| Hotline: 0983.970.780

"Hãy giao khoán cho chúng tôi!"

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:35 (GMT+7)

Bà Trâm khẳng định: Nếu được Nhà nước dành kinh phí “đặt hàng” hay giao khoán, việc SX hạt giống lúa lai F1 chất lượng cao hơn cả lúa thuần là điều không khó!

Trao đổi với NNVN về vai trò của lúa lai trong tương lai, PGS. TS Nguyễn Thị Trâm (Viện Nghiên cứu lúa, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), người rất dày công gắn bó với SX lúa lai của VN khẳng định, nếu được Nhà nước dành kinh phí “đặt hàng” hay giao khoán, việc SX hạt giống lúa lai F1 chất lượng cao hơn cả lúa thuần là điều không khó! 

Các giống lúa thuần có ưu thế về chất lượng ngày càng "soán ngôi" lúa lai. Nhiều ý kiến cho rằng lúa lai đã “hết thời”, bà nghĩ sao về nhận định này?  

Đúng là nhiều dòng lúa thuần có chất lượng tốt, năng suất khá cao như Bắc thơm 7, Hương thơm, BC 15, hay gần đây nhất là lúa thơm RVT… nổi lên và khẳng định vị thế cạnh tranh của lúa thuần. Tôi cho sự trỗi dậy của các giống lúa thuần là tín hiệu đáng mừng cho ngành SX giống.  

Bởi như thế, những nhà làm giống lúa lai như chúng tôi cũng buộc phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện làm tăng năng suất và chất lượng hơn nữa thì mới cạnh tranh được lúa thuần. Điều này tựu chung lại thì đều làm cho ngành SX giống tốt hơn lên mà thôi.

Tuy nhiên, ưu thế về khả năng chống chịu, năng suất của lúa lai so với lúa thuần luôn là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu ngày càng thất thường và việc thâm canh lúa ở nhiều địa phương ngày càng bị sao nhãng. Vì thế, tôi nghĩ dù thế nào đi nữa, lúa lai sẽ vẫn có chỗ đứng quan trọng.


TS Trâm tin rằng, nghiên cứu ra giống lúa lai có chất lượng cao hơn cả lúa thuần chỉ là vấn đề thời gian

Nhưng thực tế cho thấy cả diện tích SX hạt lai F1 lẫn thương phẩm đều có dấu hiệu giảm sút? Phải chăng đây là biểu hiện “thụt lùi” của SX lúa lai?  

Tôi cho rằng SX lúa lai F1 suốt chặng đường 20 năm qua ở VN dù trải qua những chặng gập ghềnh, nhưng cơ bản đã tạo được bước tiến mạnh mẽ. Lật lại "lịch sử" từ những năm 1993, chúng ta từ chỗ “trắng” về SX lúa lai, đã tự SX được hạt lai F1 trong nước thông qua việc NK dòng bố mẹ từ Trung Quốc. Tới những năm 2004-2005, việc phải NK dòng bố mẹ từ TQ về SX lúa lai đã bộc lộ những hạn chế lớn, và SX hạt lai F1 bước vào giai đoạn thoái trào do không thể cạnh tranh được với lúa lai TQ.  

Trong hoàn cảnh đó, sự ra đời các dòng “lúa lai nội” như Việt lai, TH… có nguồn gốc bố mẹ được chọn tạo trong nước đã từng bước giúp cho việc SX hạt lai F1 của chúng ta từng bước được tự chủ và thực chất hơn. Sau những thất bại nặng nề trong việc SX hạt lai F1 tại Quảng Nam, Đắk Lắk do thời tiết bất lợi trong năm 2010, nhiều bài học kinh nghiệm trong SX hạt lai F1 cũng đã được các nhà nghiên cứu rút ra, trong đó có việc đưa giống lai F1 hai dòng từng bước ra SX vụ mùa ở miền Bắc.  

Đến nay, chúng ta đã cơ bản hình thành được các vùng SX lúa lai F1 tại các vùng như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, một số địa phương ở Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc. Cùng với việc thị trường chuyển nhượng giống ngày càng sôi động, có thể khẳng định, SX hạt lai F1 đến nay vẫn đang tiến triển tốt, diện tích theo tôi là vẫn giữ được chứ không giảm, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của SX lúa thương phẩm. 

Bà khẳng định lúa lai F1 SX trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu SX thương phẩm. Nhưng thị phần các giống “lúa lai ngoại”, mà đa số là của TQ hiện vẫn chiếm tới 70%? 

Tôi nghĩ điều này một phần do giống lúa lai nội vẫn đang chịu cảnh thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh thiếu bình đẳng so với giống ngoại, mà cơ bản nhất vẫn là xuất phát từ chính sách trợ giá giống lúa lai ở nhiều địa phương khiến thị trường méo mó.

Phải khẳng định rất nhiều giống nội, kể cả 3 dòng và 2 dòng có năng suất, chất lượng và ưu điểm khác không thua kém giống ngoại. Năng suất hạt lai F1 đã đạt mức 2,5 tấn/ha, thậm chí 3,5 tấn/ha. 

Hơn nữa giá giống lúa lai nội luôn rẻ hơn rất nhiều. Thế nhưng nhiều tỉnh có chính sách trợ giá, lại lựa chọn giống ngoại.  

Có thể vì lí do "tế nhị" nào đó mà nhà cung ứng giống TQ hét giá bao nhiêu cũng được cho vào “cơ cấu”. Trong khi đó, giống nội SX giá thành như thế nào thì ai cũng rõ. Và rõ ràng, các nhà SX giống hiện nay ai cũng biết, để đưa giống nội lọt được vào cơ cấu của các tỉnh là điều vô cùng khó. 

Thị trường ngày càng chuộng lúa chất lượng cao, trong khi nhược điểm cố hữu của lúa lai luôn là chất lượng kém. Là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu giống lúa, xin bà cho biết liệu có cơ hội nào cho lúa lai trong cuộc cạnh tranh chất lượng với lúa thuần? 

Rất nhiều nước, như Ấn Độ đã SX được các giống lúa lai có chất lượng vượt trội hơn cả lúa thuần. Vì vậy, tôi nghĩ để SX được lúa lai có chất lượng thậm chí cao hơn cả lúa thuần chỉ là vấn đề thời gian, chứ không phải điều gì quá khó. Chúng tôi cũng đang triển khai chọn tạo các dòng lúa lai theo hướng hạ tỉ lệ amiloza, tăng tỉ lệ protein và đưa tính thơm vào nhằm tạo ra các giống lúa lai mới có chất lượng.

Xin cảm ơn bà!

“Viện Nghiên cứu lúa chúng tôi hiện có khoảng 20 cán bộ, trong đó có rất nhiều chuyên gia có trình độ cao nhưng kinh phí hoạt động rất eo hẹp. Thỉnh thoảng, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng có hợp tác với chúng tôi làm đề tài nghiên cứu, nhưng chủ yếu cũng chỉ có vài đề tài nhánh, kinh phí hết sức ít ỏi, mà lại còn phải trích 60% trả lại cho nhà nước. Đơn cử như mấy đề tài về giống TH3-3; TH3-4 chỉ được cấp 400 triệu đồng, nhưng cũng phải trả lại cho nhà nước 60%. Hay gần đây nhất là đề tài về giống CT-16, hiện giống đã ra khá hoàn thiện nhưng tới nay vẫn chưa cấp tiền…

Dù khó khăn thế nhưng mấy năm qua, bên cạnh việc nghiên cứu chuyển giao các giống cho DN để có kinh phí tự sống, chúng tôi cũng đã tự nghiên cứu chọn tạo và tích lũy được rất nhiều dòng mẹ có nguồn gốc trong nước với tập hợp rất nhiều tính trạng tốt. Nếu được nhà nước bố trí kinh phí “đặt hàng” hay giao khoán cho Viện, thì dù chưa dám nói tới việc SX ra các giống lúa lai siêu cao sản, siêu chất lượng, nhưng để SX được các giống lúa lai đủ sức cạnh tranh với “giống ngoại” là điều hoàn toàn có thể”. 

(Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tại “Hội nghị tổng kết phát triển lúa lai giai đoạn 2001 – 2012” diễn ra ngày 18/9/2012 tại Nam Định)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm