| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp ứng phó với virus cúm A/H7N9

Thứ Sáu 14/02/2014 , 10:20 (GMT+7)

Trước diễn biến hết sức phức tạp của virus cúm A/H7N9 gây tử vong nguy hiểm trên người tại nước láng giềng Trung Quốc (TQ), hôm qua (13/2), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp cùng các Bộ, ngành lập kế hoạch ứng phó.

* Cấm hoàn toàn việc vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc qua biên giới

* Sẽ định kỳ cấm chợ gia cầm

Trước diễn biến hết sức phức tạp của virus cúm A/H7N9 gây tử vong nguy hiểm trên người tại nước láng giềng Trung Quốc (TQ), hôm qua (13/2), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp cùng các Bộ, ngành lập kế hoạch ứng phó.

Nguy cơ rình rập

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày hôm qua (13/2), tại TQ đã có tổng cộng 337 ca nhiễm cúm A/H7N9 (virus H7N9), khiến 66 người tử vong. Tính chung cả lãnh thổ Đài Loan và Hồng Kông, hiện đã có tổng cộng 73 ca tử vong vì virus H7N9. Ngoài ra tại Malaysia cũng vừa xác định một ca nhiễm cúm A/H7N9.

Đặc biệt nguy hiểm khi tại tỉnh Quảng Tây (TQ) – địa bàn tiếp giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta đã có 3 ca nhiễm virus H7N9 trên người cũng như phát hiện một lượng lớn gia cầm nhiễm virus H7N9. Trong khi đó theo Cục Thú y, các điều tra về tình hình vận chuyển gia cầm tại Trung Quốc cho thấy, đang có tình trạng vận chuyển gà loại thải từ các vùng phía Bắc nước này xuống các tỉnh phía Nam như Quảng Tây, Vân Nam giáp với biên giới nước ta để tiêu thụ. Trong đó, nhiều luồng vận chuyển gia cầm này đi qua các vùng đã phát hiện dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm lẫn ở người tại tỉnh Quảng Tây.

Mặc dù đến nay, Việt Nam (VN) vẫn chưa phát hiện sự có mặt của virus H7N9, tuy nhiên trong lúc hoạt động nhập lậu gia cầm từ TQ về Việt Nam vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát, thì đây là nguy cơ vô cùng nguy hiểm để virus H7N9 xâm nhập vào nước ta. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cũng đã công bố nhận định, VN (cùng với Lào và Myanmar) hiện là 3 nước có nguy cơ lây nhiễm virus H7N9 cao nhất từ TQ.


Nguy cơ xuất hiện virus H7N9 từ các chợ gia cầm ven biên giới rất nguy hiểm

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại: Thông tin cho thấy tại TQ thời điểm này, gần như ngày nào cũng phát hiện ca nhiễm virus H7N9 mới. Đặc biệt lo ngại khi tỉ lệ người nhiễm bị tử vong rất cao, trung bình cứ 4 người nhiễm virus H7N9 thì có 1 ca tử vong.

“Ngoài khả năng lây và gây chết người giống virus cúm A/H5N1, đối phó với virus H7N9 sẽ vô cùng vất vả, bởi virus H7N9 mặc dù đã được xác định có nguồn gốc từ gia cầm, nhưng lại không gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm. Vì vậy muốn phát hiện ra virus này, chỉ còn cách xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên thông qua việc giám sát”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng.

Sẽ đóng cửa chợ gia cầm định kỳ

Trước diễn biến dịch cúm H7N9 đe dọa nghiêm trọng nước ta, tại cuộc họp hôm qua, Bộ NN-PTNT đã hoàn tất Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm (CGC)  nguy hiểm có khả năng lây sang người, xin ý kiến các Bộ ngành, chuyên gia và tổ chức quốc tế.

Theo đó, kế hoạch đối phó với virus H7N9 nói riêng cũng như các virus CGC lây sang người nói chung đã được vạch ra với 4 tình huống cụ thể: Một là tình huống VN chưa phát hiện virus H7N9 trên môi trường, trên gia cầm và trên người; hai là tình huống chưa phát hiện virus H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng đã có người mắc bệnh; ba là tình huống đã phát hiện virus H7N9 trên môi trường hoặc gia cầm nhưng chưa có người mắc bệnh và cuối cùng là trường hợp đã phát hiện virus H7N9 trên môi trường và gia cầm và đã có người mắc bệnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, trước mắt, do VN vẫn chưa phát hiện sự có mặt của virus H7N9 nên cần tập trung toàn lực cho công tác đối phó đối với tình huống 1. Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá tình hình và nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào nước ta hiện là vô cùng cấp bách.


VN đang căng sức đề phòng với virus cúm A/H7N9 đang rình rập bên kia biên giới TQ

Vì vậy muộn nhất trong ngày hôm nay (14/2), BCĐ Quốc gia phòng chống dịch CGC sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay Kế hoạch ứng phó, đồng thời sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh và các Bộ, ngành căn cứ vào kế hoạch chung này để triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa virus H7N9.

Trước mắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ kiên quyết ban hành lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động buôn bán, vận chuyển đối với gia cầm và tất cả sản phẩm gia cầm sống qua biên giới (kể cả trường hợp vận chuyển hợp pháp, cho, tặng...) qua biên giới với TQ.

Đồng thời sớm tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở và các phương tiện qua lại biên giới TQ; không cho buôn bán, tập kết giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở...

Ở trong nước, Cục Thú y cho biết hiện đã cử 9 đoàn công tác tới 9 tỉnh có nguy cơ cao liên tục giám sát lấy mẫu tại các chợ để phân tích nhằm phát hiện virus H7N9. Trước mắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu bên cạnh việc tiếp tục triển khai lấy mẫu gia cầm tại các chợ để xét nghiệm nhằm phát hiện sự có mặt của virus H7N9, sẽ định kỳ đóng cửa các chợ buôn bán gia cầm sống để tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, đồng thời thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngay sau mỗi buổi chợ cùng tất cả các phương tiện vận chuyển gia cầm.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện lưu giữ thông tin các lô hàng để truy xuất nguồn gốc gia cầm, kết hợp với bắt buộc người mua bán, vận chuyển gia cầm phải sử dụng dụng cụ bảo hộ như găng tay, khẩu trang... khi tiếp xúc với gia cầm.

Đối với các chợ bán và giết mổ gia cầm, sẽ yêu cầu tách riêng khu vực bán và giết mổ... Cụ thể theo tình huống 1 của Kế hoạch ứng phó, trước mắt sẽ yêu cầu các chợ ít nhất đóng cửa chợ (nghỉ chợ) một lần/tháng, đồng thời khuyến khích các thương lái lưu giữ hồ sơ xuất xứ hàng hóa, khuyến khích người buôn bán tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ, đồng thời thực hiện tiêu độc, vệ sinh khử trùng tất cả các chợ gia cầm sau mỗi buổi chợ...

Sở dĩ các hành động ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập vào VN sẽ được tập trung trong điểm trước hết vào các chợ gia cầm, bởi qua giám sát tại TQ cho thấy, tỉ lệ các mẫu dương tính với virus H7N9 tại các chợ của nước này rất cao, đặc biệt là đối với gà, với tỉ lệ mẫu nhiễm có nơi tới 10%.

Ngoài ra, tại các chợ gia cầm tại TQ cũng đã phát hiện virus H7N9 trên vịt và chim bồ câu. Trước tình hình này, TQ hiện đã ban hành lệnh cấm chợ hoàn toàn hoặc định kỳ đối với hàng loạt chợ gia cầm.

Theo công bố của Tổ chức FAO tại cuộc họp hôm qua, TQ đã phải chi tới khoảng 26 tỉ USD cho công tác phòng chống cúm A/H7N9.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Du khách bị đuối nước ở điểm du lịch tự phát

Quảng Bình Cơ quan chức năng ở Quảng Bình đang xem xét vụ du khách đuối nước ở khu du lịch tự phát…

Bình luận mới nhất