| Hotline: 0983.970.780

GS Cù Trọng Xoay "đổi món"

Thứ Hai 03/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đinh Tiến Dũng chia sẻ về quan điểm làm hài: “Tôi không thích kiểu làm hài mà “lôi” những từ bậy bạ ra để khai thác, gây cười, đó là hài nhạt. Tôi cũng tránh cái hài ác..."

Dù bạn có viết hàng trăm kịch bản tiểu phẩm hài cũng không ai gọi là nhà biên kịch, cho đến khi viết một kịch bản chính kịch. Tuy nhiên, Đinh Tiến Dũng - Cù Trọng Xoay cũng không lo lắng sẽ “đổi nghề” chuyển sang viết chính kịch.

Đang chuẩn bị cho một dự án mới, một nhà hát truyền hình về hài kịch mang tên “Xóm hóng”, giữa thời nhan nhản các chương trình truyền hình thực tế, nhan nhản chương trình hài kịch, Đinh Tiến Dũng chia sẻ về quan điểm làm hài: “Tôi không thích kiểu làm hài mà “lôi” những từ bậy bạ ra để khai thác, gây cười, đó là hài nhạt. Tôi cũng tránh cái hài ác. Ác ở đây là ở chỗ vì muốn đem đến tiếng cười cho nhiều người thì chúng ta đã dùng những từ quá cay nghiệt cho một nhóm nào đó, hay lôi những việc đau khổ của ai đó ra để nói”.

Giữa thời đang nở rộ các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình hài, liệu "Xóm hóng" có gì thu hút hơn?

“Xóm hóng” sẽ là sân chơi mới cho sân khấu hài kịch miền Bắc với sự hiện diện của các nhân vật ông Hóng, bà Hớt, người buôn chuyện… với nhiều nghệ sĩ hài tên tuổi và các nhân vật nổi tiếng trong vai trò khách mời (“bác sĩ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm, GS Ngô Bảo Châu…) hay bất cứ người nổi tiếng nào để bàn về một vấn đề trong cuộc sống trước khi bắt đầu câu chuyện hài.

Mỗi chương trình dài hai tiếng, sẽ phát sóng trực tiếp 1 tiếng trên truyền hình, 5 người và 5 ngôi nhà, trong mỗi cửa sổ sẽ có nhiều người khác nữa. Đội ngũ buôn chuyện sẽ đông đảo, họ nói về những tin hót, nổi cộm với các khách mời.

Dự kiến sẽ kéo dài 52 số, mỗi số 1 tuần. Mỗi số sẽ là chủ đề như ghen, yêu... toàn bộ chương trình là một chủ đề chứ không phải các vấn đề rời rạc. Một chủ đề cũng có thể diễn đi, lại nhiều lần song nó sẽ được khai thác dưới các góc nhìn khác nhau, quanh 2 mảng gia đình - xã hội...

Từ trước đến nay khi sân khấu hài nở rộ thì cũng có nhiều lo lắng. Chúng ta nhân danh tiếng cười, tấn công vào các vấn đề thói hư tật xấu, nhưng đôi lúc chỉ lôi vấn đề ra để cười chứ không đưa ra hướng giải quyết. Vì thế chúng tôi muốn trong chương trình có hướng giải quyết với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Với mong muốn sau tiếng cười là giải pháp cho mỗi sự việc, anh có cách dựng kịch bản như thế nào?

Tại sao giờ chúng ta thích cười đến vậy? Có thể vì cuộc sống đã quá căng thẳng và chúng ta muốn cái gì thoải mái hơn. Khó đánh giá sản phẩm hài hay hay dở vì nó phụ thuộc vào quan điểm của người xem, của vùng miền.

Nếu khán giả phía Nam coi chương trình hài như một cốc nước giải khát, khà một cái như cơn khát là xong thì khán giả phía Bắc lại nhâm nhi nó như một chén trà, uống rồi nhưng phải chép miệng vài cái mới thấy vị ngọt.

Cái mà người làm hài cần là phải làm ra sản phẩm sạch sẽ. Tôi không lôi những từ bậy bạ bẩn thỉu ra để khai thác vì dù sao đó cũng là sản phẩm văn hóa. Tránh cái hài ác và nhạt.

Ác ở đây là ở chỗ vì muốn đem đến tiếng cười cho nhiều người thì chúng ta đã dùng những từ quá cay nghiệt cho một nhóm nào đó, hay lôi những việc đau khổ của ai đó ra để nói...

Ví dụ như những tệ nạn trong y tế chẳng hạn. Chúng ta chưa đủ khéo léo mà cứ đưa những vấn đề đó ra và cứ nghĩ rằng mang tiếng cười để bài trừ cái xấu nhưng thực ra lại nhắc đến nỗi đau của những nạn nhân thì không được. Chúng tôi hướng đến vở kịch lành mạnh cả về ngôn từ và tư tưởng. Chương trình lành mạnh cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.

Bản thân tôi có lúc viết xong kịch bản rồi cũng không chấp nhận được khi đọc lại. Khi gửi kịch bản cho các đạo diễn thì họ cũng dành lời hoa mỹ rằng tại sao lại viết ra sản phẩm như vậy. Các biên kịch cứ ngồi trong phòng kín tự viết kịch bản rồi tự cười thì dễ xảy ra tình trạng mình cười nhưng khán giả không.

Do đó chúng tôi làm việc theo ê - kíp, theo nhóm. Chúng tôi giúp nhau phản biện. Chúng tôi không muốn khán giả kiễng chân để với tới cảm xúc. Không muốn đẩy khán giả tới chỗ chưa xúc động lắm, phải cố xúc động, chưa buồn cười lắm vẫn phải cười.

Đinh Tiến Dũng cũng viết hàng trăm kịch bản hài kịch, nhưng chưa có kịch bản chính kịch nào. Anh có buồn khi không được gọi là “nhà biên kịch”?

Đấy không phải là hình ảnh tôi muốn xây dựng. Tự nhận mình là biên kịch hay kịch tác gia thì tôi thấy mình cũng đang hơi kiễng chân, không tới. Với tôi, viết hài kịch đơn giản là một công việc. Người ta cần người như tôi để biên tập lại những kịch bản cũ và viết những kịch bản mới để cho sân khấu lúc nào cũng sáng đèn.

Đó là điều tôi nghĩ là mình đã hoàn thành. Còn biết đâu, đến một ngày nào đấy tôi có thể viết được một tác phẩm nào đấy mà khiến người ta cảm thấy có thể gọi tôi là nhà biên kịch hay gì đó. Nhưng tôi không quá lo lắng vấn đề đấy!

Xin cám ơn anh!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất