| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa cao, dân ùa nhau sạ sớm

Thứ Sáu 15/04/2011 , 08:33 (GMT+7)

Sức hấp dẫn của giá lúa đang đứng ở mức cao cộng với những cơn mưa lớn trái mùa (ruộng có sẵn nước) đã khiến nhiều nông dân không thể cưỡng lại đành xé rào gieo sạ lúa sớm.

Sức hấp dẫn của giá lúa đang đứng ở mức cao cộng với những cơn mưa lớn trái mùa (ruộng có sẵn nước) đã khiến nhiều nông dân không thể cưỡng lại đành xé rào gieo sạ lúa sớm.

Nhiều nơi, nông dân đã xuống giống trước lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp đưa ra hơn một tháng, bất chấp những khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh cũng như tình hình xâm nhập mặn vào đầu vụ có thể xảy ra. Vừa thu hoạch lúa ĐX xong, nhiều nông dân ở huyện Giang Thành (Kiên Giang) đã bắt tay vào làm tiếp vụ lúa xuân hè (XH). Trong khi đây là vụ lúa mà ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên gieo sạ nhằm tạo khoảng trống để cắt đứt mùa vụ, đồng thời có thời gian để cày ải, phơi đất giúp đất lấy lại độ phì nhiêu sau mỗi mùa vụ.

Thế nhưng, sức hấp dẫn của giá lúa đang đứng ở mức rất cao đã khiến nông dân bất chấp tất cả, xé rào gieo sạ ngay khi nhiều diện tích lúa ĐX trong vùng còn chưa thu hoạch xong. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang thì diện tích lúa XH mà nông dân huyện Giang Thành đã xuống giống là 4.239 ha. Nguyên nhân chủ yếu là vùng này thu hoạch lúa ĐX sớm và lúa bán được giá, nông dân thấy lợi nhuận cao nên bắt tay làm thêm vụ nữa.

Lý giải cho việc gieo sạ sớm của mình, ông Trần Văn Đồng, nông dân xã Tân Khánh Hòa, Giang Thành cho biết: “Phần lớn trong diện tích 10 ha đất mà gia đình tôi đang canh tác là đất thuê mướn của người khác. Chủ đất cho thuê theo năm, vì vậy phải tranh thủ thời gian, làm thêm được vụ nào hay vụ nấy. Để đất trống trong khi giá lúa luôn ổn định ở mức cao thì tiếc lắm”.

Ngay tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), địa phương vốn được coi là điển hình trong làm ăn tập thể và gương mẫu trong việc tuân thủ lịch thời vụ thế nhưng năm nay nông dân cũng xé rào gieo sạ sớm. Nhiều trà lúa ở Tân Hiệp hiện nay đã được nông dân gieo sạ hơn 1 tháng. Trong khi đó, lịch thời vụ gieo sạ lúa HT 2011 mà ngành nông nghiệp khuyến cáo cho khu vực Tây sông Hậu (trong đó có Tân Hiệp) là từ 15/4 đến 15/5. Ngoại trừ những khu vực được quy hoạch sản xuất lúa TĐ (gồm huyện Giồng Riềng, Châu Thành và Gò Quao) sẽ xuống giống sớm từ 15/3 đến 15/4.

Một vị trưởng ấp ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, lắc đầu ngao ngán: “Ở trên chỉ đạo phải yêu cầu nông dân tuân thủ lịch thời vụ thế nhưng tôi nói chẳng ai chịu nghe”. Nhiều người còn trả lời thẳng thừng: “Ruộng nhà tui tui làm. Tui không làm gì vi phạm pháp luật. Vậy mấy ổng lấy gì mà ngăn cấm”. Đến nước này thì có mất chức trưởng ấp cũng đành chịu. Một số nông dân thì biện hộ, ruộng nhà kế bên làm thì mình cũng phải làm theo. Vì giữa hai bên chỉ cách nhau cái bờ cỏn con, nước ngấm qua lênh láng, mình không làm thì đất cũng bị ngập úng, chứ có phơi được đâu. Vậy là cứ một nhà xé rào thì nhà nhà “buộc” phải làm theo.

Việc không tuân thủ lịch thời vụ khiến cho đồng ruộng trở nên “da beo”, lúc nào trên đồng cũng có lúa, tạo môi trường thuận lợi cho các loại côn trùng, mầm bệnh sinh sống và lây lan từ vùng này sang vùng khác. Chính điều này đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh trên đồng ruộng, làm đội chi phí sản xuất. Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang cho rằng, việc nông dân xé rào gieo sạ sớm, không tuân thủ lịch thời vụ là rất nguy hiểm do gặp nhiều yếu tố bất lợi.

Thứ nhất là đất không có thời gian nghỉ ngơi (theo khuyến cáo giữa 2 vụ lúa phải cách nhau ít nhất là 3 tuần) dẫn đến suy kiệt chất dinh dưỡng. Thứ hai là thời điểm thu hoạch lúa ĐX thường rơi vào cao điểm mùa khô, trời nắng gay gắt nên cây lúa mới gieo sạ rất khó phát triển. Chính vì vậy mà năng suất lúa vụ XH thường rất thấp. Trong khi đó, làm vụ lúa này nông dân lại phải tốn rất nhiều chi phí như công bơm tưới (do trời không có mưa), phân bón, thuốc BVTV đều tăng do phải sử dụng nhiều hơn so với mức bình thường nên lợi nhuận không đáng kể, thậm chí là thua lỗ.

Theo ông Giàu thì việc xé rào gieo sạ không tuân thủ lịch thời vụ không chỉ bản thân người làm gặp khó mà cộng đồng xung quanh cũng bị ảnh hưởng lây, do nguồn sâu bệnh không bị cắt đứt hoàn toàn.

Tại Hậu Giang, nhiều nơi nông dân cũng tranh thủ thu hoạch lúa ĐX là làm đất gieo sạ ngay, mặc dù diện tích lúa ĐX toàn tỉnh vẫn còn gần 50% chưa thu hoạch xong. Trước tình hình này, Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang đã khuyến cáo nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, không nên vội vàng gieo sạ. Theo đó, lịch xuống giống né rầy cho vụ lúa HT của tỉnh như sau: Đợt 1 từ 15-22/4 và đợt 2 từ 13-20/5. Ngay sau khi thu hoạch, cần tranh thủ thời gian làm vệ sinh đồng ruộng và tổ chức phát động diệt chuột. Nên sạ thưa hoặc sạ hàng (lượng giống 120/ha) và cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện dịch hại. Riêng đối với những nơi nông dân đã xuống giống trước lịch thời vụ thì cần kiểm tra quản lý rầy nâu chặt chẽ, tránh để rầy di trú qua các trà lúa gieo sạ đúng lịch.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Hà Nội bắt chó thả rông, kiên quyết xử lý theo quy định

Tình trạng thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng không có rọ mõm, dây xích, không có người dắt vẫn đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm