| Hotline: 0983.970.780

Khi cả nhà máy lẫn người trồng mía kêu thua lỗ!

Thứ Ba 11/03/2014 , 11:08 (GMT+7)

Hiện tại cả nước đang tồn đọng 520.000 tấn đường lưu kho. Trong khi đó bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn đường giá rẻ từ Thái Lan nhập lậu.

+ Ai được lợi?

+ Giải pháp cho người trồng mía

Niên vụ mía 2013 – 2014 toàn tỉnh Nghệ An trồng được gần 28.000 ha mía ở 3 vùng nguyên liệu cho 3 nhà máy đường Sông Lam, Sông Con, Tate & Lyle hoạt động.

Cho đến thời điểm này cả 3 nhà máy mới thu mua cho nông dân gần 20.000 ha mía tương đương 70% tổng diện tích mía cả niên vụ. Trong đó vùng mía nguyên liệu thuộc nhà máy đường Tate&Lyle có diện tích gần 18.000 ha bao gồm các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn thì việc thu mua mía năm nay của nhà máy đường Tate&Lyle quá chậm, diện tích mía trên đồng ruộng đang còn trên 30%. Toàn bộ diện tích mía còn lại ở các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đã trổ cờ, thậm chí có nơi như Quỳ Hợp diện tích mía trổ cờ đã lâu, cây mía bắt đầu khô héo và chết dần.

Hiện tại cả nước đang tồn đọng 520.000 tấn đường lưu kho. Trong khi đó bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn đường từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường trong nước được nhập lậu qua đường biên giới nước ta vô tội vạ đã khiến giá đường hiện nay ở các nhà máy chỉ bán được với giá 12.300 - 12.500 đồng/kg.

Qua khảo sát thực tế của chúng tôi tại một số xã có diện tích trồng mía từ 100 ha trở lên như: Nghĩa Khánh, Nghĩa Hưng, Nghĩa An, Nghĩa Bình… huyện Nghĩa Đàn; Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Văn Lợi, Châu Đình, Yên Hợp… huyện Quỳ Hợp; Nghĩa Phúc, Nghĩa Thái, Tân Long, Tân Nam, Tân An, Tân Phú… huyện Tân Kỳ; Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Hội Sơn… huyện Anh Sơn, cho thấy: Niên vụ mía 2013 – 2014 năng suất mía đạt bình quân 55 tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư để sản xuất 1 ha mía từ làm đất, trồng, tiền mua giống, tiền mua phân, công chăm sóc, thu hoạch, cước phí vận chuyển từ ruộng mía đến nhà máy… hết tất cả 30.600.000 đồng.

Trong khi đó, giá thu mua mía bình quân của các nhà máy 800.000 đồng/tấn. Như vậy doanh thu bình quân 1 ha mía của bà con nông dân đạt 44.000.000 đồng. Trừ chi phí còn được lãi 13.400.000 đồng/ha thì rõ ràng trồng mía không có hiệu quả bằng các loại cây trồng khác là hoàn toàn đúng như bà con nông dân phản ánh.

Còn về phía nhà máy đường, theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Con thì chi phí tất cả các khoản để sản xuất ra 1 kg đường (kể cả khấu hao) hết gần 12.300 đồng. Trong khi đó phải bán đường cho khách hàng lớn với giá bán buôn 12.200/kg. Biết là thua lỗ nhưng cũng phải bán và tạm thời vụ ép năm nay nhà máy không đưa chi phí khấu hao vào giá thành để có tiền trả lương và các chi phí khác.

Đối với nhà máy chế biến đường cần nghiên cứu và xem xét nên chăng hình thành một hệ thống hay mạng lưới tiêu thụ sản phẩm đường đến tận các xã, các thị tam, thị tứ, các siêu thị, nhà hàng… dưới dạng đại lý có cơ chế được hưởng bao nhiêu % giá trị bán ra 1 kg đường với giá bằng hoặc thấp hơn chút ít giá thị trường tại thời điểm.
Thực hiện được như vậy thì nhà máy chế biến đường sẽ có lãi và sản phẩm làm ra phục vụ tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Thực tế giá đường kính trắng trên thị trường mà người tiêu dùng đang phải mua với giá phổ biến là 16.000 đồng/kg. Như vậy chênh lệch giá mỗi kg đường từ giá nhà máy bán ra đến tay người tiêu dùng là 3.800 đồng. Khoản tiền thu được 3.800 đ/kg đường hoàn toàn rơi vào tay các tư thương.

Trong khi đó người nông dân trồng mía suốt cả một năm trời ròng rã chỉ thu lãi 13.400.000 đồng/ha và nhà máy vụ ép năm nay gần như thua lỗ do giá đường xuống quá thấp. Để cả người trồng mía và nhà máy chế biến đường cùng tồn tại, cùng phát triển và cùng hưởng lợi thích đáng, chúng tôi xin được đề xuất mấy ý kiến sau đây:

Đối với người trồng mía: Phải biết rằng giá thu mua mía của các nhà máy đường hiện nay như thế là cao lắm rồi so với giá thu mua mía của các nhà máy đường ở Thái Lan, Lào. Giá thu mua mía ở nước ta cao mà nông dân vẫn có lãi rất ít chính là do năng suất mía của ta quá thấp, chỉ đạt bình quân trên dưới 55 tấn/ha. Trong khi đó năng suất mía ở Thái Lan, Lào đạt bình quân 130 – 140 tấn/ha. Năng suất mía thấp, giá thu mua mía cao như hiện nay người trồng mía vẫn có lãi nhưng không đáng kể và nhà máy chế biến thì không thể có lãi thậm chí thua lỗ.

Vì vậy biện pháp tốt nhất, bền vững nhất là nhanh chóng chuyển diện tích trồng mía từ vùng khô hạn không có nguồn nước tưới sang trồng ở vùng đất trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả. Cách làm này đã được áp dụng ở Cty Nông nghiệp Sông Con và một số xã ở huyện Tân Kỳ trong 3 năm nay.

Theo ông Thái Bá Ất, Giám đốc Cty Nông nghiệp Sông Con, 3 năm qua Cty đã chuyển đổi trên 300 ha đất trồng mía khô hạn, năng suất mía hàng năm chỉ đạt từ 54 – 56 tấn/ha, lãi không đáng kể. Nay diện tích mía khô hạn đó đã được trồng cao su và chuyển toàn bộ diện tích mía xuống trồng ở đất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả. Kết quả liên tục 3 năm nay năng suất mía ở Cty Nông nghiệp Sông Con đã đạt bình quân 120 tấn/ha. Với giá thu mua như hiện nay người trồng mía thu lãi được 55.000.000 đồng/ha/năm.

Từ mô hình ở Cty Nông nghiệp Sông Con, năm 2013 Nhà máy đường Sông Con đã chỉ đạo được 6 xã chuyển gần 1.000 ha mía xuống trồng ở đất lúa không chủ động nước. Kết quả vụ mía năm nay ở 6 xã trên với diện tích gần 1.000 ha mía đạt năng suất từ 90 – 100 tấn/ha, tăng gấp hai lần so với mía trồng trên đất khô hạn, thu lãi ròng trên 40.000.000 đồng/ha/năm.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm