| Hotline: 0983.970.780

Lũ gà u mê, đàn dê lạc lối, những gói mì tôm lầm đường…

Thứ Tư 15/11/2017 , 07:18 (GMT+7)

Sau lũ gà u mê, đàn dê lạc lối thì giờ đây, những gói mì tôm lại “lầm đường”… Và lại vẳng đâu đây, lời của bà Nguyễn Thị Doan khi còn làm Phó Chủ tịch nước: “Người ta ăn không từ thứ gì…”. 

Một câu chuyện nhức nhối lại vừa xảy ra tại Thanh Hóa. Đó là sau mưa lũ, số tiền hàng cứu trợ lại “nhầm đường, lạc lối” vào nhà quan.

Theo phản ánh của báo Dân trí, trong đợt cứu trợ lũ lụt vừa qua, nhiều gia đình nghèo, cụ già neo đơn, tàn tật, ốm đau tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa không được nhận quà. Trong khi hàng chục suất quà lại rơi vào các gia đình cán bộ thôn khiến người dân vô cùng bức xúc, phẫn nộ.

Người dân ở đây cho biết, có đoàn của một ngôi chùa trong Bình Dương trao 170 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, trong đó có 1 yến gạo, chăn, quần áo ấm, bát, 300.000 đồng tiền mặt và một đoàn tăng ni phật tử của một ngôi chùa trên địa bàn với 100 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng.

Thế nhưng trong khi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, neo đơn lại chỉ nhận được vài ba gói mì, ít cân gạo thì hàng loạt gia đình cán bộ có điều kiện kinh tế khá giả lại được nhận quà có giá trị.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thôn 4 có 9 cán bộ thì 8 gia đình được nhận quà cứu trợ. Ngay cả gia đình ông Yêng (bí thư thôn) có nhà 3 tầng, giàu nhất nhì thôn cũng nằm trong danh sách nhận cứu trợ.

Cụ thể, 8 gia đình gồm: Gia đình ông Yêng (bí thư thôn), ông Thanh (trưởng thôn), chị Lan, chị Huế, chị Trang, ông Quyết, ông Diện, anh Thủy đều là cán bộ thôn. “Gần 300 suất quà mà người nghèo chỉ có 1-2% thôi còn nhà 2, 3, 4 tầng đến nhận hết”. Ông Nguyễn Văn Lan, thôn 4 nói.

Trong khi đó, ông Dương Văn Tiệu (80 tuổi) mắc đủ thứ bệnh, cuộc sống nghèo khổ. Sau lũ lụt, nhà ông Tiệu lại càng khó khăn hơn nhưng ông Tiệu cho đến nay cũng chỉ nhận được 5 gói mì tôm. Nhà ông Dương Văn Nguyên (93 tuổi) đang nuôi vợ là Dương Thị An (93 tuổi) bị liệt; nhà bà Dương Thị Cúc (80 tuổi), bà Hà Thị Sánh (78 tuổi), hoàn cảnh khó khăn thế nhưng cũng chỉ được nhận ít mì tôm từ những đợt cứu trợ trước đó.

Điều ngạc nhiên là sau khi phát cho mỗi gia đình 5 gói mì tôm, họ lại gọi dân lên lấy thêm một gói nữa. Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) cho biết, chắc thôn nhầm vì đúng ra là phải trao 6 gói/khẩu chứ không phải cho một hộ.

Chao ôi! Ăn đến cả gói mì tôm cứu trợ thì còn gì để nói!

Chuyện nhập nhèm trong việc nhận tiền, hàng cứu trợ hoặc hỗ trợ người nghèo ở ta không hiếm. Cách đây ít lâu, tại xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gà cấp cho người nghèo “chạy” vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã.

Tại Thanh Hóa, đã từng xảy ra chuyện 12 con dê được cấp cho bà con nghèo xã Thành Yên đáng lẽ thẳng tiến về nhà dân nghèo thì lại “lỡ bước sang ngang” vào nhà ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý.

Khi đó, Bí thư Quý thì giải thích rằng ông ấy nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án của Bộ Khoa học công nghệ về phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi thoát nghèo chứ… không biết đó là dê hỗ trợ của thị xã Bỉm Sơn. Tức là có cái sự “nhầm nhọt sang trồng trọt” ở đây.

Sau lũ gà u mê, đàn dê lạc lối thì giờ đây, những gói mì tôm lại “lầm đường”…

Và lại vẳng đâu đây, lời của bà Nguyễn Thị Doan khi còn làm Phó Chủ tịch nước: “Người ta ăn không từ thứ gì…”.

 

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm