| Hotline: 0983.970.780

Giải mã công ty đường "bất bại"

Thứ Hai 15/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Mặc dù mang tên là Cty CP Đường Quảng Ngãi, nhưng trong hoạt động của đơn vị này không chỉ có mía đường. 

Ngay từ rất sớm, Cty CP Đường Quảng Ngãi đã SX nhiều sản phẩm khác lấy nguyên liệu từ đường, để vừa làm giảm áp lực khâu tiêu thụ sản phẩm chính, vừa kiếm thêm lợi nhuận.

Sự năng động này đã cho “quả ngọt”, một trong số những sản phẩm làm thêm của Cty CP Đường Quảng Ngãi đã thành công rực rỡ, đó là sữa đậu nành mang thương hiệu Vinasoy.

Thu 3.100 tỷ từ... sản phẩm làm thêm

Cty CP Đường Quảng Ngãi từ lâu đã là “ông lớn” trong ngành mía đường ở khu vực miền Trung. Bất chấp sự lên xuống của ngành mía đường, trong suốt mấy chục năm qua, Cty Đường Quảng Ngãi chưa bao giờ biết đến chuyện làm ăn thua lỗ.

Như 1 chiến binh không say sưa với chiến thắng, Cty CP Đường Quảng Ngãi tỉnh táo nhận ra 1 điều: Muốn phát triển bền vững, không thể “muôn năm” 1 sản phẩm, mà phải đa dạng hóa. Như xây nhà phải có cửa thoát hiểm, để nhỡ xảy ra sự cố, không thể tháo thân bằng cửa chính thì cũng còn cửa phụ.

Tâm niệm đó, năm 1993, Cty Đường Quảng Ngãi xây dựng Nhà máy bia Dung Quất. Từ khi những mẻ bia xuất xưởng, nguồn vốn mua mía phục vụ SX cho nhà máy đường được giảm áp lực. Bởi, nếu gặp lúc đường ế, tiêu thụ chậm, đã có lượng tiền mặt từ bán bia bổ sung vào. Sang năm 1994, Cty xây dựng thêm nhà máy bánh kẹo BiscaFun, nhà máy nước khoáng Thạch Bích.

Tiếp đến năm 1997, đơn vị này lại có thêm sản phẩm mới, đó là sữa động vật tiệt trùng. “Thời gian đầu, dù chưa mang lại hiệu quả cao, nhưng sự có mặt của những nhà máy SX các sản phẩm lấy nguyên liệu từ đường đã tiêu thụ được khoảng 20.000 tấn đường/năm, coi như có thêm thị trường tiêu thụ nội bộ, nhiều khi cũng giảm được áp lực tiêu thụ ở những thời điểm đường ế. Ngoài ra, nguồn thu từ các sản phẩm trên còn hỗ trợ đắc lực vào nguồn vốn lưu động mua mía”, ông Võ Thành Đàng, TGĐ Cty CP Đường Quảng Ngãi, bộc bạch.

Ngoài sản phẩm chính là đường vẫn luôn giữ được sự ổn định, đến năm 2002, 1 trong những sản phẩm làm thêm của Cty CP Đường Quảng Ngãi đã tạo ra bước ngoặt, đó là khi nhà máy sữa chuyển SX từ sữa động vật tiệt trùng sang làm sữa đậu nành.

Trong chương trình hỗ trợ sữa học đường nhằm nâng cao dinh dưỡng cho học sinh VN tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhờ có thiết bị hiện đại nên Cty CP Đường Quảng Ngãi nhận được đơn đặt hàng SX sữa đậu nành.

Chương trình kết thúc, nhưng Cty CP Đường Quảng Ngãi thừa thắng xông lên, tiếp tục SX sữa đậu nành thay cho sữa động vật, và chất lượng của nó đã thu phục được lòng tin của người tiêu dùng, giúp Cty này nhanh chóng xây dựng thành công thương hiệu Vinasoy (sữa đậu nành Việt Nam).

Sự phát triển của Vinasoy nhanh đến chóng mặt, ông Võ Thành Đàng cho biết, nếu như năm 2002 công suất của nhà máy chỉ có 1,4 triệu lít/năm, doanh thu 20 tỷ thì năm 2014 công suất của nhà máy đã tăng đến 303 triệu lít/năm, doanh thu đạt 3.100 tỷ.

Hiện nay, Vinasoy dẫn đầu về tạo thu nhập trong 14 đơn vị thành viên của Cty CP Đường Quảng Ngãi với lợi nhuận chiếm tỷ trọng hơn 50% lợi nhuận hằng năm của toàn công ty.

“Trong năm 2014, dự kiến lợi nhuận trước thuế của Cty đạt khoảng 900 tỷ đồng, trong đó, đã có hơn 500 tỷ là số lợi nhuận của Vinasoy”, ông Đàng nói.

Hiện nay, Vinasoy của Cty CP Đường Quảng Ngãi đã xây dựng được 2 nhà máy, 1 tại Quảng Ngãi có công suất 150 triệu lít/năm và 1 tại Bắc Ninh có công suất 180 triệu lít/năm. Thị phần của Vinasoy đang chiếm lĩnh 85% thị trường cả nước.

Kiến tạo “thế giới riêng” về đậu nành

Trong hơn 15 năm hoạt động, với tinh thần cầu tiến, Vinasoy cũng không hề tự mãn bởi những thành tựu đạt được. Bên cạnh không ngừng đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, Vinasoy còn dốc sức nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp cải thiện năng suất và chất lượng của đậu nành Việt Nam. Đồng thời tiếp cận những ứng dụng công nghệ mới bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có ngành nông nghiệp đậu nành tiên tiến nhất.

09-59-25-1105524506
SX thùng đóng sản phẩm Vinasoy

“Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nên rất phù hợp với trồng đậu nành. Khi đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chúng tôi sẽ nghĩ đến SX những sản phẩm sau sữa đậu nành như dầu đậu nành, bánh lương khô…”, ông Đàng tự tin nói về tương lai mới của Vinasoy.

Cuối năm 2013, Vinasoy chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng đậu nành Vinasoy (gọi tắt là VSAC). Mục tiêu hướng tới của trung tâm này là đầu tư chuyên sâu, nghiên cứu về hạt đậu nành phục vụ cho việc phát triển kinh doanh bền vững.

“Lâu nay, nguồn nguyên liệu của Vinasoy được mua chủ yếu từ các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và nhập từ Mỹ. Nguồn nguyên liệu đậu nành nhập ngoại tuy đáng tin cậy, nhưng từ khi thu hoạch đến khi về đến nhà máy phải mất 6 tháng, thời gian đã làm giảm chất lượng, không tươi bằng đậu nành mua trong nước đưa vào SX ngay. Do đó chúng tôi phải nghĩ đến việc xây dựng vùng nguyên liệu trong nước”, ông Võ Thành Đàng nói.

Nhằm tạo ra sự đột phá trong công tác nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học trên thế giới về đậu nành, VSAC liên kết với các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu thế giới với các chuyên gia uy tín.

Hai đối tác đang hợp tác với VSAC là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (National Center for Soybean Biotechnology - NCSB) và Trung tâm Nghiên cứu đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois (National Soybean Research Laboratory - NSRL).

Thông qua sự hợp tác này, VSAC sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để thực hiện lai tạo các giống đậu nành không biến đổi gen, cho năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành và phương thức SX phù hợp với điều kiện cơ giới hóa.

“Việc hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới có kinh nghiệm từng thực hiện thành công nhiều chương trình bổ sung dinh dưỡng protein đậu nành cho tại hơn 21 quốc gia trên thế giới, chúng tôi sẽ thực hiện các nghiên cứu ứng dụng về dinh dưỡng đậu nành, nâng cao giá trị các sản phẩm từ đậu nành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị hiếu”, ông Ngô Đình Tụ, GĐ Điều hành Vinasoy, tâm sự.

Chia sẻ thêm về mục tiêu thành lập VSAC, TGĐ Cty CP Đường Quảng Ngãi, ông Võ Thành Đàng, nói: “Trong những năm qua, Vinasoy ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước do chất lượng dinh dưỡng, vị thơm ngon và đảm bảo sự tươi mới cho sản phẩm.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay không đáp ứng đủ cho SX của Vinasoy, do vậy, trong thời gian tới VSAC sẽ tập trung xây dựng mô hình trồng đậu nành tiên tiến, nhằm cải thiện cả về chất lượng lẫn năng suất. Đó là tâm nguyện của đơn vị đang dẫn đầu thị trường về sản phẩm đậu nành như chúng tôi”.

Theo ông Đàng, VSAC sẽ từng bước khảo sát, đánh giá thực tế các vùng trồng đậu nành, địa phương được tổ chức SX thử là tỉnh Đăk Nông; phục tráng và cải tạo giống đậu nành hiện có; lai tạo và chọn giống từ các dòng đậu nành thiên nhiên; áp dụng công nghệ di truyền phân tử để tạo các giống năng suất cao, phẩm chất tốt. Để tạo ra sự đột phá, VSAC sẽ cải thiện biện pháp canh tác đồng bộ từ việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đến cơ giới hóa trong SX.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm