải văn thơ, mặc dù anh là hội viên của cả hai hội danh giá, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. Với anh, gọi là nhà văn, nhà thơ đều được. Hơn thế nữa, những năm trước khi nghỉ hưu, anh còn khá thành công với tư cách là tác giả kịch bản - đạo diễn của xê-ri phim về chân dung văn học nghệ thuật các tác gia tên tuổi của Việt Nam, được chiếu định kỳ trên HTV và trên VTV3.


Nhà văn, nhà thơ Vũ Đình Minh

Về khía cạnh nào đó, anh vừa là người anh, người bạn vong niên, vừa là người thày truyền nghề, người bạn đồng nghiệp của tôi...

Trước khi về Hà Nội làm báo chuyên nghiệp, tôi có gần bảy năm hành nghề kỹ sư canh nông tại miền Tây Nam bộ. Vừa làm nghề, vừa tập tọng viết báo nghiệp dư. Thêm nữa, sẵn có chút máu văn chương trong người từ nhỏ, được thổi bùng bởi Trần Đăng Khoa nổi tiếng, khi cùng đội tuyển của Hải Hưng với nhau, tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10/10 toàn miền Bắc niên khóa 1974 - 1975, nên tôi còn túc tắc làm thơ, viết truyện ngắn. Hàng năm, mỗi kỳ nghỉ phép ra Bắc, tôi hay đi theo người bạn thân là Trịnh Bá Ninh, khi đó là phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thăm nom, giao du với một số nhà văn, nhà thơ thuộc Nhóm Ong, trong đó có Vũ Đình Minh.

Ngày đó, Vũ Đình Minh công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Phát thanh Hà Nội. Anh sống một mình tại nhà riêng, căn nhà cấp 4 ọp ẹp có chút sân vườn, ẩn sâu trong ngõ làng nơi chân dốc phố Lò Đúc phía ô Đông Mác. Căn nhà ấy, trước thuộc đất làng, sau này thành ngõ phố, gia đình anh gom góp bỏ tiền ra mua khi anh chuyển công tác từ Mê Linh về Đài phát thanh Hà Nội. Vũ Đình Minh sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân, quê xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, vùng đất xưa từng là kinh đô của Hai Bà Trưng, sau này thuộc đất Vĩnh Phúc, rồi chuyển thành huyện ngoại ô của Hà Nội.

Anh tốt nghiệp khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, làm thày giáo dạy văn nhiều năm ở vùng núi Cao Bằng, rồi về dạy cấp 3 Đoan Hùng (Vĩnh Phú). Anh bén duyên thơ văn khi còn làm thày giáo dạy văn, có thơ văn đăng báo nhiều, nên sau chuyển sang hẳn Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú một thời gian, rồi theo lời mời về công tác tại Đài Phát thanh Hà Nội. Sống một mình ở phố, anh phải bươn chải nuôi mình và vợ con ở quê. Có được căn nhà như vậy, khi đó đã là niềm hạnh phúc và ao ước của bao người nhập cư về Hà Nội.

Đầu năm 1987, tôi xin nghỉ không lương, ra Bắc tìm việc mới. Thời gian đó, Trịnh Bá Ninh bận việc làm báo, tôi rảnh rỗi hơn, lang thang đây đó nên hay đến nhà anh, kể cả sau này, ngôi nhà ấy có thêm vợ chồng người em trai ruột ở cùng. Tôi nhớ, từ cuối phố Lò Đúc, đường xuống ngõ vào nhà anh phải qua một dốc cầu thang dài gạch xây cũ kỹ, hai bên mép có lối để dắt xe. Mỗi lần đến, nếu anh có nhà, hình ảnh tôi thường gặp là căn nhà lợp ngói xềnh xoàng lờ mờ trong ánh sáng điện vàng ệch, nơi chiếc bàn thấp chân kê giữa phòng khách đặt chiếc máy chữ cũ mèm đang đánh dở và bên cạnh là chén rượu quốc lủi và đĩa nhỏ lạc rang. Vũ Đình Minh đang sáng tác. Anh có lối viết trực tiếp, không dùng bút viết thảo nháp trên giấy nữa, mà gõ thẳng máy chữ, cậm cạnh nhẫn nại gõ, vừa sáng tác vừa nhấp rượu với lạc rang.

Sau này, tôi học ở anh cách làm việc này. Thấy tôi, anh tạm dừng việc, tiếp khách. Thường là tôi mang đến một vài sáng tác văn xuôi của mình, nhờ anh đọc, góp ý, và nếu được thì anh xếp vào chương trình đọc chuyện của Đài Hà Nội. Hôm nào, thấy anh đang say việc và có vẻ viết được, tôi biết ý không chơi lâu. Có hôm, viết bí, lại tâm trạng chi đó muốn giãi bày, anh giữ tôi lại, rót rượu mời uống, chuyện nọ dọ chuyện kia. Và những lúc như thế, tôi biết thêm về hoàn cảnh gia đình anh, về đường đời, sự nghiệp và quan niệm sáng tác của anh. Nhà bên quê Mê Linh, nông thôn nghèo với những hủ tục, định kiến xưa cũ, gia đình mà anh là ông chủ, nào mẹ già, nào chị gái, các em, vợ và con, ai cũng yêu thương cả, song không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Còn nghiệp cầm bút ư? Trước tiên, đã là việc làm công ăn lương rồi, sau mới đến nghệ thuật, và nữa, là để có nhuận bút, thêm thắt, đặng giúp vợ nuôi con.

Cuối năm 1987, tôi chuyển hẳn ra Bắc, về đầu quân tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), trở thành đồng nghiệp làm báo phát thanh với Vũ Đình Minh. Khi ấy, anh em gặp nhau thường xuyên hơn. Tuy bận việc chính làm báo ở VOV, song tôi cộng tác thường xuyên với Ban Văn nghệ Đài Hà Nội do anh phụ trách. Những lúc bù khú, có hơi men, anh tủm tỉm cười đùa tôi: "Chú mày bây giờ oách hơn anh đấy nhé. Chú ở đài trung ương, còn ta, dù là Hà Nội thủ đô đi chăng nữa thì cũng chỉ là đài địa phương thôi". Vũ Đình Minh hóm hỉnh nheo nheo đôi mắt cười, làm khuôn mặt sớm héo khô của anh rạng rõ ra: “Anh phát bài của chú, chú thì có thêm chút thu nhập dù nhuận bút đài anh bèo bọt... Với lại, cũng là để có cái cớ anh em mình gặp nhau, nâng lên đặt xuống thế này... còn lấy cảm hứng mà viết chứ...”. Có lần, cả tôi, anh và Trịnh Bá Ninh đều ngà ngà, Vũ Đình Minh chỉ tay vào tôi, bỗ bã: “Này thằng Ninh, thằng Nhạc có người yêu chưa? Nếu có rồi thì thôi... còn như chưa thì để tao làm mối... Chỗ tao, có mấy cháu gái được lắm, xinh gái, ngoan ngoãn, con nhà tử tế...".

Về công tác ở Đài TNVN, tôi ổn định được công việc, lại là việc yêu thích, song đời sống thì khó khăn gấp bội. Cơ chế xóa bao cấp, khởi đầu bằng việc bỏ sổ gạo, mở cho người ta bung ra làm ăn, song là với ai đó, chứ đâu với mình, lương còm, nhà cửa chưa có, nằm bàn cơ quan, tất tần tật đều trông vào đồng lương, thì quả là khó khăn. Tôi lao vào viết văn, viết báo vặt, thôi thì đủ thể loại, miễn có bài cộng tác với tất thảy tờ báo, tạp chí ngành nào có thể được. Vũ Đình Minh bày vẽ, bài trước tiên dùng ở mục văn nghệ đài anh, sau tiếp phát văn nghệ đài tôi, rồi đến gửi cho một báo nào đó. “Nhuận bút các nơi đều còm cõi cả, nhưng gom góp lại thì cũng tàm tạm. Gọi là phần nào đỡ thiệt thòi cho công sức lao động nhà văn... Làm thế, vạn bất đắc dĩ, có biết thì cũng chẳng ai người ta nỡ trách mình đâu, chú em ạ", anh phảy tay cười xòa, nháy mắt tinh quái, bảo tôi vậy. Tôi chỉ còn biết cười buồn, mà lòng đượm sự biết ơn. Ngay đến cái sự tinh ranh thì anh cũng rất đỗi chân thành.

Về văn chương, Vũ Đình Minh không chủ trương chọn lựa thể loại nào. Anh viết đủ loại, văn xuôi thì truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, bút ký, kịch truyền thanh, truyện phim, và thơ. Để viết được như vậy, trước hết phải thừa nhận, anh là người đa tài; thứ nữa, có lẽ là do tâm lý kiếm sống của thời bao cấp khó khăn, nên báo đài nào đặt hàng gì, thấy mình có khả năng đáp ứng được, là anh nhận lời viết ngay. Vừa có bài đăng phát, có thêm chút nhuận bút nuôi gia đình, lâu ngày đủ vốn liếng thì tập hợp lại in thành sách. Nhất cử lưỡng tiện. Mà đâu riêng mình anh, điểm lại, nhiều nhà văn ở ta thời bao cấp đều làm vậy. Song các tác phẩm của anh, cả bạn đọc và giới cầm bút đều thấy, Vũ Đình Minh thực sự thể hiện được thế mạnh của mình qua thơ và truyện ký, bút ký.

Về thơ, Vũ Đình Minh là tác giả của mấy tập thơ, song người ta biết đến anh chủ yếu qua tập thơ “Mưa trước cửa nhà" được xuất bản từ mấy chục năm trước. Tập này, anh tập hợp sáng tác từ thời còn dạy học ở miền núi Cao Bằng và khi về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Văn là người, chí ít đúng với Vũ Đình Minh qua thơ. Thơ anh dung dị, tình cảm, đôn hậu, gần với ca dao, không có đột phá gì mới. Ở mỗi bài, mỗi câu, bạn đọc có thể thấy được tình cảm của anh gửi gắm trên từng con chữ. Giờ đây, hễ nhắc đến Vũ Đình Minh, người ta nhớ mấy bài: “Kỷ niệm ngày mưa”, “Mưa trước cửa nhà”, “Hội Lim” và “Bây giờ là mùa thu"...

Với riêng tôi, những câu thơ của anh, mỗi đọc mỗi nao lòng: “Sẽ đến ngày tóc mình ngả vào thu / Hoa bèo tím chẳng mỏng manh như trước / Chim nhạn sẽ bay về thưa thớt / Cay đắng phai dần thành những bâng khuâng..." (Bây giờ là mùa thu). Thơ anh nặng những nỗi niềm người, đồng cảm, sẻ chia, an ủi: “Hát đắm say cho đứt ruột gan người / Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ / Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi / Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón / Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi..." (Hội Lim). Và nặng nỗi niềm ta: “Tuổi của mình trầm tĩnh trước mưa êm / Để mưa thấm vào lòng bao kí ức / Mưa làm cũ bao nhiêu ngày rét mướt / Tất cả như là mới sinh ra… / Giá tóc mẹ cũng thể xanh lên được / Mưa ơi mưa, mưa rơi trước sân nhà” (Mưa trước cửa nhà)...

Về văn xuôi, Vũ Đình Minh có “Mùa cạn" (tiểu thuyết), “Trả giá cuối cùng” (tiểu thuyết), “Ông già ngồi dưới vòm cây gạo" (tập truyện ngắn), "Một giờ làm quan" (tập truyện ngắn), “Đi qua bão tố" (truyện ký), “Chiếc diều nằm trên cỏ" (tập truyện thiếu nhi)... Song quả thật, cứ nói đến văn xuôi Vũ Đình Minh, là tôi nhớ đến truyện ngắn “Ông già ngồi dưới vòm cây gạo" của anh,

Sau này, anh đặc biệt thành công, được mọi người ghi nhận và yêu thích là xê-ri phóng sự truyền hình chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động nghệ thuật thế hệ tiền bối của Việt Nam.

Có lẽ, không riêng gia đình các nghệ sĩ được Vũ Đình Minh và đồng nghiệp ở Đài Phát thanh & truyền hình Hà Nội ghi hình, khắc họa, mà cả Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam biết ơn anh về điều đó, bởi giờ đây, họ và chính tác giả Vũ Đình Minh, đã là “người muôn năm cũ”...

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm