| Hotline: 0983.970.780

Không vốn hoạt động

Thứ Hai 09/09/2013 , 09:18 (GMT+7)

Thiếu vốn, xã viên không mặn mà đóng góp cổ phần đã đẩy rất nhiều Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động khó khăn. Đấy là thực trạng đang xảy ra đối với HTX các tỉnh miền Trung.

Thiếu vốn, xã viên không mặn mà đóng góp cổ phần đã đẩy rất nhiều Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động khó khăn. Đấy là thực trạng đang xảy ra đối với HTX các tỉnh miền Trung.

>> “Khai tử”!
>> HTX nông nghiệp đang ở đâu?

Mặc dù đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thế nhưng hầu hết các HTXNN đều không có vốn hoạt động. Trong khi các tổ chức tín dụng, ngân hàng đầy rẫy ra đó nhưng các HTXNN không thể tiếp cận vốn vay vì không đủ điều kiện.

MIẾNG MỒI NGON KHÔNG CÒN

Trước đây, các HTXNN ở miền Trung sống khỏe bằng hai nguồn thu kinh doanh điện (KDĐ), thủy lợi phí (TLP). Có thể nói đây là nguồn chính để duy trì sự sống còn của HTXNN.

Có mặt tại trụ sở HTXNN Tam Phước 1 (Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam), đập vào mắt chúng tôi là một dãy nhà cấp 4 dài ngoằng, những phòng ốc máy may công nghiệp hoạt động ầm ầm. Chúng tôi nghĩ, đây là một HTX ăn nên làm ra, thế nhưng khi vào trong lại khác hoàn toàn.


Mang dáng bề thế nhưng trụ sở HTXNN Tam Phước 1 lại cho doanh nghiệp thuê

Ông Đoàn Ngọc Dung, Chủ nhiệm HTXNN Tam Phước 1, giải thích: Đấy là của doanh nghiệp thuê lại đó, HTX chỉ có mấy phòng thôi. Từ thời bao cấp để lại dãy nhà này, sau bao nhiêu năm cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng HTX không có kinh phí sửa chữa.

Ông Dung cho biết: Trước đây, HTX còn KDĐ, TLP thì nguồn thu cũng dồi dào. Thế nhưng khi bàn giao trang thiết bị cho điện lực quản lý, trừ khấu hao thì chẳng được bao nhiêu so với số tiền đầu tư ban đầu. Tiếp đến là TLP, khi Chính phủ hỗ trợ nông dân thì nguồn thu teo lại dần.

"Thực tế, cái khó của HTX hiện nay vẫn là nguồn vốn để đầu tư phát triển. Bởi cổ phần mà xã viên đóng góp chẳng được bao nhiêu, hoạt động kinh doanh dậm chân tại chỗ”, ông Dung cho hay.

Chẳng sáng sủa gì hơn Tam Phước 1, HTXNN Điện Tiến 3 (Điện Bàn, Quảng Nam) có trụ sở nằm lẻ loi giữa cánh đồng. Ngôi nhà cấp 4 khá mới mẻ nhưng khi vào trong chỉ có mấy cái bàn. Ông Võ Đắc, Chủ nhiệm HTX, than thở: “Trước đây, trụ sở nằm gần UBND xã nhưng sau đó nhường lại cho xã xây trường. HTX chuyển ra đây và cũng muốn xây cao to nhưng không có vốn. HTX hoạt động mà cứ bám vào nông nghiệp thì nguồn thu chẳng bao nhiêu, thậm chí còn bù lỗ”.

Ông Đắc buồn bã, phục vụ nông nghiệp trông chờ vào kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN), thế nhưng không có tiền để mua vật tư về bán cho bà con. Tôi hỏi: Sao không mua nợ các Cty, đại lý? Ông Đắc đáp: “Giờ Cty nào cũng không cho nợ, phải tiền tươi thóc thật thì họ mới bán, hoặc mua nợ thì trả tiền lãi”.

Sự sống còn của hai HTXNN Điện Tiến 3, Tam Phước 1 hiện trông chờ vào nguồn thu liên kết với các Cty sản xuất lúa giống, tuy nhiên làm lúa giống được hay mất do... ông trời quyết định. Bởi giai đoạn lúa chín gặp phải mưa dài ngày, lũ lụt, mưa bão ngã đổ thì mùa đó mất trắng. Còn không, phải đầu tư lò sấy hết khoảng trên 250 triệu đồng, thế nhưng nguồn vốn eo hẹp nên các HTX chấp nhận trông vào vận may.

Ở tỉnh Bình Định, chúng tôi về HTXNN Cát Thắng, huyện Phù Cát, thoạt nhìn vẻ ngoài khá bề thế của trụ sở. Chúng tôi cứ ngỡ HTX này chắc là 1 trong những HTXNN đang sống khỏe ở tỉnh này. Tuy nhiên, khi làm việc với Ban chủ nhiệm, chúng tôi mới hiểu ra, HTX này đang thoi thóp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: Hiện nay hoạt động của HTX đang tê liệt hoàn toàn. Dịch vụ kinh doanh VTNN thì không thể cạnh tranh nổi với các cơ sở tư nhân trên địa bàn. Khi không có tiền thì xã viên đến mua nợ của HTX, rồi sau đó cứ chây ì không thanh toán.

Về dịch vụ làm giống, trước đây HTXNN Cát Thắng cũng có hợp đồng sản xuất, cung ứng giống cho một số đơn vị, thế nhưng sau 1 vụ sản xuất chưa kịp thu hoạch thì gặp bão, lúa ngã đổ, lúa giống không được thu mua nên nông dân phải bán lúa thịt, từ đó xã viên “cạch” không làm giống cho HTX nữa. Thậm chí có nhiều HTXNN có điều kiện làm giống nhưng khi sản xuất ra xã viên không mua giống của HTX dẫn đến thua lỗ. Ví như các HTXNN Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) hoặc HTXNN Bình Phú 1 (Tây Sơn)… đang kêu trời vì làm giống lỗ.


Trụ sở HTXNN Cát Thắng (Phù Cát, Bình Định) khá bề thế nhưng không hoạt động được dịch vụ nào


Trụ sở HTXNN Cát Hanh 3 (Phù Cát, Bình Định) chẳng mấy khi mở cửa

Còn về dịch vụ TLP, sau khi Nhà nước có chính sách miễn giảm TLP, các HTXNN chỉ còn thu TLP nội đồng với mức thu từ 1.000.000 - 1.030.000 đồng/ha/năm không đủ để chi phí nạo vét kênh mương và trả công cho thủy nông viên. Những HTX đang làm dịch vụ thủy lợi bằng máy bơm điện thì càng lỗ nặng, bởi mức cấp bù TLP không đủ trả tiền điện. Nhiều HTX phải lấy khoản thu từ các dịch vụ khác để bù lỗ cho dịch vụ thủy lợi như HTXNN Nhơn Khánh hoặc HTXNN Nhơn Hậu (TX An Nhơn).

CÓ SỔ ĐỎ NHƯNG VÔ TÁC DỤNG

Nói về yếu kém của các HTXNN ở Bình Định, có thể nêu thực trạng của HTXNN 3 Phước Thuận (Tuy Phước) làm ví dụ điển hình. Được thành lập vào năm 1978, sau 20 năm hoạt động, HTX này trở thành HTXNN yếu nhất huyện, và cuối cùng tê liệt toàn phần. Ban chủ nhiệm HTXNN 3 Phước Thuận khi ấy không thể chèo chống, đành bỏ của chạy lấy người. Để cứu HTX này, ngành chức năng của huyện Tuy Phước cho tổ chức đại hội xã viên để bầu Ban Chủ nhiệm mới, những mong với phương hướng hoạt động mới, HTXNN 3 Phước Thuận sẽ hồi sinh.

Ông Man Đức Thuận, Chủ nhiệm HTXNN 3 Phước Thuận, nhớ lại: “Khi Ban Chủ nhiệm mới tiếp nhận HTX vào tháng 6/1999 thì tổng tài sản chúng tôi cầm được trong tay chỉ là... con dấu. Trụ sở thì tuềnh toàng, trống huơ trống hoác, thậm chí không có bàn ghế để ngồi làm việc. Tổng vốn tiền mặt của HTX còn lại cho đến thời điểm đó là 180.000 đồng và một danh sách nợ đọng trong xã viên dài dằng dặc. Khi ấy chưa có chủ trương bàn giao hệ thống điện cho ngành điện nên với dịch vụ này mỗi năm HTX thu được khoảng 100 triệu đồng, và thời điểm đó cũng chưa có chính sách miễn TLP nên khoản thu từ dịch vụ này đủ để chúng tôi trang trải chi phí quản lý, tồn tại tàm tạm”.


HTXNN 3 Phước Thuận phải mượn sổ đỏ nhà riêng của cán bộ HTX vay tiền mua máy cày

Sau khi không còn hoạt động 2 dịch vụ nói trên, HTXNN 3 Phước Thuận mở hướng làm ăn sang dịch vụ làm đất để tạo thu nhập. Tuy nhiên, 5 chiếc máy cày tay mà HTX sắm trước đó giờ đã trở thành 5 cục sắt, không hoạt động gì được. Nếu có hoạt động được thì cũng chẳng thể cạnh tranh được với máy cày hiện đại của tư nhân đang hoạt động trên địa bàn. Muốn vay vốn ngân hàng để mua thiết bị mới thì không được, dù HTX có trong tay chiếc sổ đỏ trụ sở được cấp.

Ông Thuận chua chát: “Để mua 4 chiếc máy cày công suất kha khá có giá 400 triệu đồng, trong khi vốn tự có của HTX chỉ có 200 triệu, chúng tôi phải huy động 3 sổ đỏ nhà riêng của 3 cán bộ Ban Chủ nhiệm HTX, mỗi sổ được vay 30 triệu đồng và huy động vốn góp của xã viên mới mua được”.

“Với các cơ sở cung ứng VTNN tư nhân, nếu đòi hoài mà bà con không trả thì họ sẵn sàng ra ruộng thu lúa non để trừ nợ chứ HTX thì không làm được như vậy nên đòi nợ rất khó. Ngoài ra, phần thì mình mua nguyên bao, bán nguyên bao hưởng chênh lệch giá, còn tư nhân thì họ có thể rút bớt ruột ra rồi bán giá nhẹ hơn, nông dân thấy rẻ là mua, dẫn tới hàng HTX ế ẩm không kinh doanh gì được”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTXNN Cắt Thắng, Phù Cát, Bình Định bộc bạch.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm