| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ đáp ứng bảo vệ môi trường

Thứ Năm 11/04/2013 , 09:44 (GMT+7)

Ngày 10/4, Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN- VAAS) đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Hôm qua (10/4), Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN- VAAS) đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc VAAS tới dự và chỉ đạo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện MTNN cho biết, 5 năm qua, Viện đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo vệ SX, cải thiện chất lượng ATVSTP và môi trường sống.

Viện đã chủ trì 17 nhiệm vụ cấp Nhà nước (gồm 6 đề tài thuộc các chương trình KH-CN, 3 đề tài nghiên cứu cơ bản, 1 đề tài thuộc quỹ NÁOTED và 7 đề tài thuộc chương trình nông thôn miền núi); 38 đề tài, dự án cấp Bộ; 14 đề tài cấp cơ sở; 15 nhiệm vụ hợp tác với địa phương và 16 nhiệm vụ hợp tác quốc tế.

Trong công tác nghiên cứu quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và cảnh báo ô nhiễm môi trường, Viện là cơ quan đầu mối của Bộ NN-PTNT tham gia mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia. Mạng lưới quan trắc của Viện gồm 1 trung tâm và 2 trạm quan trắc được đặt ở cả 3 miền. Hằng năm, tiến hành quan trắc thường xuyên chất lượng môi trường đất tại 31 tỉnh với 137 điểm quan trắc…


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Song song với đó, Viện tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường đất, nước, chất thải; xây dựng và ứng dụng các phần mềm phù hợp để cảnh báo ô nhiễm môi trường như mô hình cảnh báo tồn lưu và di chuyển dioxin tại TT-Huế, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng phục vụ công tác quản lý và xử lý ô nhiễm dioxin; mô hình xác định tải lượng ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ…

Đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Viện đã tập trung đánh giá, tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng phân giải hữu cơ cao, từ đó phát triển các chết phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường.

Viện đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ xử lý nguồn nước mặt ô nhiễm ở vùng nông thôn bằng công nghệ sinh thái”. Kết quả đã lựa chọn được 12 loài thực vật thuỷ sinh có khả năng xử lý kim loại nặng, ô nhiễm hữu cơ, có thể ứng dụng xử lý ô nhiễm nước mặt tại các kênh hồ chứa, kênh mương ở nông thôn…

Trong lĩnh vực hoá, hoá lý, Viện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xử lý ô nhiễm nước sinh hoạt bị nhiễm asen, nước thải ô nhiễm kim loại nặng; xử lý bao bì thuốc BVTV; xử lý các vùng đất bị ô nhiễm nghiêm trọng BVTV…

5 năm qua, Viện đã nỗ lực nghiên cứu các giải pháp KH-CN phục vụ SX rau an toàn, trong đó nổi bật là nghiên cứu giải pháp thúc đẩy ứng dụng VietGAP, thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại VN”, tạo lập cơ sở giúp Bộ ban hành quy trình VietGAP cho rau quả tươi...

Mặc dù còn nhiều khó khăn về tiềm lực cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, nhưng Viện MTNN đã cố gắng phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của VAAS, Bộ NN-PTNT, các Bộ, ngành có liên quan để khắc phục khó khăn, từng bước ổn định tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trong khuôn khổ thực hiện đề án phát triển cây nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2010, Viện đã đánh giá tập đoàn 78 giống cao lương ngọt, trong đó có 12 giống nhập nội tại các vùng sinh thái khác nhau, lựa chọn được 2 giống cho năng suất sinh khối và hàm lượng đường cao đến SX ethanol sinh học; được Bộ NN-PTNT công nhận là giống cây trồng mới, có khả năng thích ứng cho các vùng đất khô hạn, góp phần đa dạng hoá nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường...

Chuyển giao KH-CN trong lĩnh vực môi trường nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm ưu tiên của Viện nhằm nhanh chóng áp dụng vào SX, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Thông qua các nội dung hợp tác với các địa phương, chương trình nông thôn miền núi, Viện đã chuyển giao 11 quy trình KH-CN cho nhiều địa phương như: Quy trình SX phân bón hữu cơ sinh học bằng phế phẩm vi sinh (tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Bình Phước); quy trình ứng dụng chế phẩm men ủ vi sinh hữu ích xử lý phế phụ phẩm thành phân bón hữu cơ được áp để xử lý 10.000 tấn phụ phẩm/năm tại Hà Nội, Nghệ An, Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Phước; quy trình SX rau ăn lá sạch được chuyển giao cho hơn 1.000 hộ nông dân và 4 Cty tại Hà Nội…

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Ngay sau khi thành lập, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, Viện đã tranh thủ các nguồn kinh phí để tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Đến 31/12/2012, phòng thí nghiệm của Viện đã được trang bị 79 thiết bị chính và nhiều thiết bị hỗ trợ với tổng giá trị trên 47 tỷ đồng...

Viện MTNN được thành lập theo QĐ 1084/QĐ-BNN-TCCB ngày 10/4/2008 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Tính đến 31/12/2012, Viện có 136 cán bộ, viên chức, trong đó có 2 PGS, 10 TS, 42 thạc sỹ và 69 kỹ sư. Lực lượng chuyên môn gồm 23 cán bộ ngành khoa học môi trường, 16 cán bộ ngành khoa học đất, 43 cán bộ ngành trồng trọt, 10 cán bộ ngành CNSH, 7 cán bộ ngành kinh tế nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất